Cựu chiến binh Mỹ trao thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh
Ông Grant T. Coats, Chủ nhiệm Ủy ban toàn quốc về Tù binh và người mất tích (POW/MIA) và thành viên của tổ chức VVA trao ba bộ hồ sơ liên quan tới bộ đội giải phóng của Việt Nam hy sinh trong chiến tranh
Ba bộ hồ sơ liên quan đến thông tin hơn 40 bộ đội Việt Nam hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm bản đồ và một số chỉ dẫn viết tay của các cựu binh Mỹ, các tài liệu thu thập của VVA trong các đợt hội nghị của các cựu binh Mỹ. Trong số này có một bộ hồ sơ còn lưu giữ được một bức ảnh nguyên vẹn chụp một chiến sĩ đã chiến đấu tại tỉnh Tiền Giang năm 1968 và một hồ sơ liên quan trực tiếp đến vị trí chôn cất hài cốt liệt sĩ Việt Nam tại khu vực Khe Gió, một địa danh lịch sử nổi tiếng của chiến dịch đường 9 Nam Lào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Được biết, thông qua “Chương trình sáng kiến cựu binh," tổ chức VVA đã chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 302 bộ hồ sơ; góp phần giúp đỡ tìm kiếm và quy tập hài cốt của khoảng 1.500 liệt sỹ Việt Nam.
Bản photo bức ảnh được lưu trữ nguyên vẹn trong một bộ hồ sơ
Ông Grant T. Coats, Chủ nhiệm Ủy ban toàn quốc về Tù binh và người mất tích (POW/MIA), thay mặt bà Marsha Lynn Four, Phó Chủ tịch VVA cho biết, về các thông tin liên quan tới quân nhân mất tích của hai phía, do thời gian đã lâu, các cựu chiến binh đã lớn tuổi, thêm vào đó địa hình, địa vật nơi xảy ra trận đánh đã thay đổi nhiều nên thông tin đã bị mai một nhiều. VVA sẽ tiếp tục kêu gọi các cựu chiến binh, các thành viên của VVA cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến các quân nhân mất tích trong chiến tranh để cung cấp cho phía Việt Nam.
“Chúng tôi luôn cố gắng thu thập thông tin, tư liệu càng nhiều càng tốt để cung cấp cho phía Việt Nam và hy vọng các bạn thành công tìm được hài cốt, đưa các chiến sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng,” ông nói.
Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến đánh giá cao chương trình trao đổi đoàn giữa Tổ chức Cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam và Hội Việt – Mỹ, được thiết lập từ năm 1994. Những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau trong quá trình hòa giải, bình thường hóa, phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
Ông hy vọng quan hệ giữa Hội Việt - Mỹ và Tổ chức Cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển, đạt được những mục tiêu xa hơn trong thời gian tới.
Trong sáng 23/1, hai thành viên đoàn VVA cũng đã cùng đại diện Hội Việt – Mỹ đi thăm và tặng quà tại Làng Hữu nghị Việt Nam (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội).
Ông Grant T. Coats trao quà cho lãnh đạo của làng Hữu nghị
Lãnh đạo Làng đã dẫn Đoàn tới thăm những lớp học đặc biệt cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại đây. Khi chứng kiến những di chứng của các em nhỏ, thành viên trong Đoàn đều rất xúc động. Đoàn VVA và Hội Việt – Mỹ đã chuẩn bị rất nhiều phần quà dành tặng cho các em nhằm bày tỏ sự đồng cảm và sẻ chia với nỗi đau các em đang gánh chịu.
“Đây là lần đầu tiên tôi thăm làng và tôi thực sự ấn tượng với những gì các bạn đang làm ở đây”, ông Grant nhấn mạnh.“Trẻ em luôn là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh. Là những thành viên của VVA, chúng tôi, hơn ai hết, hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin liên quan tới quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh giữa hai nước”.
“Món quà chúng tôi mang đến hôm nay tuy nhỏ bé về mặt vật chất nhưng thể hiện được tấm lòng của tổ chức VVA chúng tôi”, ông Grant nói khi trao quà cho lãnh đạo của Làng Hữu nghị.
Trong suốt khoảng thời gian giao lưu, hai thành viên Đoàn VVA đã cùng các em nhỏ trò chuyện rất vui vẻ
Bà Margaret Pratt Porter, Giám đốc Thông tin của VVA chia sẻ: “Đây là chuyến đi đến làng thứ ba của tôi. Lần đầu tiên tôi đến khi làng mới thành lập được năm năm. Các bạn nhỏ bị nhiễm chất độc da cam tại đây thật sự đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi và con gái. Chính nhờ chuyến đi năm đó mà con gái tôi sau này đã trở thành nhà hoạt động tích cực giúp đỡ các nạn nhân của chất độc da cam”.
Minh Phương