Chuyện từ trung tâm phân tích ADN: Nhiều người bất chấp, cũng không thiếu thủ đoạn tinh vi nhằm thay đổi kết quả
Những ngày qua, câu chuyện Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho hai gia đình gây xôn xao dư luận. Không ít người cho rằng, có lẽ mọi việc sẽ chìm trong bức màn bí mật mãi mãi nếu những người liên quan không tìm đến trung tâm xét nghiệm ADN.
Cụ thể, vào 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền sinh con trai tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Một thời gian sau, thấy cháu không giống bố mẹ, nghi ngờ cháu Phùng Thanh H. không phải là con của mình, vợ chồng anh đã đi xét nghiệm và họ đã vô cùng choáng váng khi đứa con mình chăm sóc, nuôi dưỡng suốt 6 năm nay lại không phải là con ruột của mình, còn đứa con dứt ruột đẻ ra lại đang được nuôi dưỡng bởi gia đình chị Vũ Thị Hương.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự việc đáng tiếc trên khiến cả hai gia đình phải trải qua nhiều điều không hay trong đời sống. Với gia đình chị Hương, đây là một trong những lý do khiến gia đình chị đổ vỡ bởi con càng lớn chồng càng không thấy giống mình nên nảy sinh nghi ngờ và thường xuyên mắng nhiếc vợ. Mâu thuẫn vợ chồng đẩy lên đến đỉnh điểm cho đến khi quyết định ly hôn được tòa án chấp thuận hồi năm 2015.
Còn với gia đình anh Sơn, cũng may mắn nhờ sự ngờ vực vì con lớn lên không giống ai trong nhà, lại thấy có một cháu bé gần đó giống hệt mình, gia đình đã đồng thuận đi xét nghiệm để rồi vỡ lẽ bị bệnh viện trao nhầm con.
Liên quan đến vụ việc trên, trong buổi ghé thăm Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội), chúng tôi đã được bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc trung tâm kể cho nghe biết bao trường hợp cười ra nước mắt.
Là một trong những trung tâm xét nghiệm ADN ra đời sớm nhất ở Việt Nam, mỗi tháng, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) của Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga tiếp nhận khoảng 200 lượt khách có nhu cầu phân tích, kết luận về ADN.
Khác với những xét nghiệm sức khỏe thông thường, tất cả mẫu phân tích ADN ở trung tâm đều nhằm mục đích làm rõ sự thật quan hệ huyết thống. Dòng chữ ghi "Kết luận" nằm ở cuối tờ phiếu xét nghiệm tuy vô cùng ngắn gọn nhưng lại có sức mạnh làm thay đổi toàn bộ cuộc sống, số phận của cả đời người.
Cách đây khá lâu, bà Nga từng tiếp một người phụ nữ kết hôn với chồng ngoại quốc, và vì không có khả năng sinh con nên đã nhận con nuôi. Từ nước ngoài, người phụ nữ này gửi mẫu xét nghiệm về nước, đưa cho người thân ở Việt Nam và muốn nhờ bà Nga thay đổi kết luận làm sao để chứng minh người con nuôi đó chính là con ruột của chị này.
Đã có không ít gia đình bị sốc khi nhận tờ kết quả với nội dung như trên.
"Chị ấy thuyết phục tôi đây là chuyện bí mật, không một ai biết ngoài tôi và chị ta. Chuyện làm giả kết quả cũng không gây chết người, không làm hại ai mà ngược lại còn có thể cứu vãn hạnh phúc của cả một gia đình", bà Nga nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) đang hướng dẫn lấy mẫu để giám định.
Đứng trước một tình huống khó xử như vậy, chính bản thân bà Nga cũng có đôi chút động lòng nhưng kết quả ADN không thể làm giả, đó chính là nguyên tắc bất di bất dịch mà bà đã tuân thủ suốt hơn 10 năm qua.
"Không thể lay chuyển tình thế bằng nước mắt, chị ấy lại chuyển qua cách dùng tiền", bà Nga kể.
Một góc nhỏ trong phòng xét nghiệm ADN tại trung tâm.
Khi nhận mẫu xét nghiệm, bà Nga thấy có phong bì kèm theo nhưng gia đình chị này tại Việt Nam giải thích rằng đó là tiền phí xét nghiệm. Tuy nhiên, lúc bà Nga mở phong bì thì thấy quá nhiều tiền bên trong và lập tức phải nghĩ cách xử lý.
"Tôi phải để nhân viên bên trung tâm lấy số khác gọi điện, nói với gia đình họ có thư quan trọng của chị này gửi từ Pháp về, xin địa chỉ của họ để qua đưa trực tiếp".
Gia đình nhận được phong bì chứa đầy đủ số tiền bên trong mới vỡ lẽ về cách xử lý khéo léo của bà Nga. Lúc này từ nước ngoài, người phụ nữ lại tiếp tục gọi điện cho bà Nga. Lần này, chị ta hứa sẽ cho bà Nga một khoản tiền rất lớn và sẵn sàng chuyển khoản ngay lập tức.
