Cuộc sống của các cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc
Han Sarang (trái) và Min Soo-kyung tại Haenam năm 2018. Ảnh: Nikkei. |
Han Sarang, 28 tuổi, năm 2008 từ Campuchia đến một ngôi làng ở huyện Haenam, tỉnh Jeolla Nam, nơi được gọi là "địa đầu" của Hàn Quốc. "Khi mới đến, tôi không biết Haenam là một nơi xa xôi như vậy", cô nói.
Han đã nuôi ý định đến Hàn Quốc từ thời trung học. Cô càng quyết tâm hơn khi hoàn cảnh kinh tế không cho phép cô học cao hơn. Cô đến một công ty mai mối quốc tế và được giới thiệu với người đàn ông sau này trở thành chồng mình. Cuộc gặp đầu tiên kéo dài vài giờ và họ kết hôn một tuần sau đó.
Khi đến Hàn Quốc, Han thấy sân bay rộng lớn và hiện đại, cô nghĩ rằng mình đã đến một đất nước "tiên tiến". "Nhưng sau đó tôi được đưa đi càng lúc càng xa. Bò và xe máy bắt đầu xuất hiện. Cuối cùng, khung cảnh lại giống quê hương tôi!", cô kể.
Cuộc sống tại nơi đất khách quê người làm cô bối rối. Han không biết tiếng Hàn nên không thể hiểu những gì bác sĩ nói. Người Hàn Quốc cũng ăn cơm như người Campuchia, nhưng không phải là loại cô đã quen, ít nhất là khi mới đến. "Tôi không có người bạn bản địa nào đến chơi và tôi luôn ở nhà một mình", Han kể.
Nỗi cô đơn tương tự khiến một cô dâu ngoại quốc khác, Min Soo-kyung, 30 tuổi, đến từ Việt Nam, cảm thấy bị mắc kẹt. "Tôi bị trầm cảm, nhưng hai con đã giúp tôi vượt qua", Min, người đã đến Haenam 12 năm trước, nói.
Nỗi cô đơn trở nên tồi tệ hơn do cô không thể hiểu tiếng Hàn, nhưng cô sau đó tìm cách học tiếng từ các bộ phim truyền hình mà cô yêu thích.
Cả hai người phụ nữ nhận được giúp đỡ từ Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa của Haenam, nơi giúp họ kết nối với người dân địa phương và các bà nội trợ ngoại quốc khác. Ở tỉnh Jeolla Nam, cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp là hôn nhân đa quốc gia.
Các trung tâm do chính phủ điều hành trên khắp Hàn Quốc dạy các cô dâu ngoại quốc tiếng Hàn cùng với văn hóa và lối sống địa phương. Quan trọng hơn là tại đây, các cô dâu ngoại quốc có thể gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ các món ăn truyền thống của đất nước mình.
Số lượng các cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc đã tăng vọt trong những năm 2000, lên đến đỉnh điểm là hơn 40.000, tương đương 13,5% số cuộc hôn nhân vào năm 2005. Tỷ lệ này hiện đã giảm, nhưng vẫn ở mức đáng kể là 7,3% năm 2016. Trong đó, số cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc với cô dâu nước ngoài chiếm 65,7%, cao hơn đáng kể so với hôn nhân giữa chú rể ngoại quốc và phụ nữ Hàn Quốc là 19,4%. Số còn lại là những cuộc hôn nhân có vợ hoặc chồng là công dân nhập tịch.
Yếu tố thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ hôn nhân quốc tế là đàn ông ở nông thôn Hàn Quốc khó tìm kiếm bạn đời, do dân số ở khu vực này ngày càng giảm. Ban đầu, chính quyền Hàn Quốc khuyến khích hôn nhân giữa nam giới bản địa và phụ nữ dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc. Xu hướng này sau đó mở rộng sang phụ nữ Đông Nam Á.
Chị Huynh Thi Thai Muoi, 23 tuổi, (trái) bên cạnh người chồng Hàn Quốc 43 tuổi Kim Kyeong-Bok trong căn hộ ở Gwangju hôm 23/8/2017. Ảnh: AFP. |
Nhưng những cuộc hôn nhân như vậy đặt ra nhiều thách thức. Một số phụ nữ nước ngoài đã kết hôn giả để tìm việc tại Hàn Quốc. Nhiều cặp vợ chồng quốc tế chia tay sau khi không thể hòa giải được khác biệt hay giải quyết bất hòa giữa cô dâu và gia đình nhà chồng.
