Cựu học viên phi công quân sự VN: Máy bay tàng hình F-35 Mỹ - "Quái thai" vật lý thế hệ 5!
Từ chuyện viễn tưởng...
Khi kết thúc chiến tranh với Việt Nam, người Mỹ vẫn còn ngơ ngác không hiểu tại sao lại thua một đất nước với những con người rất nhỏ bé, nghèo khổ.
Trong những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc, các máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam non trẻ nhưng vẫn khiến lực lượng hùng hậu gồm những máy bay hiện đại nhất thời đó, cả của Không quân và Không quân Hải quân Mỹ phải hứng chịu nhiều thất bại nặng nề. Điều đó đã để lại cho người Mỹ những nhức nhối, thắc mắc đến tận hôm nay.
Các vị chỉ huy cũng như các phi công tiêm kích Việt Nam quả cảm và rất giỏi ngày ấy nay đều đã gần hoặc hơn 80 tuổi. Nhiều người trong số họ là phi công đẳng cấp ACE huyền thoại (bắn rơi từ 5 máy bay Mỹ trở lên), liên tục "vít cổ" những Thần sấm, Con ma được điều khiển bởi các phi công sừng sỏ của Mỹ.
Vào những năm 1970 của thế kỷ trước, khi MiG-17 và MiG-21 chiến đấu rất hiệu quả trên vùng trời Bắc Việt thì ở Mỹ cũng như Nga (Liên Xô) các tổng công trình sư vẫn miệt mài với các bản thiết kế những máy bay thế hệ sau, trong cuộc chạy đua vũ trang không có "giải lao" của 2 cường quốc.
Thế hệ chúng tôi, là những phi công quân sự Việt Nam trong thời bình những năm 1980-1990, nếu được nhìn thấy hình ảnh của F-22 thôi, thì có lẽ vẫn cho là mô hình trong truyện viễn tưởng nhưng cũng chẳng mấy e ngại, bởi "vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn".
.. cho tới "quái thai vật lý" F-35
Với những khoản chi tiêu khổng lồ cho quốc phòng, không phải là hàng chục mà là hằng trăm tỷ USD, đặc biệt là cho không quân, những hãng thiết kế và các nhà tài phiệt Mỹ đã rất biết cách để giải ngân với những dự án cực khủng.
Bắt đầu là F-117, rồi F-22 và B-2, đến bây giờ là tiêm kích F-35. Chi phí cho các dự án chỉ ở chiều hướng tăng lên.
Tiêm kích F-35.
Từ nửa cuối thập niên 1990, Lockheed Martin đã bắt đầu triển khai nghiên cứu dự án F-35 nằm trong khuôn khổ chương trình Joint Strike Fighter nhằm thay thế một loạt máy bay thế hệ trước như F-16 Fighting Falcon, F-18 Hornet, A-10 Thunderbolt và AV-8 Harrier với yêu cầu là chi phi tối ưu và công nghệ tối tân hơn so với "đàn anh" của nó là F22 Raptor.
Bất kỳ một công trình sư về hàng không hay không quân nghiêm túc nào của Nga, đều cho rằng rất khó thực hiện, kể cả trên lý thuyết. Nhưng người Mỹ vẫn quyết tâm làm vì họ cho rằng "Mỹ là nhất".
Trong vòng 16 năm, người Mỹ đưa ra một vài phương án và họ đã ràng buộc được tất cả các đồng minh của mình khi sáng chế một khí tài bay nặng hơn không khí. Nhưng trên thực tế, việc cưa cắt ngân sách quốc phòng và sáng chế một siêu phẩm bay hoàn toàn không hòa đồng với nhau.
Báo cáo của phòng thực nghiệm vận hành bay với BQP Mỹ, tháng 2/2013 cho biết: "Máy bay chưa hoàn chỉnh, thường xuyên phải tìm đường vòng cho việc thực hiện các quá trình bay, cực kỳ nhiều hạn chế trong hệ thống điều hành, cản trở cho việc đánh giá đúng khả năng thực hiện huấn luyện bay của F-35 trong đội hình phi đội và tham gia chiến đấu".
Một vài hạn chế nữa là: Buồng lái có tầm bao quát cực thấp, gây bất lợi cho phi công khi phải không chiến quần vòng ở tầm gần và khả năng chiếm lĩnh ưu thế trong không trung. Hạn chế cho học viên bay vượt âm và dễ bị hỏng khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn âm 15 độ C.
4 năm sau khi có báo cáo, máy bay vẫn chưa được hoàn thiện, ngoài việc Mỹ vẫn lôi kéo các đồng minh cùng tham gia dự án khủng khiếp này.
Theo Tạp chí Aviation week, càng ngày người ta càng ghi nhận thêm được nhiều hơn các trường hợp "ảnh hưởng tâm sinh lí của phi công lái F-35 trong khi bay" mà có thể hiểu nôm na là tình trạng sức khỏe phi công tồi đi khi đang bay. Nếu từ 2006 đến 2016 chỉ có khoảng 10 trường hợp, thì đến thời điểm hiện nay con số đã lên trên 20.
Ít nhất là có 5/10 trường hợp xảy ra ngay trong năm nay 2017 (trong khoảng từ 2/5 - 8/6/2017) tại phi trường Lux bang Arizona khiến các chuyến bay của F-35 phải tạm dừng để kiểm tra.
Theo Trung tá Bena Beshop, chỉ huy đoàn bay số 56 kể lại thì ông thấy có 3 trường hợp hoàn toàn giống nhau là:
"Phi công đang bay cảm thấy mệt, yếu vì thiếu ôxy. Hệ thống cung cấp dự bị kích hoạt đúng lúc, nhưng người lái vẫn không cảm thấy có tác dụng... Rất có thể là hệ thống tương tác của máy bay với phi công có vấn đề hay đơn giản chỉ là những cái van không chịu mở ra làm cho họ bị ngạt thở". Ông trung tá đánh giá.
Tiêm kích F-35 vẫn còn quá nhiều lỗi
Theo các báo cáo thì chỉ có phi công F-35 bị triệu chứng "tâm sinh lí khi bay" khi từ 2006 đến nay ghi nhận được 29 trường hợp. Chỉ cần một vài trường hợp thôi, cũng đủ để thấy điểm yếu của F-35, từng được ngưỡng mộ như bước nhảy vọt của công nghệ Hàng không mà đến giờ đang trở thành một cơn đau đầu kinh niên và khó chữa.
Phải chăng F-35 chưa đánh đã tự thua?
Hùng Nguyễn (từ Moscow, Nga)