Đại biểu Quốc hội nêu ba nguyên nhân gây ra liên tiếp 4 vụ tai nạn và sự cố đường sắt
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia là 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 3 người chết, 11 người bị thương; nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ. Vì sao, trong vài ngày lại xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố đường sắt dọc tuyến miền Trung như vậy?
Tai nạn đường sắt đang được khắc phục. Ảnh internet.
Trước đó, ngày 24/5, tàu khách số hiệu SE19 khi đến đường ngang có gác tại km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, thuộc tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường sắt Bắc Nam đã va chạm với ô tô tải chở đá BKS 37C-151.38.
Đầu máy 927 bị đổ, 6 toa xe bị đổ lật, trật bánh. Lái tàu và phụ lái tử vong, 10 người bị thương. Hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng.
Hai ngày sau, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn tại Quảng Nam và Nghệ An cùng ngày 26/5. Vào 16h18, đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số 2 ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thì va chạm với tàu số hiệu 2469 bị dồn vượt quá mốc xung đột khiến 2 đầu máy và 5 toa xe hàng bị trật bánh.
Lúc 16h30 cùng ngày, tức là chỉ sau hơn chục phút vụ 6 toa xe bị đổ lật, trật bánh, tàu hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An thì toa số 3 và 4 bị trật bánh.
13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc Nam, khi tới xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đâm vào xe bồn tại đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt (có biển báo cấm ô tô) làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút.
Cú va chạm khiến xe bồn văng xa 10m, còn tài xế bị thương. Đây là vụ tai nạn và sự cố tàu hỏa thứ 4 liên tiếp trong 4 ngày qua ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Nghệ An.
Lãnh đạo Tổng cục Đường sắt Việt Nam cũng đã đăng đàn trả lời vấn đề nhiều người quan tâm là vì sao, chỉ trong 4 ngày mà xảy ra tới 4 vụ tai nạn, sự cố đường sắt như vậy?
Những thông tin mà lãnh đạo Tổng cục Đường sắt Việt Nam đưa ra, làm nhiều người băn khoăn.
Sáng 28/5, trả lời bên hành lang Quốc hội, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn và sự cố đường sắt liên tiếp xảy ra ở miền Trung.
Thứ nhất: Hệ thống quy định để đảm bảo vận hành an toàn đường sắt chưa hoàn thiện. Đây là một trong những vấn đề hàng đầu cần nghiên cứu hoàn thiện ngay. Chúng ta duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến giờ, chậm đổi mới.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh internet.
Thứ hai: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt quá thấp kém. Từ đoàn tàu, máy tàu đến hệ thống các con đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ cuối. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt quá thấp kém.
Thứ ba: Ý thức tuân thủ của cán bộ lẫn người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông còn rất thấp.
Ngay ở xung quanh Thủ đô Hà Nội, việc đi lại, tham gia giao thông liên quan đến đường ngang, đường sắt nhiều vi phạm pháp luật.
“Chính vì 3 vấn đề trên, nảy sinh vấn đề bất cập, nảy sinh ra nhiều vi phạm pháp luật nói chung và dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Vị Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm của Bộ trưởng là đầu tiên.
"Vì Bộ trưởng phải là người tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân. Phối hợp với các bộ ngành, địa phương khác, thực hiện làm sao đảm bảo an toàn hiệu quả để phòng tránh tai nạn và những bất trắc xảy ra.
Bộ trưởng cần thiết phải lên tiếng, vào cuộc ngay lập tức. Đây là vấn đề có tính nhạy cảm về chính trị, xã hội. Việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn là nhiệm vụ chung chứ không phải bí mật của ngành đường sắt, hay Bộ GTVT", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Giải pháp khắc phục được đại biểu Nhưỡng đưa ra là “Tổng cục Đường sắt cần nghiên cứu đề án khả thi báo cáo với Chính phủ, củng cố hệ thống giao thông đường sắt.
Đây là vấn đề của toàn xã hội. Củng cố hệ thống đường sắt là phải củng cố từ thể chế cho đến hạ tầng kỹ thuật cho đến ý thức tuân thủ, ý thức pháp luật và thậm chỉ cả đạo đức xã hội".
Theo kế hoạch, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội từ 4-6/6, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn cũng như các giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.
N.Huệ (t/h)