Tuy nhiên, bà nói rằng: "Nếu chị có nhiều tiền thì có thể cho tôi vài chục tỷ, tôi làm giả kết quả và rồi lập tức đóng cửa trung tâm". Nghe đến đây, người phụ nữ này mới chịu dừng lại vì biết không còn cách nào khác.
Bà Nga tâm sự, kết quả ADN không thể làm sai, không thể nói dối. Để bảo vệ uy tín của Trung tâm và hơn hết là tôn trọng sự thật, bà Nga không bao giờ nghĩ đến chuyện làm sai kết quả dù khách hàng có đưa ra điều kiện nào đi chăng nữa.
"Tất cả những trường hợp muốn làm giả kết quả, tôi đều khuyên họ nên chọn cách nói thật. Tôi rất thương những người có hoàn cảnh éo le nhưng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp như thế nào, nói dối cũng là điều không nên".
Bà Nga giới thiệu về cách lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN.
Nói tới đây, bà Nga nhớ lại trường hợp một cặp đôi chênh lệch tuổi tác từng dẫn theo con nhỏ tới trung tâm làm xét nghiệm. Nhìn dáng vẻ người phụ nữ, bà Nga đoán họ là nhân tình chứ không phải là vợ chồng danh chính ngôn thuận.
Người phụ nữ đầu đội khăn rất giống bệnh nhân ung thư. Trông chị ấy có vẻ buồn, tiều tụy và suốt buổi không nói lời nào. Lấy mẫu máu xong, cặp đôi bế theo đứa nhỏ ra về. Vừa đi khỏi trung tâm chưa lâu, người phụ nữ đã gọi điện than khóc với bà Nga và muốn bà thay đổi kết quả làm sao cho đứa bé được kết luận có quan hệ cha - con với người đàn ông đi cùng tới trung tâm lúc sáng.
"Bà ấy nói mình mang bệnh nặng, chẳng biết sống được bao lâu. Đứa bé chỉ có người đàn ông kia là chỗ dựa duy nhất. Nếu bà không giúp chị ấy thì chẳng khác nào hại cả đời đứa nhỏ phải chịu khổ, sống cảnh không cha không mẹ", bà Nga nhớ lại.
Số phận của một đứa bé vẫn đang còn phải bú sữa bỗng nhiên được người mẹ đổ dồn lên vai bà Nga. Từng lời người phụ nữ thốt ra đều vô cùng thuyết phục và đối với một người cũng đang làm mẹ như bà Nga, cảm giác đau nhói tới tận ruột gan. Vừa lay động tình cảm, người phụ nữ vừa hứa sẽ có quà cáp cho bà Nga khi xong việc. Mặc dù rất thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con nhưng bà Nga vẫn cố gạt nước mắt, từ chối yêu cầu của nữ khách hàng.
"Bị từ chối sau bao lần nỉ non, cuối cùng người phụ nữ đó quay ngoắt 180 độ và dọa rằng nếu tôi không sửa kết quả, cô ấy sẽ cho xã hội đen đến phá nát trung tâm".
Dù không rõ thực hư thế lực của người phụ nữ ra sao nhưng bà Nga vẫn nhất quyết trả đúng kết quả cho khách. Ngày cầm tờ phiếu xét nghiệm trên tay, người đàn ông vui ra mặt còn mẹ đứa trẻ thì sa sầm mặt mày và vô cùng tức tối.
Một ngày làm việc của các nhân viên Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền.
Đáng nói hơn, người phụ nữ này ban đầu nói mình bị ung thư nhưng khi gặp lại lần hai, bà Nga thấy rõ ràng chị ta rất khỏe mạnh. Lúc này, bà Nga đoán ra tất cả chỉ là một màn kịch hòng khiến bà vì thương hại mà nhận lời làm giả kết quả.
"Người đàn ông kể lại rằng cô gái đó từng có quan hệ với ông ta, nhưng ngoài ông ta ra còn qua lại với nhiều người khác. Vậy mà từ khi mang thai, cô ta luôn khẳng định đứa nhỏ là con của ông ấy và bắt gửi tiền cung phụng hàng tháng. Xem kết quả xong, người đàn ông như trút được gánh nặng to lớn", bà Nga nói thêm.
Sự vui mừng của người đàn ông khiến bà Nga có đôi chút thương hại cho người phụ nữ ấy. Tuy nhiên, sự thật vẫn mãi là sự thật, không thể làm khác được. Dù muốn hay không thì người đàn ông ấy cũng không hề có quan hệ huyết thống với đứa nhỏ và sự thật này cũng không thể che giấu mãi cả đời.
Dòng kết luận này có thể làm thay đổi cuộc sống, số phận cả đời người.
Nói đến đây, bà Nga bỗng ngưng lại. Những câu chuyện vui buồn bà kể bỗng làm tất cả mọi người lặng thinh. Phần vì họ mải suy nghĩ, phần vì trên bàn vẫn còn cả sấp giấy tờ. Mỗi ngày ở trung tâm có hàng chục ca xét nghiệm mà mỗi trường hợp lại ẩn chứa biết bao câu chuyện với bao nước mắt, đắng cay.
Minh Ngọc