Cứ trung bình 12 phút người ta lại xem điện thoại một lần, đó là con số giật mình trong thời “facebook, zalo”
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà chiếc điện thoại thông minh mang lại: bạn có thể tìm kiếm tất cả mọi thứ chỉ qua vài bước tìm kiếm hay nói chuyện với một người bạn cách nửa vòng trái đất bất kì lúc nào bạn muốn, điều mà trước đây có mơ chúng ta cũng không tưởng tượng ra. Nhưng nếu không cẩn thận, bạn sẽ trở thành nô lệ của chính những thiết bị này.
Việc đầu tiên mỗi buổi sáng thức giấc của hầu hết mọi người là lướt facebook, instagram hay zalo và kiểm tra xem có tin nhắn hay bình luận gì mới không. Tôi cá là bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu nếu ra khỏi nhà mà quên mang theo di động. Có thể vì sợ bỏ lỡ mất một cuộc gọi quan trọng từ ai đó, hay một vài tin tức nóng trong ngày.
Nếu không cẩn thận bạn sẽ trở thành nô lệ cho thiết bị thông minh.
Nhưng có lẽ lý do chính là bởi hầu hết mọi người đang quá quen với việc luôn có chiếc smartphone là vật bất ly thân và họ đang bị nghiện chúng. Nhiều người thậm chí không thể chịu đựng được khi không có điện thoại bên mình.
Giáo sư Sarah Diefenbach, nhà tâm lý học thuộc Đại học Ludwig, Maximilians, Munich, Đức chuyên nghiên cứu về tâm lý và trải nghiệm người tiêu dùng đã thực hiện một nghiên cứu về những ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng điện thoại thông minh đến đời sống con người.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng: cứ trung bình 10 đến 12 phút người ta lại xem điện thoại một lần. Bà cho rằng mọi người thường xem nhẹ những ảnh hưởng xấu của smartphone đến đời sống thường nhật. Nếu dùng điện thoại quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng căng thẳng ví dụ như cảm thấy sợ hãi một điều gì đó - đây là triệu chứng điển hình của hành vi nghiện.
Thiết bị thông minh đang ngày càng chiếm nhiều không gian hơn trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người đặt internet lên trên cả cuộc sống thực tế của mình và dường như họ đang có quá ít thời gian để tận hưởng cuộc sống.
Một nhóm bạn bè gặp gỡ trong những quán cà phê sang chảnh, việc đầu tiên sẽ là chụp ảnh check in và đăng lên facebook sống ảo. Sau đó, mỗi người sẽ dán mắt vào màn hình điện thoại và liên tục kiểm tra thông báo, tin nhắn từ các ứng dụng mạng xã hội. Vậy thì thời gian đâu để chúng ta ngẩng mặt lên và đối thoại cùng nhau?
Nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực đó, không ít dịch vụ giúp mọi người tận hưởng được những ngày “không wifi” ra đời. Một số công ty du lịch nghĩ rằng họ sẽ giúp mọi người sống “thực” hơn bằng việc buộc khách hàng cài đặt một ứng dụng chặn kết nối internet.
Điều bất ngờ là hầu hết mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với dịch vụ đó. Điều này chứng tỏ một điều rằng: mọi người không phải không nhận ra được tác hại của việc nghiện smartphone, chỉ là họ chưa tìm ra được giải pháp hợp lý để “cai cơn nghiện” này mà thôi.
Thực đơn tại nhà hàng Antonio's Trattoria Calabria ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Trên thực đơn tại nhà hàng Antonio's Trattoria Calabria ở Kuala Lumpur, Malaysia bạn sẽ tìm thấy một vài dòng khá dễ thương. Antonio khuyến khích những gia đình đến dùng món tại nhà hàng hãy “trò chuyện, cười, ăn và tận hưởng” cùng nhau nhiều hơn thay vì dán mắt vào điện thoại.
Có thể một số nhà hàng hay quán cà phê không cung cấp wifi để tiết kiệm chi phí cũng không biết chừng, nhưng ít ra tất cả mọi người đã từng sử dụng dịch vụ ở những nơi này đều nhận ra: thì ra không có internet cũng không phải là một điều gì quá đáng sợ, thậm chí họ còn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Có lẽ tất cả chúng ta, ai cũng ít nhiều nhận ra được những ảnh hưởng tiêu cực của internet. Nhưng chúng ta không thể ngưng sử dụng nó, bởi vì lợi ích của nó mang lại là không thể phủ nhận: chúng ta vẫn phải làm việc, học tập và trao đổi thông tin nhờ nó.
Tuy vậy, nếu bạn đang là một trong những con nghiện thiết bị thông minh, bạn có thể hạn chế ảnh hưởng của nó bằng việc hãy thử vứt điện thoại ở nhà, ra ngoài và tận hưởng một ngày “no wifi” ngay bây giờ. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được những niềm hạnh phúc giản dị mà trước đây bạn không hề hay biết.
Hồng Anh Spiderum