Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay
Em Đặng Vũ Ngọc Mai - Lớp 10 Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tại Hội thảo khoa học:“Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – bài học và liên hệ bản thân”. |
Hiện nay, em Đặng Vũ Ngọc Mai là học sinh Lớp 10 Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong kỳ thi THPT năm 2020, Đặng Vũ Ngọc Mai đã xuất sắc được tuyển thẳng vào lớp chuyên Anh Trường Đoàn Thị Điểm; đỗ vào trường THPT Khoa học Giáo dục; đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung - Trường THPT Chuyên ngoại ngữ - ĐH Quốc gia HN; đỗ vào và chọn học tại lớp chuyên Lịch Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Suốt trong những năm theo học tại Trường Tiểu học và THCS Đoàn Thị Điểm, Ngọc Mai luôn đạt điểm tổng kết cao, đạt giải thành phố Hà Nội môn lịch sử. Ngoài học tập, Ngọc Mai còn được đánh giá là một cô gái tài năng trong các hoạt động ngoại khóa khác.
Trích yếu: Con đường tự học, tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại bài học lịch sử mà còn là sự truyền bá một tư tưởng lớn, một nhân cách vĩ đại. Có rất nhiều tài liệu chuyên khảo, bài phân tích đã đề cập đến chủ đề này, đặc biệt trong công tác giáo dục đào tạo cán bộ. Bài viết này chỉ muốn cung cấp thêm những góc nhìn về khái niệm, biểu hiện, vai trò và những bài học đúc rút của vấn đề tự học; của các tên tuổi điển hình cho việc hiếu học, tự học hỏi vươn lên mà tấm gương vĩ đại là Hồ Chủ tịch. Cuộc đời của Người gắn liền với vận mệnh lịch sử của thời đại và dân tộc, trong đó mỗi bước đường của Bác là một hành trình vượt khó, tự học hỏi, tự triết, tự luận, tự tìm tòi, từ những bài học trong cuộc sống cho đến cả những tư tưởng vĩ đại để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Soi chiếu vào đó, tác giả cũng muốn bàn bạc sâu hơn về ý thức tự học và cách học hiện nay của giới trẻ, về những mặt trái của việc ngại học, “học vẹt”, “học gạo”, học đối phó, học theo thành tích hoặc tự học không đúng cách. Hưởng ứng lời kêu gọi về “xã hội học tập”, “quốc gia học tập”, mỗi cá nhân mà ở đây tiêu biểu là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước cần có tinh thần, tư duy, phương pháp, công cụ học tập sao cho hiệu quả, học lý thuyết đi đôi với thực tiễn, thực hành đi đôi với trải nghiệm, phải vận dụng cả Nhẫn - Dũng - Trí vào trong học tập.
TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – bài học và liên hệ bản thân” |
Mở đầu
Chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA, có nghĩa là một thế giới nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức và khoa học kỹ thuật, vừa tạo ra cơ hội đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho các quốc gia dân tộc trong quá trình vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tụt hậu, chậm tiến, để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển công nghệ. Thực tế cho thấy, để làm được như trên, yêu cầu mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ phải ra sức nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu để thay đổi một cách tích cực và hoàn thiện mỗi ngày. Chính vì vậy, không ngừng học tập và học hỏi là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi người trẻ trên con đường phát triển bản thân để trở thành người có ích cho đất nước. Từ đó, nền giáo dục nước ta đã đề ra rất nhiều mô hình và phương pháp học tập hiệu quả, không ngừng đưa những kĩ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất vào giáo dục nhằm giúp giới trẻ hiện nay tiếp thu tối đa kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Nhưng theo tác giả, trong việc học tập, “tự học” là cách học tốt nhất giúp mỗi người trở nên tiến bộ hơn. Như nhà vật lý vĩ đại người Đức Albert Einstein từng nói: “Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hi vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi”. Và một tấm gương học tập suốt đời, phấn đấu hết mình cho tri thức và tiến bộ của dân tộc và nhân loại thông qua con đường tự học không ngừng nghỉ, đó chính là tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài ấy, tinh thần ấy, ý chí ấy, mãi tỏa sáng và còn nguyên ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho lớp trẻ hôm nay, cho sự nghiệp quốc kế dân sinh, cho công tác đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài của đất nước.
Tự học là gì?
Vậy khái niệm tự học là gì? Theo tác giả M.A. Rubakin: “Tự học là quá trình lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm xã hội lịch sử trong thực tiễn hoạt động cá nhân bằng cách thiết lập các mối quan hệ cải tiến kinh nghiệm ban đầu, đối chiếu với các mô hình phản ánh hoàn cảnh thực tại, biến tri thức của loài người thành vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo của bản thân chủ thể”. Theo tác giả N.D. Levitov: “Tự học là hoạt động tích cực của cá nhân với các thành phần tâm lý của sự lĩnh hội, đó là thái độ tích cực của người học, trong tự học các quá trình tư duy, các quá trình ghi nhớ,… các quá trình tâm lý có liên quan mật thiết với nhau để hoạt động tự học đạt kết quả”. Còn theo định nghĩa GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, “Tự học là tự động não, suy nghĩ, sử dụng năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích…), cơ bắp (khi sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của chính bản thân người học (tính trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, kiên trì, nhẫn nại, lòng say mê khoa học) và cả động cơ, tình cảm, cá nhân sinh quan, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực nào đó, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”. Hiểu đơn giản hơn thì tự học là sự tự làm việc thông qua chính bản thân mình khi tiếp nhận thông tin, kiến thức mà không thông qua sự giảng dạy, hướng dẫn chính thức của ai đó. Đó cũng là quá trình tự đọc, tự chủ động tìm hiểu, tự nghiên cứu, tự tư duy, tự suy luận trên cơ sở lấy cá nhân mình làm trung tâm tiếp nhận. Khi tự học, mỗi người có thể hoàn toàn tự do và làm chủ bản thân trong suốt quá trình học, có quyền chủ động về mặt thời gian, thời lượng học tập, chủ động điều tiết khối lượng kiến thức mình muốn dung nạp, tiếp thu.
Trên thực tế, đối với mỗi người dân Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hành trình đi tìm chân lý cao cả thông qua việc học tập mà chủ yếu là tự học để mở rộng nhận thức, nâng cao trình độ. Theo Người, “tự học” là “tự động học tập”. Bác giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”; còn “Tự động học tập có nghĩa là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác, tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân để rồi từ đó tiến hành việc tự học”.
Hình thức, biểu hiện của tự học
Bàn về biểu hiện, tự học cũng có nhiều hình thức: khi là tự đọc, tự nghiên cứu, khi là tự tìm hiểu, khám phá sau khi có sự gợi ý, chỉ bảo, khai mở ban đầu của người giảng dạy, người hướng dẫn, người đi trước, người giỏi hơn… Nhưng dù ở hình thái nào thì sự chủ động, tích cực tiếp nhận kiến thức của chủ thể học tập là yếu tố quyết định. Đó chính là tinh thần tự học. Tinh thần tự học là biểu hiện của trí tuệ và giúp cho việc bồi đắp, nâng cao trí lực, tâm lực. Tinh thần tự học còn là biểu hiện của sự cầu thị, cầu tiến, sự dũng cảm, linh hoạt để thay đổi và vươn lên. Có thể dễ dàng nhận thấy một trong những biểu hiện của việc tự học là việc tự đọc, tự tra cứu các tài liệu, sách vở, nguồn thông tin rồi ghi chép, lưu trữ, ghi nhớ, nghiền ngẫm, suy nghĩ…, từ đó biến thành kiến thức cần thiết, có ích cho mình. Ngoài ra, việc chủ động tiếp nhận sự đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên, giảng viên để sau đó, tự nâng cao, phát triển kiến thức rộng hơn, sâu hơn, đa chiều hơn để làm phong phú hiểu biết của bản thân cũng là một hình thức của tự học. Tự học cũng có thể khởi phát từ việc đọc những cuốn sách, tài liệu, xem các tin tức thời sự, báo chí hằng ngày để tiếp thu những thông tin, tri thức mới, tăng thêm vốn sống và kinh nghiệm thực tế. Tự học còn có thể xuất hiện khi chúng ta xem phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, thậm chí là qua sự giao lưu, trao đổi trên các diễn đàn, cộng đồng mạng, qua những dòng trạng thái, những bình luận để cập nhật về các xu hướng mới nhất, hiện đại nhất, tiên tiến nhất của thời đại. Không chỉ vậy, mỗi người có thể tự học thông qua việc quan sát xung quanh và môi trường sống, thông qua sự giao tiếp giữa người với người mỗi ngày. Bởi khi nói chuyện, thảo luận hay thậm chí là phản biện với ai đó về một vấn đề, khi đấy chúng ta cũng đang tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình, đồng thời tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm của người khác.
