Đặc sắc nghề làm mặt nạ giấy bồi
Mặt nạ giấy bồi là một món đồ chơi truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu (Ảnh: Facebook Mặt nạ giấy bồi). |
Trong con ngõ nhỏ ở số 73 phố Hàng Than (Hà Nội) nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cùng vợ miệt mài tô vẽ từng đường nét tỉ mẩn để cho “ra đời” những chiếc mặt nạ giấy bồi đậm chất truyền thống vào dịp Trung thu.
Ông Hòa kể: Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi yêu thích của nhiều em nhỏ dịp Tết Trung thu. Sở dĩ được gọi là mặt nạ giấy bồi là do được làm từ giấy xé vụn và đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính.
Để làm chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm.
Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem.
Sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ phải được phơi nắng tự nhiên; không được dùng máy sấy nhằm tránh làm biến dạng, cong vênh.
Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo; cần một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn.
Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa (Ảnh: Facebook Mặt nạ giấy bồi). |
"Nghề này kén chọn người làm vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu, đồng thời phải thật yêu nghề. Nhiều người học nghề chỉ quan tâm đến số lượng hơn chất lượng, vì thế chúng tôi đã từ chối dạy", ông Hòa nói.
Nguồn video: Kênh HTV9 Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh