Coi chừng tử vì rượu
Ngộ độc rượu giả
Theo tin từ Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai, ngày 31/12 đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn tới hôn mê.
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu cho hay, bệnh nhân là N.T.H. (nam, 49 tuổi, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được chuyển từ bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An trong tình trạng hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao, giãn đồng tử hai bên... Kết quả xét nghiệm định lượng Methanol máu cho thấy, máu bệnh nhân có hàm lượng methanol lên tới 107 mg/dl.
Được biết, trước thời điểm nhập viện 3 ngày, anh H đã uống nhiều rượu. Khi đã quá chén, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ rồi nhanh chóng rối loạn ý thức. Bệnh viện Đa Khoa Nghệ An đã tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy và chuyển đến bệnh viện Bạch Mai. Hiện bệnh nhân vẫn đang được cấp cứu tích cực, lọc máu liên tục.
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc tại Bệnh viện Bạch Mai
Trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 4 ca ngộ độc rượu vào cấp cứu.
Theo các bác sĩ, tình trạng ngộ độc rượu thường gia tăng vào những dịp lễ Tết bởi một phần do chất lượng rượu. TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, tình trạng sản xuất, buôn bán rượu giả hiện còn phổ biến. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán rượu lậu, rượu giả với quy mô lớn. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt giữ hàng chục nghìn chai rượu vi phạm, trong đó có một “lò” sản xuất rượu thủ công ở quận Hà Đông sản xuất rượu bằng công thức “cồn pha với nước”, sử dụng nguyên liệu không rõ xuất xứ, vỏ chai cũng là vỏ “quay vòng”.
Ngoài ra, tình trạng rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rượu tự ngâm; rượu tự nấu pha methanol... cũng có tồn tại nhiều khiến tình trạng ngộ độc rượu tăng lên.
“Rượu giả pha từ cồn công nghiệp chứa nhiều methanol có thể gây ngộ độc nặng. Bệnh nhân thường thở nhanh, sâu do viêm thần kinh thị giác dẫn đến nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường hoặc mù hẳn. Trường hợp nặng thì sẽ giãn đồng tử, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co giật, suy thận và tử vong”, bác sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh Nhiệt đới trung ương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, rượu có tạp chất là ethylene glycol các biểu hiện ban đầu giống say rượu thông thường nhưng sau đó có nhiều tổn thương khác như tăng huyết áp, suy hô hấp, suy tim, suy thận và có thể tử vong.
Đàn ông Việt nghiện rượu bia
Mặc dù những cảnh báo, hệ lụy từ rượu giả, rượu pha methanol, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã xảy ra, song tình trạng người dân sử dụng rượu bia vẫn không hề suy giảm.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo cồn nguyên chất tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003 – 2005 lên 6,6 lít giai đoạn 2008 – 2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít).
Tính riêng những người sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam, trung bình một năm tiêu thụ 17,2 lít cồn nguyên chất; đặc biệt nam giới tiêu thụ 27,4 lít/người/năm, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu, đứng thứ hai sau Thái Lan ở trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế khẳng định, rượu bia không phải là đồ uống bình thường mà đã và đang gây tổn hại cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Trong khi các công ty kinh doanh rượu bia chỉ nộp 16.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chưa kể chi phí giải quyết hậu quả do đánh nhau, tai nạn giao thông, bệnh tật.
Ngoài ra, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Tử vong do loại đồ uống có cồn này còn nhiều hơn HIV/AIDS, nó đang tàn phá sinh mệnh con người âm thầm.
Việt Nam có mức tiêu thụ rượu bia đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2 – 8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận; đặc biệt là gan, cơ quan đón nhận đầu tiên. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính có 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu không sử dụng rượu bia.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân khi chọn mua và sử dụng rượu cần hết sức chú ý để tránh mua phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
“Đặc biệt, sau khi uống rượu vài tiếng, có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt chóng mặt, đặc biệt mờ mắt như nhìn bóng mây, khẩn trương đưa bệnh nhân đến viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể", bác sĩ Lương Quốc Chính cảnh báo.
Bảo An