Vai trò, ý nghĩa của tinh thần tự học và ý thức học tập
Chính trị gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội và chuyên gia ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ Benjamin Franklin đã từng nói: “Học vấn do người siêng năng đạt được, tài sản do người tinh tế sở hữu, quyền lợi do người dũng cảm nắm giữ, thiên đường do người lương thiện xây dựng”. Vậy đấy, có thể thấy rằng tinh thần tự học có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng và là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người.
Trước hết, tự học giúp con người có được ý thức rèn luyện tốt nhất và nâng cao hiệu quả trong quá trình học. Khi tiếp cận, tra cứu, tìm tòi kiến thức, thông tin qua sách báo, truyền hình, mạng internet, qua những người kinh nghiệm hơn, người đi trước… sẽ giúp mỗi người hiểu sâu và nắm được bản chất vấn đề. Do đó, tự học sẽ rèn luyện cho con người ta sự năng nổ, chủ động, năng lực không ngừng học hỏi, tư duy sáng tạo và khả năng độc lập không phụ thuộc, ỷ lại vào người khác. Đồng thời, tự học không chỉ giúp các bạn trẻ ngày nay có thể ghi nhớ lâu hơn các bài giảng trên lớp và trau dồi một lượng lớn kiến thức lớn với thời gian tối ưu, mà còn đóng vai trò to lớn đối với những người trưởng thành trong việc tiếp thu và ghi nhớ các kiến thức công việc, cuộc sống, từ đó tăng thêm tri thức và kinh nghiệm cho bản thân. Từ lý thuyết trong sách vở, bài học, quá trình tự học giúp mỗi cá nhân đi đến nhanh hơn với thực tiễn qua việc luyện tập, thực hành để từ kiến thức chung biến thành kiến thức của bản thân; từ hành vi, thói quen được rèn luyện theo thời gian biến thành kỹ năng, sở trường, ưu thế. Bên cạnh đó, tinh thần tự học sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện, không ngừng học hỏi, tiếp thu nhằm nâng cao nhận thức để tích cực thay đổi, bắt kịp với những xu hướng mới của cuộc sống và thế giới xung quanh, tránh bẫy tụt hậu và kém cỏi so với sự phát triển của xã hội - cộng đồng. Không chỉ vậy, tự học sẽ tôi luyện cho mỗi cá nhân lòng quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ bởi chỉ khi quyết tâm, vượt qua những thu hút, lôi kéo, cám dỗ của cuộc sống thì mỗi người mới có thể hình thành nên được thói quen tự học và không ngừng học hỏi. Đặc biệt hơn là khi sự quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ đó được đền đáp lại bằng những vinh quang và thành quả xứng đáng thì đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tưởng thưởng vô giá trong cuộc đời.
Thứ hai, tự học chính là thể hiện vai trò cá nhân của mỗi người. Bác Hồ đã nói “còn sống còn phải học” để tiến bộ, nâng cao hiểu biết nhằm hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình. Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học”.
Thứ ba, tự học không chỉ giúp mỗi cá nhân hoàn thiện và phát triển bản thân mà nó còn giúp họ trở thành những người có ích cho quốc gia, dân tộc. Từ ngàn đời xưa, hiếu học luôn là một truyền thống tốt đẹp của con Lạc cháu Hồng. Dọc theo chiều dài lịch sử, truyền thống ấy vẫn luôn được tôn vinh và phát huy bởi sự hiếu học chính là động lực để dân tộc Việt Nam vươn lên, vượt khó và phát triển. Đất nước ta chỉ hưng thịnh, trường tồn khi mà thế hệ trẻ ngày nay, những mầm non tương lai không ngừng học tập, học hỏi, cống hiến hết mình cho sự phát triển ấy. Vị thế của Việt Nam có được hôm nay là nhờ công lao to lớn của cha ông ta, các bậc tiền bối, các vị anh hùng từ thuở dựng nước và giữ nước, và trọng trách tiếp nối đặt lên vai các thế hệ tương lai. Vì vậy, những người trẻ tuổi ngày nay, những người đang nắm trong tay vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc, phải tự ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm to lớn của mình, phải không ngừng học hỏi, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội.
Những tấm gương tự học
Lịch sử thế giới đã chứng kiến biết bao tấm gương tự học mang lại những thành quả hết sức to lớn và vĩ đại đối với không chỉ nhân loại và còn với cả tiến trình phát triển của thiên nhiên, vũ trụ này. Tiêu biểu đó chính là nhà hóa học và vật lý học người Anh Michael Faraday, người đã đóng góp to lớn cho lĩnh vực điện từ học và điện hóa học, người được mệnh danh là thiên tài tự học. Hay William Herschel, người nhạc công với niềm say mê cho thiên văn học đã phát hiện ra hành tinh và vệ tinh mới trong hệ mặt trời là Thiên Vương Tinh, Titania và Oberon, đồng thời phát hiện Sao Thổ có hệ thống vệ tinh là bức xạ hồng ngoại. Các danh nhân nổi tiếng với tinh thần tự học, học hỏi liên tục và để lại những di sản lớn cho nhân loại còn có thể kể đến như Gregor Mendel - cha đẻ của di truyền học hiện đại, Abraham Lincoln - Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Frederick Douglass - nhà cải cách xã hội, đại văn hào người Mỹ gốc Phi và cả hai anh em nhà Wright - những người khai phá và thử nghiệm thành công phát minh máy bay bay được... Trong kinh doanh và công nghệ, việc học hỏi nghiêm túc và không ngừng sáng tạo đã làm nên tên tuổi của Henry Ford - nhà sáng lập công ty Ford Motor, người không chỉ nổi tiếng trong ngành công nghiệp sản xuất của Âu Mỹ mà còn là nhân vật có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội trong thế kỷ trước, hay Steven Paul Jobs - tên tuổi lớn gắn liền với thương hiệu Apple, một trong những người mang đến các phát minh đột phá cho công nghệ điện thoại, vi tính. Ở đất nước quê hương mình, những trang vàng của lịch sử dân tộc cũng khắc tên nhiều tấm gương hiếu học, tự học, mang công danh làm rạng rỡ nước nhà như Nguyễn Khuyến (một vị quan thanh liêm nhà Nguyễn, chính trực, nổi tiếng về tài học và được mệnh danh là Tam nguyên Yên Đổ); Nguyễn Quan Quang (danh thần nhà Trần, đỗ Tam nguyên và đi sứ đối đáp sắc sảo với triều đình Mông Cổ); Nguyễn Hiền (vị trạng nguyên đời Trần trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi mới 13 tuổi); Mạc Đĩnh Chi (vị quan đại thần và nhà ngoại giao nổi tiếng của nhà Trần); Lương Thế Vinh (chính trị gia, nhà toán học, nhà nghiên cứu Phật pháp dưới triều Lê sơ); Nguyễn Thị Duệ (nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam). Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một tấm gương tự học mẫu mực. Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, ông vốn không được đào tạo bài bản về quân sự nhưng lại trở thành vị tướng quân đội lẫy lừng của Việt Nam nhờ sự tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự lĩnh hội và tích lũy về khoa học quân sự, nghệ thuật chiến đấu và bí quyết cầm quân. Nhưng đặc biệt hơn cả, tiêu biểu hơn cả với tư tưởng lớn lao vĩ đại hơn cả, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người anh hùng kiệt xuất của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.
Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuộc đời của Bác là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, để vươn lên, để không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc. Có thể nói, “tự học” chính là một loại năng lực đặc biệt và thể hiện rất rõ ở những bậc vĩ nhân, những danh nhân lẫy lừng, trong đó có Bác Hồ vĩ đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên hoạt động là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở làng Hoàng Trù, còn quê nội ở làng Kim Liên (hay còn gọi là làng Sen), thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho. Khi sinh ra, Bác được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung (hay Côn), sau này lớn lên đi học thì đổi là Nguyễn Tất Thành. Hành trình học hỏi của Người bắt đầu ngay từ thuở ấu thơ, khi được nuôi dạy trong sự yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại và cha mẹ, được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ Nghệ vốn cần cù chịu khó, hiếu học, tình nghĩa và kiên trung. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham hiểu biết, thích mày mò tìm hiểu, thích nghe chuyện và hay hỏi người lớn những điều thắc mắc, thích khám phá sự vật hiện tượng mới lạ. Rồi mẹ mất sớm, cha lo việc quan trường, dạy học, có lúc còn phải đi xa nên có thể nói sự trưởng thành của Người phần nhiều là do tự lập.
Lớn thêm chút nữa, Nguyễn Tất Thành được gửi đi học chữ Hán với các bậc trí thức yêu nước như thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và sau là thầy Trần Thân. Từ đây, đức tính ham học hỏi của Nguyễn Tất Thành ngày càng phát triển. Dần dần, qua những buổi đàm đạo của các nhân sĩ, cậu thanh niên đã sớm nhận thức được thời cuộc và nỗi thống khổ của người dân nô lệ. Có thể nói, những tri thức Người học hỏi được trong thời niên thiếu phần nhiều là do tự học, tự tích lũy mà nên.
Những năm 1903 - 1904, Nguyễn Tất Thành theo cha đi khắp nơi làm quan, dạy học, gặp gỡ các sĩ phu, từ vùng Thanh Chương - Nghệ An, vùng Đức Thọ - Hà Tĩnh, đến cả vùng Kiến Xương - Thái Bình và tiếp tục học chữ Hán. Ngoài thời gian học tập, cậu thanh niên còn được cha dẫn đi thăm các di tích, miếu thờ…, được nghe cha chuyện trò, bàn luận với các bậc trí thức khác. Khoảng tháng 9 năm 1905, Nguyễn Tất Thành theo học lớp dự bị (préparatoire) của trường tiểu học Pháp - thành phố Vinh, là nơi mà Người đã lần đầu tiên tiếp cận với nền văn minh nước Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng là Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Những chuyến đi này không chỉ giúp cậu thanh niên xứ Nghệ nâng cao tinh thần hiếu học, tự học mà còn mở rộng thêm tầm nhìn, nâng cao tầm suy nghĩ. Càng đi nhiều, hiểu rộng, Người nhận thấy dân mình thật cùng khổ, và nỗi thống khổ đó đã thôi thúc thành ngọn lửa đấu tranh chống lại đô hộ áp bức ở mỗi người dân, trong đó có người thanh niên ôm hoài bão lớn là đánh đuổi quân xâm lược để giải phóng quê hương đất nước, đồng bào.
Năm 1908, Nguyễn Tất Thành thi đậu và vào học trường Quốc học Huế. Đây là khoảng thời gian mà cậu thanh niên được ảnh hưởng nhiều bởi các tư tưởng văn minh tiên tiến và tinh thần yêu nước từ các thầy giáo Việt Nam như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến và cả thầy giáo Pháp; từ các ấn phẩm, sách báo tiến bộ. Từ đó ý định vượt qua khỏi không gian trường lớp, tự đi tìm hiểu nhân tình thế thái và học hỏi các thành tựu của các nước phát triển trên thế giới đã được hình thành và thôi thúc trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
Cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành tiếp tục học chương trình lớp cao đẳng tại Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, Người không theo cha trở về Huế mà quyết định tự mình xuôi xuống phía Nam và dừng chân ở Phan Thiết làm trợ giáo ở Trường Dục Thanh, ngôi trường do các con trai cụ Nguyễn Thông, một bậc chí sĩ yêu nước thành lập năm 1907. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành tranh thủ tự đọc thêm rất nhiều kiến thức bổ ích từ những cuốn sách trong tủ sách của trường. Dòng lịch sử đã cho thấy rằng, ngay từ khi còn trai trẻ, Bác đã nuôi dưỡng ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Các tư tưởng cấp tiến của các nhà tiến bộ khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu) càng thôi thúc cậu thanh niên ưu tú ra đi tìm con đường chân lý để giải phóng dân tộc. Từ đây, Người luôn không ngừng học hỏi, không ngừng quan sát, không ngừng tự trau dồi thêm kiến thức, vốn sống của bản thân để thực hiện ước mơ và lý tưởng cao cả vì Tổ quốc trong trái tim mình.
Lịch sử ghi nhận Nguyễn Tất Thành sinh ra trong thời kỳ nước ta bị đô hộ bởi chính quyền thực dân Pháp với các hình thức thống trị khác nhau ở Bắc - Trung - Nam Kỳ. Mang trong mình dòng máu quê hương bất khuất anh hùng, Nguyễn Tất Thành đã sớm có chí “đánh đuổi dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Qua thời gian, nhìn lại các phong trào yêu nước, khởi nghĩa, cải cách diễn ra sôi nổi rồi thất bại, mặc dù rất ngưỡng mộ các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh…, Người hiểu rằng đó không phải là con đường đúng đắn để mang lại độc lập cho nước nhà. Sự khủng hoảng về đường lối đấu tranh đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tìm con đường cứu nước mới, là tiền đề cho Nguyễn Tất Thành ra đi vượt trùng khơi ở tuổi 21, là biểu hiện của sự quyết tâm và tinh thần tự học, học để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi bóng đêm nô lệ, cực khổ, lầm than. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn Người bắt đầu cuộc hành trình dài 30 năm để tìm đường giải phóng đất nước, cởi ách nô lệ cho nhân dân, và đó là cuộc hành trình thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc.
Với trí tuệ hơn người và khả năng cảm nhận sáng suốt qua quá trình tự suy ngẫm và đúc rút, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định đặt chân lên đất Pháp, đất nước đang phát triển vào bậc nhất châu Âu về mọi mặt, nơi được mệnh danh là vùng đất của “tự do, bình đẳng, bác ái”. Năm 1923, trong cuộc trao đổi với một nhà báo Liên Xô, Người kể: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu sau những chữ ấy”. Lần khác, Bác chia sẻ với một văn sĩ người Mỹ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Bác đã tự đúc rút cho mình một phương hướng tư duy và hành động rất cụ thể, đó là muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, hiểu xem đất nước họ thế nào, nhân dân họ đang sống ra sao, có thực sự được hưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” hay không. Sau này cũng vậy, Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua cả Anh, Mỹ, những nước được coi là tượng đài của sự phồn vinh để học hỏi tìm ra con đường cách mạng chân chính cho dân tộc. Khi ra đi, không có bậc tiền bối nào hướng dẫn, giúp đỡ, không có bậc cao nhân nào kêu gọi, chỉ dạy, Bác chỉ đem theo lòng yêu nước thương dân, ý chí tự lực tự cường và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ để quyết tâm giải phóng đất nước khỏi đêm trường nô lệ.
Nói về con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khả năng và quyết tâm học ngoại ngữ của Bác đã trở thành một giai thoại lịch sử và bài học quý báu. Người học ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào có thể. Cách học tiếng nước ngoài của Bác rất sáng tạo và kiên trì. Để thuộc từ mới, Người có thể viết vào mảnh giấy dán lên chỗ dễ thấy, viết lên cánh tay, nhẩm lại khi đi đường, thậm chí viết cả xuống chăn trước khi đi ngủ. Học từ rồi đến ghép câu, học bài rồi đến luyện tập, cứ như thế Bác đã nhanh chóng thành thạo để rồi có thể viết báo, biên sách bằng tiếng nước ngoài. Trải qua thời gian tự học không ngừng, Bác đã đọc thông viết thạo được rất nhiều thứ tiếng. Cho đến nay chưa ai có thể chỉ ra chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh biết bao nhiêu ngoại ngữ nhưng theo như hoạ sỹ Êrich Giôhamxơn (Thuỵ Điển) thì Bác biết tới 28 thứ tiếng.
Quá trình học tập của Bác luôn song hành cùng chặng đường mưu sinh vất vả để sống và hoạt động ở đất khách quê người. Làm nghề gì Người cũng không nề hà, khi thì cào tuyết, đốt lò, đổ than trong trường học, lúc làm phụ bếp ở khách sạn…, ở thì nơi phòng trọ rẻ tiền, ăn uống thì giản tiện chỉ với bát cơm, miếng bánh, sưởi ấm bằng viên gạch để từ sáng trong lò bếp... Những câu chuyện về quãng thời gian khó nhọc, vất vả để sinh sống, làm việc ở nước ngoài của Bác đã đi vào lịch sử, giai thoại mà gần như người dân Việt nào cũng ghi nhớ. Chỉ với vài quyển sách và cây bút chì, Người học ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn ra cả vườn hoa Hay-đơ (Hyde Park) ở Luân Đôn ngồi học vì “ở đấy lạnh không buồn ngủ”, có thể tập trung học. Cách tự học của Bác rất phong phú, đa dạng, đi làm nửa ngày, còn nửa ngày thì dành thời gian lên thư viện, dự các buổi tọa đàm, mít tinh về chính trị, thuộc địa, giai cấp... Bác còn chịu khó làm quen, học hỏi từ những chính trị gia, những văn sĩ để nâng cao kiến thức chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, cũng như tăng cường vốn từ ngữ nước ngoài của mình.
