Chuyên gia UNDP: Phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số
Hệ thống văn phòng của UNDP trên toàn thế giới đang phát triển các công cụ phù hợp với từng quốc gia để giúp phụ nữ nhận biết, báo cáo và phục hồi khi không may trở thành nạn nhân của hành vi lạm dụng trực tuyến. Tại Kyrgyzstan, UNDP đã hỗ trợ phát triển một chatbot mang tên Mildet, giúp phụ nữ xác định các dấu hiệu của lạm dụng trực tuyến.
Với sự hỗ trợ từ Na Uy, UNDP đã phát động một chiến dịch mang tên "An toàn trên Internet" tại Kosovo, tập hợp các chuyên gia an ninh mạng, các tổ chức xã hội nhằm nâng cao nhận thức về an toàn Internet cho phụ nữ và trẻ em gái.
Lĩnh vực kỹ thuật số dường như đang được thống trị bởi nam giới. Theo ước tính của UNDP, số sinh viên nữ tham gia STEM chỉ chiếm khoảng 35% trên toàn cầu. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết: "Trong tương lai, chúng ta cần tạo ra thêm nhiều không gian hơn cho phụ nữ phát triển khoa học và công nghệ. Xây dựng kiến thức về kỹ thuật số chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số theo giới".
UNDP phát triển các công cụ phù hợp với từng quốc gia bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của hành vi lạm dụng trực tuyến. |
Lấy dẫn chứng ở khu vực châu Âu và Trung Á, UNDP đã thúc đẩy bình đẳng giới với chương trình STEM4ALL - một hệ sinh thái xây dựng, đổi mới và phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong lĩnh vực STEM. Tại Ấn Độ, ứng dụng di động Ajeevika đã kết nối hơn 100.000 phụ nữ nông thôn với các nhóm chuyên trách giúp họ tiếp cận chương trình an ninh của chính phủ cũng như thông tin đào tạo và chăm sóc sức khỏe.
Thêm nữa, các chuyên gia của UNDP cũng khuyến nghị việc nâng cao và bảo vệ tiếng nói đa dạng trong các cộng đồng địa phương cũng là một việc làm cần được chú trọng nhằm hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển con người và hành tinh.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn cầu với việc ngày càng có nhiều người làm việc, mua bán hàng hóa và tham gia các trang mạng xã hội. Điều này tạo ra cơ hội mới nhưng cũng là thách thức mới, đe dọa khiến phụ nữ và trẻ em gái bị tụt hậu hơn nữa.
Thậm chí trước đại dịch có một thực tế là, phụ nữ còn ít truy cập Internet hơn nam giới và họ cũng ít có khả năng phát triển các kỹ năng để thu được lợi ích từ các công cụ và công nghệ kỹ thuật số. Đây được coi là khoảng cách kỹ thuật số theo giới tính. Ví dụ, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi điện thoại di động là phương tiện chính để mọi người truy cập Internet, thì khả năng phụ nữ sở hữu điện thoại thông minh thấp hơn 20% so với nam giới.
Ngoài ra, những hạn chế trong việc tiếp cận với STEM (thuật ngữ chỉ các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) của phụ nữ, cộng với nhiều thành kiến cố hữu trong việc phát triển các công cụ kỹ thuật số và tỷ lệ quấy rối, bạo lực trên cơ sở giới đang gia tăng trên môi trường Internet đã làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giới.
Nhận thấy công nghệ kỹ thuật số có thể là nguồn động lực mạnh mẽ cho phát triển bình đẳng giới, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) bắt đầu hành trình chuyển đổi kỹ thuật số để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức phát triển. Giám đốc UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bà Kanni Wignaraja cho rằng, yếu tố cơ bản của công việc này là đảm bảo toàn xã hội được tiếp cận công bằng với kỹ thuật số.
"Để làm được điều đó, UNDP đã làm việc với các đối tác nhằm phát triển các công cụ hữu hiệu giúp thực hiện các can thiệp kỹ thuật số về giới một cách hợp lý. Lấy ví dụ, UNDP và UN Women đã cùng hợp tác để tạo ra một bộ công cụ hỗ trợ giám sát các biện pháp ứng phó với đại dịch ở mỗi quốc gia nhằm trực tiếp giải quyết vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội của phụ nữ, trong đó có lưu ý tới thị trường lao động và tình hình bạo lực đối với phụ nữ", bà Kanni Wignaraja nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện của UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc mở rộng khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ kỹ thuật số như các dịch vụ tài chính kỹ thuật số là điều cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở các nền kinh tế đang phát triển và phát triển.
Những lo ngại về an toàn dữ liệu và mối đe dọa quấy rối trực tuyến là những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số của phụ nữ. Ở Mỹ Latinh, khả năng bị quấy rối và vi phạm quyền riêng tư được coi là một trong những rào cản chính đối với việc tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số của phụ nữ. Đặc biệt là ở Guatemala và Mexico. Quấy rối trực tuyến cũng là một vấn nạn ở Nam Phi với 22% phụ nữ đã báo cáo mình từng là nạn nhân của các hành động quấy rối trực tuyến.