Chuyện ở xứ Croatia: Trung Quốc xây cầu, liên minh châu Âu "méo mặt"
Do những lý do ngẫu nhiên của lịch sử và chiến tranh Balkan, một phần của Croatia bị tách khỏi phần còn lại của đất nước bởi một đoạn lãnh thổ rộng 12 dặm của nước láng giếng Bosnia. Croatia từ lâu đã muốn kết nối khu vực ven biển tách biệt này với phần còn lại của đất nước bằng một cây cầu.
Trong nhiều thập kỷ, do ảnh hưởng của chiến tranh, tham nhũng, tranh chấp chính trị và khủng hoảng tài chính toàn cầu, kế hoạch xây cầu đã dừng lại ở vài trụ bê tông bị bỏ dở và bức tượng hai thiên sứ bằng đồng nhìn ra vùng biển Adriatic.
Cho đến khi người Trung Quốc đến đây vào mùa hè vừa qua.
Croatia vui vẻ, EU "méo mặt"
Cây cầu do Trung Quốc xây dựng sẽ nối hai phần lãnh thổ của Croatia với nhau.
Cùng với âm thanh của những máy ủi, là sự xuất hiện hàng ngày của các kỹ sư Trung Quốc. Một tập đoàn xây dựng cầu đường Trung Quốc đã trúng thầu gói xây dựng này.
Đối với nhiều người Croatia, dự án treo này sẽ hoàn thành trong tương lai và đây là điều đáng để ăn mừng.
Tuy nhiên, đối với liên minh châu Âu EU, họ lại lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc có thể làm giảm sự cạnh tranh, chà đạp luật lao động của EU cũng như hạ thấp tiền lương của công nhân bản địa.
Các chính phủ thuộc EU đều thể hiện thái độ cẩn trọng trước các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn của Trung Quốc ở châu lục này, New York Times cho biết.
Cây cầu sẽ nối một bán đảo tách biệt với Komarna và phần còn lại của Croatia. Đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc giành được một dự án được tài trợ chủ yếu bởi Liên minh châu Âu.
Công ty Trung Quốc trúng thầu nhờ báo giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh gần 100 triệu USD, điều này đã đặt ra một thách thức pháp lý. Ủy ban châu Âu đang điều tra xem liệu Croatia có giao hợp đồng cho công ty Trung Quốc theo đúng các quy định của EU hay không.
Ngoài những lo ngại về hành vi cạnh tranh và tiền lương thấp, các quan chức EU còn lo lắng việc công ty này sẽ đưa những nhân công từ Trung Quốc tới châu Âu - trong khi nền kinh tế châu lục hiện đang có sự tăng trưởng chậm chạp.
Thông thường, ở các dự án trúng thầu, các công ty Trung Quốc thường đưa nhân công từ trong nước sang. Cách làm này của các công ty Trung Quốc đang gây rất nhiều tranh cãi.
Với vấn đề này, nhà thầu Trung Quốc thể hiện sự im lặng trong khi các nhà chức trách Croatia cho biết, họ không muốn đưa ra những bình luận chính thức.
"Các công ty châu Âu ngày càng thấy rằng họ không thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc đang được trợ giá," chuyên gia phân tích kinh tế Jens Bastian chia sẻ.
Trung Quốc đang khởi động một sự bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn toàn cầu với tên gọi sáng kiến Vành đai và con đường, nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh nhưng chính điều này cũng đang nhận sự chỉ trích và giám sát chặt chẽ.
Trung Quốc đang tích cực kết giao với các lãnh đạo vùng Balkan và Đông Âu nhưng cách làm này bị một số người châu Âu coi là hành động ngấm ngầm phá hoại EU, NYT bình luận.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu năm 2016 kết luận rằng, EU có thể phải thừa nhận rằng sức ảnh hưởng của họ cực kỳ hạn chế tới các hành vi của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với Croatia, nước gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2013, dự án này đã trở thành một giải pháp nhanh gọn và tương đối rẻ cho một vấn đề nan giải ở vùng Balkan. Ở Balkan, cây cầu từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao.
"Dự án này đã phản ánh cam kết của chúng tôi khi loại bỏ chướng ngại vật, kết nối các vùng lãnh thổ và đoàn kết dân tộc", Corina Cretu, ủy viên chính sách khu vực EU từng nói.
Tuy nhiên, sáu tháng sau, tình hình trở nên phức tạp hơn khi Croatia trao dự án cho công ty của Trung Quốc. Các đối thủ cạnh tranh tham gia đấu thầu đã rất tức giận. Một tòa án Croatia sau đó bác bỏ vụ kiện của một nhà thầu Áo. Nhà thầu này cáo buộc công ty Trung Quốc báo giá thấp hơn giá trị thực tế của dự án.
Ông Jeroslav Segedin. Ảnh NYT
Vào một buổi chiều gần đây tại công trường xây dựng, Jeroslav Segedin, một kỹ sư xây dựng, đã tham quan các giai đoạn đầu của dự án. Ông Segedin, một đại diện của Croatia Roads, công ty ký hợp đồng với công ty Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của cây cầu bất chấp những lo ngại về sự tham gia của Bắc Kinh.
"Cây cầu rất quan trọng đối với Croatia và khu vực này", ông nói. "Đây sẽ là một biểu tượng quốc gia của Croatia."
Đội ngũ kỹ sư xây dựng của Segedin sẽ chịu trách nhiệm cho dự án. Ông cho biết, 18 tháng sau sẽ là giai đoạn cao điểm của dự án, khi đó dự kiến sẽ cần tới 490 công nhân, chủ yếu là người Trung Quốc. Công nhân Croatia cũng sẽ tham gia xây dựng cầu nhưng con số này nhỏ hơn rất nhiều.
Các quan chức EU nói rằng một khi công việc tuyển dụng bắt đầu, họ sẽ quan sát chặt chẽ nhằm phát hiện nhà thầu Trung Quốc có khả năng vi phạm luật lao động của EU hay không. Mặc dù vậy, Croatia đã cho phép nhà thầu Trung Quốc tự đề ra mức lương cho những công nhân mà họ mang tới từ trong nước. Các công ty châu Âu lo lắng rằng đây là một lợi thế không công bằng.
-
Vành đai - Con đường: Tiền của TQ có thể dè bỉu, nhưng khó lòng từ chối?
Trong nhiều tháng qua, truyền thông Croatia đã thông báo rằng hàng ngàn công nhân Trung Quốc sẽ sống trong một ký túc xá vốn được cải tạo từ tàu du lịch, trong khi làng chài nhỏ Komarna - nơi đặt dự án - không đủ khả năng để tiếp nhận số lượng người lớn như vậy.
"Thật bất ngờ, điện thoại của tôi liên tục nhận được các cuộc gọi liên quan đến sự xuất hiện của công nhân Trung Quốc", Smiljan Mustapic, thống đốc khu vực tiết lộ và so sánh.
Ông này nhấn mạnh thêm: "Đối với chúng tôi, việc xây cây cầu này cực kỳ quan trọng". Ông nói, ông vô cùng phấn khích khi nhìn thấy những ngọn đèn treo trên mặt nước - đánh dấu sự bắt đầu công việc xây cầu. "Điều này có nghĩa rằng, cây cầu sẽ trở thành sự thật".
Thủy Thu