Ở Pháp, Nguyễn Tất Thành cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ trong quá trình tự học tập của mình. Nhờ nghị sĩ Quốc hội Pháp P.V.Couturier, Bác có thẻ đọc ở thư viện để tiếp cận nghiên cứu nhiều sách vở, tài liệu giá trị cho việc đấu tranh chính trị. Trong gần chục năm ở Pháp, Bác đã tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình. Sau một thời gian tự học miệt mài, với trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, Nguyễn Tất Thành dần dần tập viết báo, từ đoạn báo ngắn đến bài báo dài và sau một thời gian ngắn đã trở thành nhà báo có tiếng tăm ở Paris, là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Ngoài ra, Người còn đăng bài trên nhiều tờ báo khác như Thư tín Quốc tế, Đời sống công nhân... Các đề tài được viết ra chủ yếu xoay quanh nội dung đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, lên tiếng đòi quyền lợi, quyền tự do, bình đẳng cho giai cấp cần lao. Đỉnh cao là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột từ nhà cầm quyền Pháp đã thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao của quá trình tự học của Bác.
Để làm phong phú hơn nhãn quan chính trị của mình, Nguyễn Tất Thành không chỉ dừng chân ở Pháp mà còn đi khắp Châu Âu, đến Ý, Đức, Thụy Sĩ… và cả tòa thánh Vatican để học hỏi, mở mang tầm mắt và bổ trợ cho những kiến thức đọc trong sách vở. Đặc biệt, Người đã đặt chân đến Liên Xô, đất nước rộng lớn của cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại. Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Tất Thành đã tự học tiếng Nga, tham gia viết báo, làm việc ở Bộ Phương Đông. Bằng khả năng học hỏi không ngừng, chỉ trong một khoảng thời gian, Người đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa. Có thể thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại cho tinh thần cầu tiến, không ngừng tự học hỏi, tìm tòi, luôn kiên trì, bền bỉ vì lý tưởng của mình. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn không ngừng học, không ngừng lĩnh hội, tiếp thu tri thức mới, những tinh hoa của thế giới ở mỗi nơi đặt chân đến, để rồi từ đó đúc kết ra con đường cứu nước đúng đắn nhất cho dân tộc. Dù gặp bao nhiêu khó khăn gian khổ, Bác vẫn không bao giờ chùn bước bởi ngọn lửa của tinh thần yêu nước, tình yêu thương đồng bào sâu sắc vẫn luôn rực sáng trong trái tim Bác, sưởi ấm Bác trên hành trình gian nan, vất vả.
Hành trình 10 năm (1911 - 1920) từ Việt Nam đi sang các nước Phương Tây tư bản phát triển, thậm chí là qua cả các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La tinh đã minh chứng cho một trí tuệ xuất sắc và tầm nhìn vượt trội của Bác để tìm ra con đường cứu nước “vô tiền khoáng hậu”. Đi đến đâu, Người cũng tranh thủ tự học, tự nghiên cứu về tình hình diễn biến chung của đất nước họ. Người tìm hiểu, so sánh, đánh giá các nền văn hóa, văn minh phương Tây song hành với chủ nghĩa thực dân bóc lột, đồng thời đi sâu quan sát, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp lao động. Trong quá trình tham gia các hoạt động đấu tranh, yêu nước ở hải ngoại, Người hiểu đến tận cùng bản chất của chế độ thực dân, chủ nghĩa đế quốc và rút ra những kết luận sâu sắc: “Ở đâu, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác vô nhân đạo, ở đâu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị bóc lột dã man. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn”. Người còn nhấn mạnh: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Nhận định này đã thể hiện quan điểm sắc bén về bạn hữu và kẻ thù, hình thành nên luận cứ kết hợp chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng quốc tế vô sản cũng như tinh thần đoàn kết trong phong trào cách mạng ở chính quốc và thuộc địa.
Đi nhiều nơi, thấy nhiều việc, gặp nhiều người, quá trình tự học, tự trải nghiệm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau đổi là Nguyễn Ái Quốc) năm nào cũng vì thế mà dày nên. Tiếp cận và khâm phục những quan điểm tiên tiến trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” của cách mạng Mỹ (1776) bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền” của cách mạng tư sản Pháp (1789), nhưng Người không đi theo các bài học lịch sử đó. Người muốn tự tìm ra con đường cứu nước có tính toàn diện, triệt để để giải phóng các tầng lớp nhân dân khỏi bất công, áp bức, bóc lột bằng chính bàn tay lao động, khối óc mẫn tiệp, tinh thần chủ động học hỏi, tư duy cầu tiến, sáng tạo của mình. Không thể trông chờ vào viện Nhật, thân Pháp, cầu Mỹ hay nhờ Nga, quá trình tự học, tự trưởng thành và những năm tháng bôn ba xứ người đã giúp Bác tự rút ra một tư tưởng cách mạng vô cùng đúng đắn và giá trị. Đó là: muốn giải phóng đất nước, cứu giúp đồng bào thì phải trông cậy vào chính mình, vào sức mạnh của dân tộc, vào nguồn lực bên trong chứ không thể cầu ngoại bang, không thể chỉ trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài… Tư tưởng đó càng minh chứng cho sự thông tuệ, nhạy cảm, sắc bén có tầm vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi còn trẻ.
Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nơi Bác Hồ đã làm việc và học tập từ năm 1936 đến tháng 9/1938 |
Trong khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc đang hoành hành và thống trị thế giới thì ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học Mác - Lênin đã tiếp thêm sức mạnh và trở thành kim chỉ nam cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhà hoạt động xã hội ưu tú Nguyễn Ái Quốc đã đọc Bản Luận cương của V.I. Lênin và tìm thấy chân lý sáng ngời rực rỡ cho cách mạng Việt Nam. Nguyên Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”. Quá trình tự học tập, tự rèn luyện, tự hoạt động đấu tranh bền bỉ của Người vì phong trào tiến bộ ở Pháp cùng với các trí thức, nhân sĩ, đồng bào đến từ chính quốc, thuộc địa và cả Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh từ tư tưởng cộng sản cấp tiến trong Luận cương của V.I. Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII được tổ chức vào tháng 12 năm 1920 ở thành phố Tua (Tours). Đây chính là một sự kiện chính trị có tính bước ngoặt lịch sử đối với Bác và cả dân tộc, là dấu mốc quan trọng trong việc chuyển từ một người yêu nước có lý tưởng thành một người cộng sản chân chính, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình tự học và tự đi tìm đường cứu nước của Bác.
Từ năm 1921 đến đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã dành toàn bộ tâm huyết, công sức của mình để nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đồng thời tìm hiểu những học thuyết khác, kết hợp với xu thế, trào lưu, sự vận động và yêu cầu của lịch sử để xây dựng một con đường giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, phù hợp với tình hình và bối cảnh Việt Nam. Con đường cứu nước đi theo chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Ái Quốc chính là minh chứng rõ nét cho quá trình tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm và tự đúc kết của Bác. Bác đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của Việt Nam để cứu nước, cứu dân chứ không dập khuôn máy móc, đó chính là đỉnh cao của sự tự học, tự phát triển và áp dụng linh hoạt những tri thức lĩnh hội. Cũng trong thời gian này, Bác đã tích cực truyền bá về Việt Nam những lý luận về công cuộc giải phóng dân tộc được xây dựng dựa trên con đường cách mạng vô sản của nước Nga. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện tại Quảng Châu được tập hợp, in trong cuốn “ Đường kách mệnh” và bí mật gửi về nước rồi thông qua phong trào “Vô sản hóa” để truyền bá tư tưởng Mác - Lênin tới những người dân Việt Nam, đặc biệt là giai cấp công - nông và trí thức. Kể từ đó, học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa cộng sản đã đi vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và trở thành phương hướng hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Bác đã kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là một lý luận rất ưu việt, rất tinh hoa, được hun đúc qua quá trình lao động và học tập nghiêm túc, bền bỉ, tạo nên một chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất khác biệt với những bậc yêu nước tiền bối, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, là tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản và đặc biệt hơn cả là việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.
