Cuộc hội ngộ sau 45 năm xa cách của người cựu binh Mỹ với bạn gái Việt Nam
Ông Jim Reischl (trái) và bà Hanh gặp lại nhau lần đầu tiên sau 45 năm tại nhà riêng của bà Hanh. (Ảnh: Washington Post)
“Tôi thấy hơi hồi hộp. Tôi đã không gặp cô ấy 45 năm nay rồi!” – Jim Reischl nói. Ngay sau đó, tiếng gõ cửa vang lên.
Đứng sau cánh cửa là cô nhân viên quán bar trẻ trung mà Reischl bỏ lại sau lưng, khi ông rời khỏi Sài Gòn hồi tháng 7/1970. Khi ấy, cô nói với ông rằng mình đã mang thai. Nhưng Reichsl lại không tin, để rồi ra đi với con tim luôn nặng trĩu nhớ nhung về người con gái ấy. Ngay lúc này đây, cô lại bước vào cuộc đời ông một lần nữa.
Reischl năm nay đã 68 tuổi. Ông đến chiến trường Việt Nam khi mới 21 tuổi và được biên chế vào lực lượng không quân Mỹ. Lúc đó, anh trung sĩ trẻ tuổi đóng quân tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất ở ngoại ô Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi phục vụ tại chiến trường Việt Nam được khoảng 1 năm, ông trở về Minnesota và trở thành chuyên gia vẽ bản đồ của chính phủ. Ông kết hôn 2 lần, có một cậu con trai và gặp nhiều vấn đề sức khỏe liên quan tới chất độc da cam. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông quên được “đệ nhất phu nhân” của mình – cô gái xinh đẹp ở Sài Gòn khi xưa.
Những tấm ảnh từ thời 2 ông bà còn yêu nhau. (Ảnh: Washington Post)
Khoảng năm 2005, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ 2, Reischl bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm cô gái mà ông chỉ còn nhớ được nhờ cái tên “Linh Hoa” – vốn cũng không phải tên thật của cô.
Ông bắt đầu lục lọi trên mạng internet, cuối cùng liên hệ được với Father Founded (FF) – một nhóm giúp kết nối cựu binh Mỹ với con lai của họ thông qua xét nghiệm DNA và các phương tiện khác.
Theo ước tính, có khoảng 100.000 trẻ em là con của những binh sĩ Mỹ và phụ nữ Việt Nam được sinh ra trong cuộc chiến. Hầu hết trong số họ đều đã di cư sang Mỹ. Nhiều người được các gia đình nước này nhận nuôi.
Từ năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của các tình nguyện viên thuộc FF, Reischl đến Việt Nam được 5 lần. Ông nói chuyện với các nhà báo, đăng thông tin tìm kiếm lên nhiều tờ báo địa phương.
Thông điệp mới nhất trên báo có ghi: “Tôi đang tìm em. Đã nhiều năm qua đi. Tôi không tìm kiếm một mối quan hệ gì cả. Tôi muốn em hiểu điều đó. Tôi chỉ muốn được trò chuyện với người phụ nữ tuyệt vời mà tôi quen biết những năm 1969–1970”.
Ông Reischl bắt xe buýt tới nhà bà Hạnh sau khi bắt liên lạc được với người bạn gái cũ. (Ảnh: Washington Post)
Mùa xuân năm ngoái, trong chuyến đi của tờ Washington Post vốn là một phần của dự án về con lai Mỹ – Việt ở Việt Nam, ông Reischl có dịp thăm lại căn hộ chung cư mà ông từng thuê với giá 5 USD/tháng. Đó cũng là nơi mà ông cùng với cô bạn gái năm xưa cùng tận hưởng những tháng ngày tràn ngập men say tình ái, cùng xem một chiếc TV đen – trắng, và nghe những bài nhạc của Beatles hay Blind Faith.
Ông nhớ như in cái ngày mà cô thông báo với ông là cô đã mang thai. “Cô ấy muốn tôi ở lại với cô ấy, và sống tại Việt Nam. Vào lúc đó, tôi đã trả lời: “Anh sẽ không sống ở đây, cũng không ở lại đây”. Đó là một nơi hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi còn trẻ và thật là khờ dại, tôi đoán thế” – Reischl kể lại.
Reischl gõ cửa các nhà hàng xóm gần căn hộ, cho họ xem bức ảnh về người bạn gái mà ông đã chụp lại từ một chiếc taxi đúng vào ngày cuối cùng ông gặp cô. Trong tấm hình, cô đứng bên ban công nhìn ông ra đi. Không ai nhớ nổi người phụ nữ đó là ai, hay đang ở đâu nữa. Nhưng Reischl thề rằng: “Tôi sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm”.
