Cuối cùng "bộ tứ" Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã định hình sau 10 năm, TQ lập tức cảnh cáo
Bình luận về cuộc họp giữa các quan chức của Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản hôm Chủ nhật, 12/11 tại Manila, Philippines, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/11 nói:
"Phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng lợi là xu thế lớn của thế giới và là trào lưu thời đại. Sự phát triển của bất kỳ quốc gia và khu vực nào đều cần tuân theo trào lưu, phù hợp với xu thế. Các bên có thể đề xuất ý tưởng và chủ trương để thúc đẩy hợp tác khu vực, tuy nhiên các ý tưởng và chủ trương này cũng cần tuân theo trào lưu và phù hợp xu thế. Các ý tưởng và chủ trương cần cởi mở, bao dung, cần có lợi cho thúc đẩy hợp tác cùng thắng lợi giữa các bên, cần tránh bị chính trị hóa hay dàn xếp mang tính độc quyền".
Bước ngoặt của sáng kiến bốn bên
Cuộc họp hôm 12, diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN, là lần đầu tiên các quan chức của "bộ tứ" thảo luận bốn bên kể từ khi Nhật Bản đề xuất hình thành liên minh bốn nước vào 10 năm trước.
Sau phiên họp, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã ra các tuyên bố riêng rẽ, nhưng đều đề cập Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm mở rộng hợp tác để duy trì trật tự dựa trên các nguyên tắc và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng này.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng họp báo ngày 13/11
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cuộc gặp giữa quan chức 4 nước diễn ra trong bối cảnh Mỹ có xu hướng xoay trục chiến lược, khi tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" để định nghĩa về khu vực trong chuyến công du châu Á đầu tiên của mình.
Khái niệm mới này nhấn mạnh cam kết của Washington về an ninh và ngoại giao đối với phạm vi rộng hơn khu vực "châu Á-Thái Bình Dương" trước đây, và nêu ra tầm quan trọng của Ấn Độ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và trở nên hùng mạnh.
Sáng kiến an ninh bốn bên lần đầu được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng vào năm 2007, tuy nhiên Australia và Ấn Độ vẫn do dự tham gia sáng kiến sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.
Theo SCMP, hai nước này đã thay đổi quan điểm sau khi sáng kiến "Vành đai và Con đường", do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất năm 2013, có khả năng tác động đến trật tự thế giới do Mỹ hậu thuẫn. Vụ giằng co căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn hồi giữa năm, thậm chí suýt dẫn đến xung đột, cũng khiến New Delhi có cái nhìn mới về sự cứng rắn của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp "bộ tứ", các quan chức đã nhất trí hợp tác hướng đến "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và bao trùm".
Hồi tuần trước, Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo rằng bất kỳ ý định xây dựng nhóm an ninh chung nào đều không nên nhằm vào hoặc hướng tới làm tổn hại "lợi ích của bên thứ ba".
Trong cuộc gặp với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm thứ Hai, 13/11, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN, tổng thống Trump cũng trao đổi về tình hình an ninh khu vực và hứa thúc đẩy liên hệ Mỹ-Ấn trong thương mại và an ninh.
Tờ The Hindu dẫn lời ông Modi nói với ông Trump, "Ngài cũng thấy rằng các liên hệ Mỹ-Ấn có thể hợp tác vượt trên cả lợi ích của Ấn Độ, vì tương lai của châu Á và lợi ích cho nhân loại".
Tại cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, tổng thống Trump nói Mỹ "mong muốn các đối tác trong khu vực mạnh mẽ, độc lập, và thịnh vượng để nắm giữ vận mệnh của chính mình".
Thủ tướng Ấn Độ Modi (giữa), thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Trump tham gia một cuộc trao đổi tại tiệc chiêu đãi các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Manila, do tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chủ trì (Ảnh: PTI)
Bắc Kinh cảnh giác nhưng chưa cần lo lắng
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng hội nghị bộ tứ ở Manila là một phần trong mục tiêu phổ biến khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Trump, như là nền tảng cho chiến lược châu Á của ông, và nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh/đối tác.
Ông Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á ở Đại học Tế Nam, Trung Quốc, nói rằng sự hình thành "bộ tứ" là phản ứng có thể thấy trước từ 4 nước trước sự gia tăng cả về sức mạnh quân sự lẫn kinh tế của Trung Quốc.
Du Jifeng, chuyên gia về Đông Nam Á ở Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), bổ sung rằng Mỹ, Nhật, Ấn và Australia chia sẻ nhiều giá trị chung và không có cạnh tranh về lợi ích chiến lược trong khu vực, kể cả trong các vấn đề lớn như biển Đông hay chương trình hạt nhân Triều Tiên.
"Đây là một 'bí mật mở' mà ai cũng biết, rằng các nước này lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, và đang cố gắng hợp tác sau hậu trường về sáng kiến [của Nhật Bản]," ông Du nói.
Du Jifeng cho rằng Bắc Kinh cần cảnh giác trước một liên minh an ninh tiềm tàng, có khả năng tái định hình cục diện địa chính trị trong khu vực về dài hạn, nhưng cũng không nên phản ứng quá gay gắt khi mọi chuyện mới chỉ trong "trứng nước".
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ba bên với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề ASEAN-31
Hải Võ