Đầu năm 1941, sau 30 năm gian khổ ở nước ngoài - 30 năm không ngừng tự học và tự tìm đường cứu nước, Bác đã về Việt Nam và làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” trên cả nước, gây ảnh hưởng to lớn đến không chỉ các nước Đông Nam Á, các dân tộc, thuộc địa bị áp bức, bóc lột mà nó còn đánh dấu sự bùng nổ của con đường cứu nước theo Quốc tế thứ Ba, cách mạng xã hội chủ nghĩa từ đây được nối liền từ Âu sang Á. Thắng lợi vang dội của cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 chính là minh chứng của việc học tập nghiêm túc và vận dụng linh hoạt các học thuyết khoa học tiến bộ mà tiêu biểu là chủ nghĩa Mác - Lênin, của việc đúc rút kinh nghiệm từ lịch sử và của thực tế hoạt động đấu tranh của Bác, của Đảng ta trở thành hành động cách mạng triệt để. Đây chính là thắng lợi của công cuộc vận động, giác ngộ và tập hợp quần chúng nhân dân, của chiến thuật phân hóa kẻ thù, của sách lược tận dụng thời cơ lịch sử để giành chính quyền. Tiếp đến trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Đảng, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng dân tộc gắn liền với đấu tranh giai cấp, đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dựa vào nội lực là chính, nhưng cũng khôn khéo đánh thức lương tri, phẩm giá nhân loại, đưa những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ xích lại gần và cùng đứng về chiến hào chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Bến Nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước |
Trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác phải trải qua nhiều gian truân, chông gai mà một người bình thường khó có thể vượt qua. Thời gian bị bắt giam tại nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch cũng là một thời gian khốn cùng và đầy thử thách với Bác. Nhưng đây cũng chính là giai đoạn Bác tự ngẫm, tự học, tự đúc rút ra các triết lý nhân sinh quý giá, cùng với tinh thần lạc quan để vượt lên khó khăn và tăng cường sức mạnh tinh thần cho bản thân và cho đồng chí, đồng bào qua tập thơ bằng chữ Hán “Ngục trung nhật ký”. Một nhà văn học Xô viết nhận xét rằng học chữ Hán đã khó, làm được thơ thì quả thực rất hiếm có, nhiều nhà thơ châu Á khác sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ viết được một số tác phẩm có tính khuôn mẫu. Nhưng thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một thi phẩm độc đáo, với nội dung, ý tứ sâu sắc, với ngôn từ, nhịp điệu có tính nghệ thuật cao. Việc làm thơ trong những ngày tháng lưu đày, tù ngục nơi đất khách quê người và cả tinh thần cách mạng luôn kiên trung ngời sáng để tiếp tục dẫn dắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở trong nước cũng chính là kết quả của quá trình tự học nghiêm túc, sự gian lao khổ luyện và trau dồi bản thân một cách có kế hoạch, khoa học, và bền bỉ kiên trì đến cùng.
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
(Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)
Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; Học để phụng sự đoàn thể”. “Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức”. Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu, nguồn sống mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, trải qua bao năm tháng, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là. Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn không ngừng đọc, học, không ngừng tiếp thu cái hay, cái mới, cái có ích cho bản thân và đất nước. Dù đã ở ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, nơi Bác làm việc và nơi ở đều luôn nhiều sách báo, tài liệu. Mọi người lo lắng cho sức khỏe của Bác nhưng Bác đã khẳng định là dù tuổi cao, dù sức khỏe không còn được như trước thì cũng phải đọc, phải học, phải nâng cao hiểu biết, phải nắm vững tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm vóc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, tri thức, của hiểu biết. Biết người, hiểu người - biết ta, hiểu ta, thì mới có thể đánh thắng được kẻ thù, mới giữ vị thế chủ động trên bàn đàm phán, mới có sức mạnh tuyệt đối để đi đến ngày thống nhất nước nhà. Có thể nói, Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời, và đó chính là di sản quý báu Người để lại cho muôn thế hệ con dân nước Việt về sau.
Sự cần thiết của phương pháp và thái độ tự học đúng đắn
Tự học là cần thiết, nhưng tự học ra sao lại vô cùng quan trọng, tức là cần phải có phương pháp tự học tốt nhất để mang lại hiệu quả cao, tránh những kết quả tiêu cực không đáng có khi tự học không đúng cách. Tự học không đúng phương pháp là khi học không có mục tiêu và kế hoạch cụ thể, tự học nhưng không chú tâm, vừa học vừa bị phân tán. Có nhiều bạn trẻ hiện nay sử dụng phương pháp tự học thông qua hình ảnh hay các ứng dụng trên điện thoại nhưng không biết cách học làm sao cho hiệu quả và tối đa nhất, ngược lại càng học càng bị xao nhãng, mất tập trung. Không chỉ vậy, các bạn trẻ tự học nhưng không biết chắt lọc kiến thức khi học, không tìm được trọng tâm và nội dung chính của bài học, không biết chú trọng vào những điều cốt lõi, căn bản, then chốt để đúc rút và áp dụng. Bác từng nói rằng, “trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học”.
Như vậy, tinh thần tự học là rất quan trọng nhưng tự học đúng cách càng quan trọng hơn bởi khi tự học không đúng phương pháp, lượng kiến thức tiếp thu được sẽ vô cùng ít ỏi, không nhớ được lâu, thậm chí học xong là quên ngay. Bên cạnh đó, việc tự học thiếu phương pháp, thiếu bài bản sẽ gây lãng phí rất nhiều công sức, thời gian mà không đem lại hiệu quả. Và đặc biệt khi tự học, học tập không đúng cách, thành quả nhận lại sẽ không xứng đáng với nguồn lực bỏ ra, dẫn đến tình trạng chán nản, không còn muốn tự học, cảm thấy thói quen tự học được hình thành bao lâu nay như “đổ xuống sông xuống biển”, không có chút tác dụng nào rồi dần dần sẽ bỏ đi thói quen tốt đáng trân trọng này.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý thái độ khiêm tốn trong học tập là rất quan trọng. Càng học cao, hiểu rộng, biết nhiều thì càng cần sự khiêm nhường, đúng mực. Thực tế cho thấy do có một lượng kiến thức nhất định mà con người ta, nhất là giới trẻ hiện nay hay có tư tưởng chủ quan, tự tin quá mức dẫn đến tự cao tự đại, cho là mình biết nhiều, biết hết, biết tất, cho là mình đã rất giỏi rồi. Ngoài ra, lớp trẻ cũng cần tránh việc sĩ diện, vì “cái tôi” mà cố tình giấu dốt, không biết vẫn nói là biết để khoe khoang, lấp liếm. Bác dạy: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Bác nhấn mạnh: “Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi vì sao, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.
Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay |
Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ ngày nay
Từ tấm gương Hồ Chí Minh, suy rộng và bàn sâu hơn, có thể thấy rằng tinh thần tự học quan trọng là thế, nó đã góp phần hun đúc nên một lãnh tụ vĩ đại cho đất nước, mang lại độc lập tự do cho tổ quốc và giải phóng cho dân tộc, đồng bào. Nhìn vào thực tế hiện nay, bên cạnh những thành tích, thành quả và sự vươn lên mạnh mẽ của thế hệ trẻ thì cách thức học tập, tự học của một số bạn còn chưa mang lại hiệu quả cao. Ngoài những phân tích phía trên, cần lưu ý thêm một số bất cập trong quá trình học tập của các bạn trẻ ngày nay như sau:
Thứ nhất, nhiều bạn học sinh, sinh viên ngày nay vẫn đang thụ động tiếp nhận các bài giảng trên lớp của thầy cô mà không suy nghĩ, đào sâu, không sáng tạo, không vận dụng tư duy bản thân để phát triển thêm bài học. Thậm chí, trên lớp, các bạn học không thực sự tập trung mà chỉ cốt cho xong tiết học, rồi sau lại đua nhau đi học thêm để bổ sung kiến thức. Từ đó, các bạn ỷ lại chủ yếu vào việc học thêm để lấy điểm cao, thi đỗ trường này lớp nọ mà chưa biết trân trọng hay tận dụng thời gian trên lớp. Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay là nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên rất dễ dàng tiếp cận với nguồn dữ liệu phong phú, chỉ cần một “click” hoặc đến nhà sách, thư viện bất kỳ là có thể có được ngay các tài liệu tham khảo, sách hướng dẫn, mẫu văn bản, lời giải… Điều này dẫn đến việc giới trẻ sẽ ỷ lại vào nguồn tra cứu cơ học, thậm chí là “copy” nguyên văn chứ không đưa tư duy, vốn hiểu biết và sự phân tích cá nhân của mình vào khi làm bài, trả bài. Như vậy là thành “học vẹt”, học chiếu lệ, nói ra chữ, viết ra bài mà thực sự không nắm được bản chất, nội dung của kiến thức. Hậu quả là những gì học được vào nhanh mà ra cũng nhanh, không nhớ lâu, không bền, có thể kết quả cao nhưng độ hiểu biết lại không sâu, không phải là đích thực.