Bà Hạnh chăm sóc cho người chồng bị liệt. (Ảnh: Washington Post)
Tháng 9/2015, một người phụ nữ 64 tuổi đang ngồi cạnh người chồng nằm liệt giường của bà ở làng Mỹ Luông, tỉnh An Giang, Việt Nam. Bà mở iPad, nhấp vào một trang tin tức. Thật tình cờ, bà đọc được một bài báo địa phương nói về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chiến tranh Việt Nam. Khi kéo xuống cuối bài, bà sững người khi nhìn thấy tấm ảnh chụp mình hồi trẻ đang ở trong vòng tay của một binh sĩ Mỹ. Người đó chính là ông Reischl.
“Giây phút nhìn thấy nó (tấm ảnh), tôi đã hiểu ngay” – bà Nguyễn Thị Hạnh kể lại. “Đột nhiên, những ký ức về mối tình đầu lại ùa về”. Cùng với đó, là những dòng suy nghĩ về đứa con gái chung của họ.
Sau ngày ông Reischl rời khỏi Việt Nam, bà Hạnh cũng bỏ Sài Gòn, về quê sinh sống. Ngày 18/12/1970, bà sinh hạ một bé gái với đôi mắt to tròn, và làn da trắng. Bà đặt tên cho con gái là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy.
“Tên thánh của con bé có nghĩa là “giọt nước mắt đầu tiên”, bởi vì tôi chỉ có một mình, và không có bất kỳ người thân trong gia đình nào bên cạnh vào thời điểm đó” – bà Hạnh nhớ lại những ngày gian khó.
Bà Hạnh xúc động khi gặp lại ông Reischl. (Ảnh: Washington Post)
Hạnh – bà mẹ đơn thân lúc đó mới 19 tuổi – đã nhờ một người bạn đưa con gái mình tới trại trẻ mồ côi, với suy nghĩ non nớt rằng bà vẫn có thể tới thăm con. Thế rồi, người bạn biến mất, và khi bà Hạnh đến trại trẻ mồ côi, các nữ tu nói rằng: họ không thấy bất cứ hồ sơ nào về trường hợp này.
Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 4/1975, bà Hạnh trải qua 2 năm trong trại cải tạo. Tại đây, bà gặp gỡ chồng hiện tại của mình – người đang bị liệt sau khi bị đột quỵ. Ông bà có 2 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Suốt từng ấy năm, bà Hạnh vẫn chưa ngừng tìm kiếm cô con gái. Bà cũng chưa bao giờ tha thứ cho ông Reischl vì đã bỏ rơi 2 mẹ con. “Tôi vẫn còn giận ông ấy lắm” – bà chia sẻ.
Sau khi đọc được bài báo, bà Hạnh gửi email cho các phóng viên. Họ đã giúp bà kết nối với ông Reischl ở St Cloud, bang Minnesota. Rồi sau đó là những tin nhắn, những cuộc gọi và cả các cuộc trò chuyện trực tuyến bằng ứng dụng Skype. Cuối cùng, cuộc hội ngộ không tưởng giữa 2 người đã đến vào cuối tuần trước, ở Mỹ Luông, quê nhà của bà Hạnh.
Gần nửa thế kỷ từ khi chia tay nhau, giờ đây 2 người mới có cơ hội gặp lại. (Ảnh: Washington Post)
“Rất vui khi được quen em… một lần nữa” – ông Reischl cất lời khi vừa bước vào cửa. Ông nhìn thấy cô gái Hạnh nhỏ nhắn ngày nào. Ông nhớ là mái tóc của cô khi xưa cũng vuốt sang một bên như bây giờ. Ông giang đôi tay của mình ra. Bà Hạnh bật khóc.
Bà lại một lần xúc động nữa, khi cả 2 cùng ngồi xuống và trả lời phỏng vấn. Người cựu chiến binh không quân – tóc đã bạc trắng – đặt tay lên ghế của người bạn gái cũ, dường như để an ủi bà. Thật gần, nhưng cũng quá xa xôi...
2 người quyết định sẽ đi tìm cô con gái bị thất lạc. Ông Reischl lấy mẫu DNA của bà Hạnh để gửi tới ngân hàng dữ liệu của một trang web chuyên tìm kiếm người thân cho các con lai. Họ cho rằng, nếu không làm được điều này, cuộc tái hợp giữa 2 người sẽ không trọn vẹn.
“Nếu nói tôi hoàn toàn bình tĩnh và không suy nghĩ gì đến chuyện này là nói dối” – bà Hạnh tâm sự sau đó. “Tôi có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Mặt khác, tôi cũng rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Ước mơ duy nhất chưa thực hiện được của tôi là tìm lại con gái đầu”.
Hồng Anh