Cúng biển Mỹ Long - di sản văn hoá phi vật thể hơn 100 năm
Vĩnh Bảo (t/h) 11/06/2022 22:09 | Nhịp sống biển đảo


Đây là lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa phi vật thể, góp phần quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng, giá trị nổi bật về lễ hội dân gian trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mời gọi đầu tư phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Như một thông lệ hằng năm, vào các ngày mùng từ 10-12/5 âm lịch (năm nay nhằm ngày 8/6-10/6/2022) tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, diễn ra Lễ hội Cúng biển Mỹ Long. Hàng vạn người khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự, hàng trăm tàu thuyền cũng tạm ngưng ra khơi đánh bắt thủy sản để ra biển Nghinh Ông.
![]() |
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long là một trong số hiếm hoi các lễ hội dân gian truyền thống của cư dân người Việt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được tiến hành đều đặn hàng năm trong suốt hơn trăm năm qua. Ảnh: Báo Pháp luật |
Chương trình Lễ hội với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn như: Tế lễ (Tiền Giảng), Hát bội, Nghinh Nam Hải, Nghinh Ngũ phương, Cúng binh đem lễ vật lên tàu và lễ tống tàu ra biển...
Năm nay, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức không gian ẩm thực, không gian đờn ca tài tử, trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật và chiếu phim tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, tổ chức gian hàng du lịch giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh đến với du khách và các giải thể thao và các trò chơi dân gian...
Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh: Cúng biển Mỹ Long góp phần đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng.
Đây là lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn, sáng tạo đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và trong đời sống tâm linh của ngư dân miệt biển Trà Vinh. Thông qua các hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng, giá trị nổi bật về lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh.
“Bên cạnh đó, chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra để tạo sân chơi bổ ích cho người dân vùng biển cũng như du khách. Qua đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành du lịch của tỉnh. Nhân đây, cũng là cơ hội tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa xúc tiến thương mại...”, ông Sum nói.
Cúng biển năm nay còn có khoảng 200 chiếc, có cả tàu, ghe ở ngoài tỉnh như Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…tham dự.
Ngư dân Nguyễn Văn Hạnh ở thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) bộc bạch trên báo TG&VN: “Từ nhỏ tôi đã được cùng với cha theo những chuyến tàu ra khơi đánh bắt nên tình yêu với nghề bén duyên từ khi nào không biết. Lớn lên, lập gia đình riêng cũng đi biển, quyết tâm bám biển, bởi đây là nghề truyền thống của gia đình. Người ta nói đi biển là nghề hạ bạc, nhưng với tôi, biển sẽ không bạc nếu chúng ta biết trân trọng và bảo vệ những gì mà biển đã ban tặng cho con người”.
Cúng biển Mỹ Long kết thúc trong sự lưu luyến của khách thập phương. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như những luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân miệt biển Trà Vinh trong mùa biển mới.

Truyền hình
Đáng chú ý
Quảng Nam thăm, khám và tặng 250 suất quà cho nhân dân Cụm bản giáp biên nhân dịp Tết Bun Pi May

Bài viết mới
Bác sĩ quân y lên đường đến Trường Sa làm nhiệm vụ

Hà Nội: Hơn 30 tỷ đồng đăng ký ủng hộ quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam" 2023

Chuyên đề

Giao lưu hữu nghị quốc tế năm 2023

50 năm hữu nghị Việt Nam - Malaysia

Quan hệ Việt Nam-Australia từ góc nhìn đối ngoại nhân dân