Thứ hai, nhiều học sinh, sinh viên ngày nay tập trung cao độ cho việc học hành trên lớp chính thức và lớp học thêm, tập trung vào nghiên cứu sách vở, tài liệu, học lấy được, học đêm học ngày cốt để học giỏi, để đứng “top” đầu của lớp, để được vào đội tuyển, để thi đỗ các trường điểm…, một hình ảnh mà nói theo kiểu dân dã hài hước là “mọt sách”, “đầu to mắt cận”, “ngộ chữ”. Cũng có thêm những hiện tượng học thiếu tích cực như học gạo, học tủ, học đối phó để lấy thành tích, lấy điểm vào trường giỏi hay lấy học bổng đi du học. Học sinh, sinh viên bảo nhau học kiểu chiến thuật thời điểm, học cốt cho xong, thậm chí đua nhau xin điểm, chạy điểm… nên kiến thức nền tảng yếu, vốn hiểu biết giới hạn, kỹ năng mềm hạn chế, khó có thể trở thành những người làm việc tốt, đóng góp hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong tương lai, cho dù có được đào tạo ở trường tốt lớp giỏi đến đâu.
Thứ ba, trong quá trình học tập và tự học, học sinh, sinh viên vẫn tồn tại tâm lý học lệch, như quá thiên về các môn như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ… mà bỏ qua các môn khác. Mặt khác, các bạn có thể thành thạo, nắm chắc các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành nhưng không có nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội. Các bạn thuộc nhiều kiến thức sách vở, nhiều chữ nghĩa, có thể được đánh giá cao về học vấn… nhưng lại thiếu nhiều hiểu biết cuộc sống, ít dành thời gian cho việc đi ra bên ngoài để khám phá xung quanh, luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động xã hội - cộng đồng.
Thứ tư, xã hội ta với sự sắp xếp thứ bậc ưu tiên “sĩ, nông, công, thương” từ xa xưa đã hình thành một ý thức, hệ tư tưởng là trọng chữ nghĩa, học vị. Hệ quả của điều này là giới trẻ hiện nay vẫn đang chăm chỉ tích lũy cho mình bằng cấp này, chứng chỉ nọ, thậm chí ôm lý thuyết suông nhưng chưa chú trọng trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, chưa chủ động tiếp cận với thực tế để làm phong phú vốn hiểu biết của mình mà sách vở không thể cung cấp hết được, chưa chú trọng thực tập, thực hành các kỹ năng cần thiết. Chính vì thế, nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp loại ưu nhưng lại không phải là người lao động giỏi trong tổ chức, cơ quan. Nhiều bạn trẻ dù học ở trường chuyên, lớp chọn nhưng khi ra đời đi làm lại yếu và thiếu nhiều kỹ năng làm việc, năng lực giao tiếp và khả năng ứng xử. Bác đã dạy: “…vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào công việc, học phải đi đôi với hành. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để trang trí, cho oai mà thôi”.
Thứ năm, cuộc sống hiện đại, nhu cầu vươn lên trở thành người thành công, có vị thế trong xã hội và kỳ vọng thái quá của cha mẹ, người thân đã khiến nhiều bạn trẻ phải sớm đối mặt với áp lực học hành, phấn đấu ngay từ khi còn nhỏ. Các bạn trẻ từ đó cũng gây áp lực quá mức cho mình, đưa ra các mục tiêu học tập quá sức khiến bản thân bị căng thẳng, stress, thậm chí là chán nản, trầm cảm, rối loạn tâm lý khi gặp thất bại, khi kết quả học tập không được như kỳ vọng, khi xếp thứ hạng không cao trong tổ chức, hay khi bị phê bình, chê trách hoặc đánh giá thua kém hơn người khác…
Thứ sáu, thế giới ngày càng phát triển kéo theo khoa học kĩ thuật, công nghệ cũng ngày một tiên tiến. Các thiết bị điện tử, các trò chơi công nghệ, các thú vui hiện đại và hàm lượng phương thức giải trí khổng lồ mà mạng internet đem lại khiến rất nhiều học sinh, sinh viên không còn tập trung vào việc học mà đắm chìm trong nhiều niềm đam mê, sở thích mới lạ. Họ chỉ học để đối phó với cha mẹ, thầy cô, rồi dần trở nên lười học, chán nản với việc học, chứ chưa nói đến việc tự học tập và học hỏi, thậm chí chỉ chăm tiếp thu thêm những điều dở, mặt trái của mạng xã hội và nguồn thông tin tràn lan trên intetnet mà thôi.
Thứ bảy, sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến việc mở rộng không gian mạng, thế giới ảo. Thế hệ trẻ đang có một xu hướng thích lên mạng học hành, thích giao tiếp với máy móc hơn giao tiếp thực tế, thích sử dụng các thiết bị viễn thông hơn chuyện trò giao lưu trực tiếp. Tin nhắn thay thế cho lời nói, “e-mail” thay thế cho thư tay, “e-card” thay thế cho tấm thiệp tự viết vài câu, group “online” thay cho nhóm họp hành đối thoại “offline”…, có nhiều tiện lợi nhưng cũng giảm bớt sự tương tác thực sự giữa người với người. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn không biết tự học, tự trang bị cho mình những kỹ năng xã giao tối thiểu, không biết chào hỏi, xưng hô, nói năng chuẩn mực. Điều này dẫn đến việc khi đi ra môi trường thực tế thì lơ ngơ không biết giao tiếp, thậm chí hình thành nên lối sống vị kỉ và sự thờ ơ, thậm chí là vô cảm với xung quanh.
Thứ tám, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước và gia đình, nhiều bạn trẻ hiện nay đang có điều kiện du học, tu nghiệp ở các nước phát triển. Đây là một cơ hội vô cùng tốt để giới trẻ Việt Nam mở mang, học hỏi, hội nhập với những nền văn hóa tiên tiến của nước bạn để về giúp ích cho việc xây dựng đất nước, đóng góp cho quê hương. Thế nhưng, nhận thức chưa đúng đắn và toàn diện đã khiến nhiều bạn có tư tưởng sùng ngoại - bài nội, chỉ học theo “Tây”, nói tiếng “Tây” giỏi hơn ngôn ngữ mẹ đẻ, không có nhiều hiểu biết về môi trường Việt Nam, thay vì hiểu đúng của sự hội nhập, hòa nhập. Điều này dẫn đến việc các bạn có thể là những du học sinh giỏi nhưng lại khó quay về sinh sống và làm việc tại nước nhà. Chương trình học bổng Emarus Mundus của Liên Minh Châu Âu có đưa ra khái niệm về hòa nhập, đó là “hòa nhập chính là khi bạn hiểu rõ về đất nước của bạn, thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ và mở rộng trái tim, trí óc để học hỏi về đất nước khác”. Tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó, Bác ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ. Người đã đi nhiều nơi, tiếp thu nhiều nền văn minh, để rồi nghiên cứu, chọn lọc và tự tìm ra triết lý, tư tưởng, hình thức đấu tranh cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chứ không hướng ngoại, dập khuôn, nhất nhất đi theo những chủ nghĩa, triết lý đầy mới mẻ và hấp dẫn. Bởi vậy, soi chiếu vào lớp trẻ ngày nay, nếu không có tình yêu Tổ quốc chân chính, tinh thần học hỏi không ngừng và tấm lòng hướng về đất nước quê hương thì việc du học, “Tây học” cũng không có nhiều giá trị đích thực cho dân tộc, cho đồng bào và cho chính bản thân mình.