Một gia đình Hàn Quốc từng không cho phép cô dâu ra ngoài nếu không có người đi cùng vì sợ cô chạy trốn. Tỷ lệ các cặp vợ chồng quốc tế trong tổng số vụ ly hôn ở nước này lên đến đỉnh điểm là 12,6% vào năm 2011.
Nhiều người vợ là nạn nhân bạo lực gia đình, nguyên nhân có thể là bất đồng ngôn ngữ và sự gia trưởng xuất phát từ văn hóa "trọng nam khinh nữ" ở Hàn Quốc.
Năm 2008, một phụ nữ Việt Nam nhảy lầu tự tử sau khi bị chồng và mẹ chồng lạm dụng. Năm 2010, một phụ nữ Việt Nam bị chồng giết một tuần sau khi kết hôn. Năm 2011, một người chồng Hàn Quốc đâm chết vợ Việt khi em bé 19 ngày tuổi của hai người đang nằm cạnh cô. Trong một số trường hợp, những người chồng có tiền sử bệnh thần kinh nhưng các công ty mai mối không báo trước cho cô dâu.
Tại một lễ tưởng niệm nạn nhân bên ngoài Bộ Bình đẳng giới của Hàn Quốc tháng 6/2011, người biểu tình mang theo những tấm bảng có dòng chữ: "Này những người mai mối, các người có thấy những gì các người đã làm không?".
Hoàn cảnh của các bà nội trợ ngoại quốc đã thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc thành lập Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa để giải quyết tình trạng này. Nhân viên trung tâm khuyến khích các cô dâu nước ngoài báo cáo bất kỳ hành vi bạo lực gia đình cho trung tâm hoặc cảnh sát. Nỗ lực này dường như đã được đền đáp. Tỷ lệ các cặp vợ chồng quốc tế trong tổng số vụ ly hôn đã giảm xuống còn 9,9% năm 2016.
Tuy nhiên, hôm 4/7, một vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng lại xảy ra khi một người đàn ông Hàn 36 tuổi đã đánh đập người vợ Việt 30 tuổi tại ngôi nhà ở tỉnh Jeolla Nam suốt ba giờ, ngay trước mặt đứa con nhỏ. Cô bị gãy xương và phải điều trị khoảng 4 tuần tại bệnh viện.
Người chồng bị bắt khẩn cấp vào ngày 7/7, sau khi đoạn video cảnh anh ta hành hung vợ lan truyền trên mạng. "Tôi không biết nói gì ngoại trừ lời xin lỗi", anh ta nói. "Đó là do sự khác biệt về ngôn ngữ". Nghi phạm giải thích rằng khi người vợ còn ở Việt Nam, họ liên lạc với nhau qua video và cô nói tiếng Hàn rất tốt. "Tuy nhiên, khi cô ấy sang đây, tôi không thể hiểu được cô ấy nói gì. Vì thế tôi đã đánh cô ấy".
Vụ hành hung đã gây phẫn nộ ở Hàn Quốc. "Người Việt Nam đừng hiểu nhầm nhé. Không phải người Hàn Quốc nào cũng như vậy đâu", một người Hàn bình luận trên mạng.
Xem thêm
"Ngon, bổ, rẻ": Hàng nghìn người dân Trung Quốc đổ xô đến Hàn Quốc thi bằng lái xe Nhu cầu đến Hàn Quốc học lái xe tăng mạnh đến mức đã có nhiều tour du lịch được mở ra cho du khách Trung ... |
Tạp chí của Hàn Quốc sẽ phát hành cuốn sách do học sinh Hàn viết về Việt Nam Khi đọc tiêu đề cuốn sách “Những thương hiệu mà chúng ta chưa biết đến của Việt Nam”, nhiều người sẽ lầm tưởng cuốn sách ... |
Bác bỏ tin đồn Song Hye Kyo ngoại tình, chia tài sản 2.000 tỷ Vào khoảng 23 giờ ngày 29/6, truyền thông Hàn Quốc cho biết, phía Song Joong Ki cụ thể đã nhắc đến tin đồn liên quan ... |