Chuyện ông bí thư huyện có biển số xe cực đẹp
Một bức ảnh chụp “đồng chí Bí thư Huyện ủy” Phước Sơn (Quảng Nam) trong sân trụ sở với một chiếc xe máy có biển số “quá độc” đã gây nên bao nhiêu cái lắc đầu chép miệng trong dư luận.
Xe máy của bí thư mang biển kiểm soát (BKS) 92P1-999.99. “Đẹp” không kém BKS 37S-9999 mà CA Nghệ An 8 năm trước đã thí điểm bán cho một người dân với giá 700 triệu đồng.
Không chỉ đồng chí bí thư, không chỉ 99999, một số cán bộ khác cũng chơi những chiếc xe mang BKS 29P1-55555, 92P1-22222.
Vấn đề ở chỗ Phước Sơn là 1 trong số 14 huyện của Quảng Nam được bấm số xe máy tự động với “Thiết bị bấm số do Bộ Công an cài đặt”.
Vấn đề là ở chỗ người dân đang phải chấp nhận đây là những cú bấm “ngẫu nhiên” cho dù ngay cả việc cấp số thủ công thì việc cấp số, theo quy định - cũng không được cắt quãng.
Vấn đề là Phước Sơn mới cấp biển từ tháng 1.2015 và mới cấp đến số 041 và để có biển 99999 thì đáng lẽ vị bí thư phải chờ 99.958 lượt nữa mới đến lượt.
Chưa thể kết luận đây là những biển số đẹp ưu tiên cho lãnh đạo huyện, cho dù có thể nhìn thấy chuyện “ngẫu nhiên” là cực kỳ phi lý.
Sẽ có người nói đây chỉ là một cái BKS xe máy. Sẽ có người coi đây là chuyện nhỏ. Nhưng ngay cả khi đó là việc nhỏ thì ai bất chính trong việc nhỏ cũng bất chính trong việc lớn.
Nhưng thật ra đây không chỉ là chuyện những cái biển số đẹp. Bởi những cái biển đẹp ấy đang nói lên biết bao nhiêu sự thật mà thoạt nhìn tưởng là chuyện nhỏ. Đó là cái quan niệm số xấu, số đẹp đang tồn tại trong không ít quan chức nhà nước.
Đó là việc quy định trình tự, hay nói lớn hơn là kỷ cương, pháp luật bị chà đạp. Đó là lẽ công bằng giữa người dân và một số cán bộ lãnh đạo đang bị xem thường.
Khổng Tử từng bàn về sự chính danh của người cai trị rằng “Phải sửa cái danh cho chính, nếu danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành”.
Nếu cán bộ lãnh đạo nào cũng muốn giành về mình mọi lợi ích với cái danh không chính, mặc kệ sự bất bình của nhân dân, của dư luận thì liệu họ làm cách nào để nhân dân tâm phục khẩu phục khi nói về công lý, về nhà nước pháp quyền, về lẽ công bằng?
Nhưng cái tệ trong câu chuyện “số đẹp” là những thắc mắc của dân - ngay cả khi đã được báo chí phản ánh - cũng sẽ lại rơi tõm vào im lặng trong cái chép miệng “chuyện nhỏ”!
Theo Đào Tuấn/LĐ