Hồ Chí Minh - niềm cảm hứng bất tận cho tinh thần tự học
Có thể khẳng định, tinh thần tự học là vô cùng quan trọng. Tự học, tự triết, tự giáo dục chính là việc tiến tới sự tự hoàn thiện, toàn diện hóa bản thân, thể hiện khả năng làm chủ chính mình trước khi giáo dục, hướng dẫn, lãnh đạo, quản lý người khác. Đây chính là nền tảng cho việc nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tượng đài vĩ đại cho sự tự học và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường gì, tuổi tác ra sao. Khi không có tinh thần tự học, con người ta, mà cụ thể ở đây là giới trẻ sẽ thiếu ý chí, nghị lực, thiếu sự độc lập, chủ động, sáng tạo và tích cực để làm chủ tri thức mới và vươn tới những ước mơ, hoài bão to lớn. Đồng thời, khi không tự học, thế hệ trẻ cũng sẽ hình thành nên rất nhiều thói quen xấu như thụ động, lười tư duy, ngại suy nghĩ. Nghiêm trọng hơn cả, nếu các bạn trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước không tự hình thành cho bản thân mình tinh thần tự học thì Việt Nam sẽ ngày càng kém phát triển, đói nghèo, khó có khả năng chống lại thiên tai, bệnh dịch, xã hội sẽ không thể nào trở nên văn minh và tiến bộ, đất nước không thể hùng cường như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay |
Hơn một thế kỷ đã qua đi, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn đang lan tỏa, trở thành kim chỉ nam và triết lý cách mạng cao cả, đúng đắn cho các thế hệ tiếp nối. Chính tinh thần học hỏi, ý chí tự học, tự phấn đấu, rèn luyện đã hun đúc nên một Nguyễn Tất Thành, một Nguyễn Ái Quốc, một Hồ Chí Minh, một vĩ nhân Việt Nam, danh nhân thế giới. Một con người với tư duy minh triết, khối óc thông tuệ và một trái tim yêu nước thương dân nồng nàn cùng nhiệt huyết cháy bỏng đã quyết ra đi tự tìm đường cứu nước từ ngày ấy. Khởi phát từ tinh thần tự học, tự hoàn thiện, ý chí tự vươn lên không chịu cảnh bóc lột, nô lệ, không chịu khuất phục áp bức, cường quyền của một con người đã biến thành công cuộc giải phóng vĩ đại của một dân tộc. Độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay bắt nguồn từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”. Đọc tiểu sử của Người, từ lúc sinh ra, thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành đều trải qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn, vắng bóng người thân, không có điều kiện được đào tạo bài bản về chính trị, quân sự, ngoại giao, nhưng có lẽ đất nước ta khó có một chính trị gia lẫy lừng, một nhà quân sự đại tài, một nhà ngoại giao kiệt xuất, danh nhân vĩ đại nào hơn thế. Người đã góp phần tạo nên mốc son và dấu ấn lịch sử huy hoàng của dân tộc trong thế kỷ 20, mở ra thời đại mang tên Hồ Chí Minh, góp phần rạng rỡ giang sơn đất nước và là niềm cảm hứng về con đường tự học và tinh thần tự học cho đến tận ngày nay.
Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời đấu tranh, là sự nghiệp cách mạng, là nỗi khát khao mãnh liệt cho nước mạnh dân giàu. Người luôn lấy mình làm tấm gương mẫu mực về thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân và ảnh hưởng lan tỏa tới người khác. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện. Với những phân tích khoa học về con đường tự học và tinh thần học tập của Bác, điều cần thiết là bài học rút ra cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay:
Một là, phải luôn có tư tưởng, ý thức “hướng học” và “hiếu học”. “Ăn vóc học hay”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, phải luôn thường trực sự học hỏi, học tập ở mọi nơi mọi lúc, phải kết hợp cả “learn” (học thường xuyên và linh hoạt) và “study” (học tập, nghiên cứu bài bản). Cổ nhân đã dạy, “nét chữ là nét người”, trí tuệ, trình độ và kiến thức của mỗi người sẽ quyết định vị thế, vai trò của cá nhân trong tổ chức, ngoài cộng đồng mà không thể một sớm một chiều tích lũy được nếu không thông qua tư tưởng hướng học tập hàng ngày.
Hai là, phải luôn giữ tinh thần, ý chí và nghị lực học tập, học hỏi không ngừng chứ không phải học theo kiểu “được chăng hay chớ”. Tinh thần học tập cũng là một loại phẩm chất cá nhân được rèn luyện, thậm chí được coi là một trong những năng lực cá nhân quan trọng trong một số khung năng lực được xây dựng cho cán bộ nhân viên của nhiều tổ chức, công ty hiện nay. Nghị lực học tập phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày chứ không thể học dồn một lúc, học cho xong, “học tới đâu hay tới đó” hoặc chỉ cần tặc lưỡi lười biếng một thời gian là tinh thần và ý chí học tập sẽ đi xuống, khó kéo lại được rồi dần trở nên an phận, tụt hậu. Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm cho cái mới cũng trở nên cũ rất nhanh, chỉ cần buông xuôi không cập nhật là trở nên lạc hậu ngay lập tức với thời cuộc, xu thế, công nghệ. Bên cạnh đó, luồng thông tin và kho tri thức nhân loại đã trở nên khổng lồ nhưng lại rất dễ tiếp cận, là tài nguyên mà ai cũng có thể khai thác nhưng muốn làm chủ, “master” được chúng thì không thể thông qua mua bán, vay mượn mà chỉ có con đường duy nhất là học tập, tự học hỏi để “nạp”, để tích lũy cho bản thân và ứng dụng vào công việc, cuộc sống một cách có ý nghĩa nhất.
Ba là, cần tự học một cách chủ động, sáng tạo chứ không mang tính đối phó hay chạy theo thành tích. Việc trau dồi kiến thức không chỉ loanh quanh ở điểm số, giấy khen, bằng cấp mà nằm ở giá trị con người và sự đóng góp những điều có ích cho xã hội. Nhất là với trí tuệ của người trẻ, cần phải có sự thông minh trong quá trình tự học ở mọi lúc mọi nơi. Học để biết, rồi kế thừa cái biết sau khi học để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển thêm thành tri thức mới. Như thế thì mới thể hiện đúng vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đúng như phương châm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Bốn là, việc tự học cũng cần có tư duy, có lựa chọn. Bởi tri thức là vô tận nhưng thời gian, khả năng tiếp nhận của mỗi người là hữu hạn. Giới trẻ là những người rất ham hiểu biết, có khả năng cập nhật liên tục và hấp thu nhanh nên càng cần tư duy chín chắn và sự lựa chọn sáng suốt trong việc học cái gì, ở đâu, với ai. Kiến thức cần học là của chung, tựa như nguồn tài nguyên mở còn tự khám phá, tiếp thu chúng ra sao là sự lựa chọn của riêng mỗi người. Nếu lựa chọn không cẩn thận, cái gì cũng thấy hay, điều gì cũng thấy thích và lao vào tìm hiểu thì có thể sẽ dẫn đến việc tốn thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc và chi phí cơ hội cho những điều không thực sự có ích. Đành rằng kiến thức ở lĩnh vực nào cũng có giá trị nhưng cần có sự sắp đặt thứ tự ưu tiên với những thứ phù hợp, quan trọng, cần thiết với mỗi người. Chưa kể đến việc nếu không tư duy sáng suốt, lựa chọn cẩn trọng thì giới trẻ còn rất dễ bị hấp dẫn, dẫn dụ mà tiếp thu cái không tốt, cái có hại, cái vô nghĩa, thậm chí là những thứ đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Năm là, ngoài tự học các kiến thức chuyên môn thì cần trang bị cho bản thân các kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, lớp trẻ cần có những hiểu biết vững chắc về lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán và văn hóa Việt Nam, cần thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ trước khi giỏi ngoại ngữ khác. Bác đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ngoài ra, cần phải năng nghe - học - đọc - đi để nâng cao hiểu biết của cuộc sống muôn màu. Cần trang bị vững chắc các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, ví dụ như: kỹ năng bơi lội, leo núi; kiến thức phòng cháy chữa cháy; kỹ thuật sơ cứu, cứu thương cơ bản; cách sửa chữa điện, nước sinh hoạt; hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiến thức về hàng hóa, giá cả thị trường; khả năng tự chăm sóc bản thân và gia đình... Giới trẻ cũng cần tiên phong trong các phong trào ngoại khóa, các công việc xã hội - thiện nguyện để mang những hiểu biết cá nhân có được nhờ quá trình học tập, tự học vào các hoạt động ích nước lợi nhà và đóng góp cho cộng đồng, đất nước.
Sáu là, học cần đi đôi với hành. Thực tiễn luôn là thước đo đúng đắn nhất cho mọi bài học. Cần đưa nhiều hơn các giờ thực hành vào trong bài giảng ở trường lớp. Cần kết hợp giữa nhà trường và tổ chức, công ty để đưa ra các mô hình học tập và trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Với mỗi người, tùy ở điều kiện và khả năng, cần siêng năng luyện tập, thực tập trong quá trình tự học. Kỹ năng làm việc và sự cọ sát thực tế chính là tạo nên năng lực và ưu thế cá nhân, bởi khi ra đời, “hay chữ” phải đi đôi với “hay làm” chứ không chỉ là mang lý thuyết, sách vở vào áp dụng một cách cơ học, máy móc.
Bảy là, việc học tập và tự học là một quá trình, là “học tập suốt đời” theo tấm gương của Bác. Do đó, các bạn trẻ không nên “giục tốc bất đạt”, không nên quá áp lực, tự làm khó cho bản thân. Cần hiểu rằng, giá trị con người nằm nhiều ở nhân cách, cách đối nhân xử thế, việc hành thiện giúp đời.., chứ không chỉ nằm ở kết quả học tập, thứ bậc, vị trí ở cơ quan đoàn thể, danh vọng ngoài xã hội… Mỗi người có sự phấn đấu, học tập, tự hoàn thiện theo cách riêng của mình và không nên quá chạy đua về học vấn, vị thế. Thậm chí, cần rèn luyện và học cả tính kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại; cần trang bị tốt cho mình sức khỏe thể chất và tinh thần để tăng khả năng vượt khó, vượt qua căng thẳng, áp lực của cuộc sống hiện đại.
Tám là, không để mặt trái của mạng internet, công nghệ lôi kéo, phân tán, ảnh hưởng đến thời gian, năng suất, kết quả học tập, lao động. Thống kê cho thấy tỷ lệ người Việt Nam sử dụng internet, mạng xã hội hiện nay là rất cao, kéo theo việc lạm dụng thời gian học tập, thời gian làm việc vào tán gẫu, chơi game, lướt web, gây xao lãng nhiệm vụ chính và lãng phí tài nguyên chung. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng lưu tâm của toàn xã hội, trong đó có giới trẻ. Do đó, một thế hệ trẻ thông minh, bản lĩnh cần biết khai thác mặt ưu của công nghệ, của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội để phục vụ cho học tập, đặc biệt là việc tự học, cũng như phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình; đồng thời biết kiểm soát, giới hạn bản thân để không bị lôi kéo, sa đà và bị ảnh hưởng tiêu cực của những kênh thông tin, trò chơi, trào lưu không tốt trên mạng. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần học hỏi, hoàn thiện bản thân về ngôn ngữ, phong cách giao tiếp, kỹ năng ứng xử với xung quanh, tránh việc quá lạm dụng giao tiếp trên mạng, giao tiếp trong môi trường ảo, sử dụng từ tắt, tiếng lóng trong “chat chit” mà bỏ qua hệ thống từ ngữ chuẩn mực, bỏ qua việc giao lưu xã hội thực tế, tương tác với người thật việc thật.
Chín là, học tập, tự học hỏi, tự rèn luyện với mục đích cuối cùng là để thành công, để phục vụ cho bản thân, gia đình và cao hơn cả là quê hương đất nước. Khi được hỏi về phẩm chất nào được coi là cần thiết hàng đầu đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, nhiều người thành đạt đi trước đã nhắc đến bốn từ, đó là “tình yêu Tổ quốc”. Tình yêu đó phải được cụ thể hóa thành hành động. Kết quả của quá trình tự học, học hỏi phải được biến thành sự đóng góp thiết thực, ích nước lợi dân chứ không chỉ nằm trong thành tích học tập. Đặc biệt là đối với những bạn trẻ sớm đi du học và tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa phương Tây, càng cần có ý thức hướng về quê hương để mang những kiến thức, hiểu biết của mình đóng góp vào kho tri thức của Việt Nam và ứng dụng vào thực tế lao động sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mười là cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn. Phương pháp tự học cũng là cần thiết để học đúng người, đúng cách, đúng nội dung, đúng thời điểm… Đã qua thời học tập là một thầy giảng và nhiều người nghe trong một lớp học tập trung, mà kiến thức đang được tiếp thu liên tục thông qua quá trình tự học hỏi, tự tìm tòi, tự tiếp nhận. Học tập ngày nay đang tiếp cận theo mô hình gắn nhiều hơn “lý thuyết” với “thực hành”, “thực hành” với “trải nghiệm”, trong đó trải nghiệm là một xu hướng mới và hiệu quả. Các năng lực cốt lõi cần thiết để đào tạo, bồi dưỡng nhân sự nên dành nhiều hàm lượng cho các kỹ năng mềm, các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp người học có thêm nhiều công cụ học tập như học điện tử (e-learning), học trên di động (mobile learning), học cộng tác/xã hội (social learning), học siêu ngắn (microlearning)…mà người học có thể tiếp cận nội dung học rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại...). Thay vì trước đây khuyến khích học dài trong một thời gian ngắn, thì cách học mới đang khuyến khích học ngắn trong một thời gian dài và có tính duy trì liên tục (learning continuity). Ngày nay, các cá nhân, tổ chức có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với sinh thời của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ và khả năng tiếp cận kho tri thức trên mạng internet, thư viện ảo. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao tinh thần học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.
Lời kết
Hiện nay, tinh thần tự học, tinh thần học tập không chỉ là “cá nhân học tập”, “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “tổ chức học tập”, “xã hội học tập” mà còn là cả “quốc gia học tập”, đã và đang được lan tỏa trên đất nước ta để có thể đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đại hội Đảng lần thứ 13 đã vạch ra các tầm nhìn cụ thể cho các mốc 2025, 2030 và 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập thì mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những nỗ lực hành động trên mọi lĩnh vực phương diện thì tinh thần học tập, đổi mới sáng tạo của mọi cá nhân - tổ chức đóng vai trò then chốt. Có một cuốn sách đã từng viết rằng: “Hãy cho tôi sự kiên nhẫn để chấp nhận những gì không thể thay đổi; Hãy cho tôi sự dũng cảm để thay đổi những gì có thể thay đổi; Hãy cho tôi trí tuệ để phân biệt hai điều đó”. Đặt vào thế giới ngày nay, một thế giới nhiều biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, cùng với sự bất ổn của môi trường chính trị - kinh tế - xã hội, con người ta cần phải có những phẩm chất Nhẫn (kiên nhẫn, bền bỉ) - Dũng (dũng cảm) - Trí (trí tuệ) để thay đổi và hoàn thiện bản thân, để bắt kịp những xu hướng mới của thế giới đa chiều này. Vì vậy, từ đây, mỗi cá nhân phải trau dồi cho bản thân một tinh thần tự học không ngừng nghỉ, đừng nghĩ rằng chỉ học ở nhà trường, học xong đại học, cao học, thậm chí là tiến sĩ là đủ. Mà còn phải học liên tục, học suốt đời, “học, học nữa, học mãi” như Lênin từng nói.
Thế giới đang không ngừng thay đổi. Nó đa cực, rất phẳng và đang được toàn cầu hóa. Khoa học kĩ thuật và công nghệ đang không ngừng phát triển, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là đói nghèo, lạc hậu. Điều này không chỉ đặt ra yêu cầu to lớn đối với mỗi quốc gia dân tộc về việc lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm đi kèm với phát triển xã hội ngày một văn minh mà nó còn đặt ra nhiệm vụ đối với mỗi cá nhân, con người phải không ngừng thay đổi, hoàn thiện, phát triển bản thân để bắt kịp với xu hướng mới của cuộc sống, xu thế mới của thời đại đồng thời hướng tới những giá trị tốt đẹp vì một tương lai tươi sáng của đất nước và nhân loại. Những phân tích, góc nhìn trong bài viết trên đây có thể cho thấy, tinh thần tự học và công cuộc giáo dục có vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng to lớn đến nhường nào đối với không chỉ mỗi cá nhân mà còn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nhà tỉ phú người Mỹ nổi tiếng thế giới Bill Gates, người đồng sáng lập ra tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft đã từng nói: “Nhà trường cho ta chiếc chìa khóa của tri thức, học tập trong cuộc sống chính là công việc cả đời”. Vì vậy, thế hệ trẻ Việt Nam phải không ngừng tự học tập, không ngừng tự trau dồi, không ngừng tự học hỏi và vươn lên. Willam Athur Ward, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ đã viết: “Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn là tấm gương sáng ngời của tinh thần học tập không ngừng nghỉ, ý chí sắt đá tự học, tự tôi luyện bản thân để hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và khát vọng dân giàu, nước mạnh. Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng hồn thiêng sông núi còn đây, giang sơn gấm vóc tươi đẹp vẫn đây, đang ngày một phát triển, ngày một hưng thịnh như mong mỏi của Người. Người đã để lại biết bao di sản quý báu về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường, về đạo đức cách mạng chân chính, triết lý nhân sinh cao cả và tinh thần tự học sáng ngời. Không chỉ nằm trong tư liệu lịch sử hay bài học trên sách vở, đạo đức ấy, tinh thần ấy, di sản ấy như luôn thấm đẫm, khắc ghi trong từng khối óc và con tim của người dân Việt Nam, trong đó có thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. https://baotanghochiminh.vn
2. https://dangcongsan.vn
3. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
4. https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/thu-bac-ho-gui-cac-hoc-sinh-nam-1945-413315
5. http://vncsp.hnue.edu.vn/ban-tron-giao-duc/article/242.aspx
6. https://www.tudiendanhngon.vn
7. http://khotangdanhngon.com/hoc-van.html
8. Bùi Quang Tuyến (2020), Hành trình tri thức thời Kinh tế số, ISBN: 978-604-315-287-6, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.