Chuyên gia tạo dựng thói quen tiết lộ bí mật của sự thành đạt: Lập kế hoạch là con dao hai lưỡi, làm nên thành công hoặc sẽ phá hủy sự nghiệp của bạn
Trong một bài podcast gần đây được dẫn dắt bởi người đàn ông nghỉ hưu ở tuổi 34 được biết đến với biệt danh Mad Fientist, chuyên gia tạo dựng thói quen James Clear đã nói rõ rằng lập kế hoạch là công cụ mà mọi người thành đạt đều dùng khi muốn hình thành một thói quen mới hay hoàn thành mục tiêu được đặt ra.
Nhưng, nếu không cẩn thận, việc lạm dụng công cụ đó có thể sẽ trở thành bước lùi của họ. Việc toan tính, lên kế hoạch có thể là một con dao hai lưỡi cho quá trình tạo lập thói quen của bạn.
Theo James Clear, tác giả của cuốn sách “Thói quen ở cấp độ nguyên tử”, người sở hữu hơn 400.000 lượt theo dõi trên trang newsletter cá nhân, có ba ưu điểm của việc lập kế hoạch đối với tiến trình công việc của một người.
“Trước hết, việc lên kế hoạch giúp bạn định hình rõ hơn một thói quen hay một hành động. Bằng việc tính toán trước một vấn đề, bạn sẽ có được những kiến thức ban đầu về nó.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch cũng là một điểm cộng nếu bạn đã và đang trong tiến trình thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Khi đó, kế hoạch là công cụ theo dõi tiến độ công việc của bạn. Giả sử bạn đang tập chơi ghita, hãy đánh dấu X vào ngày bạn luyện tập; khi nhìn thấy thời gian luyện tập tăng lên, bạn sẽ cảm thấy có động lực lớn hơn để theo đuổi mục tiêu", ông nói.
Lợi ích thứ ba, theo Clear, là việc tính toán khiến quá trình theo đuổi mục tiêu trở nên thỏa mãn hơn: “Kế hoạch khiến cho bạn hài lòng kể cả khi đang phải thi hành công việc. Dù bạn vẫn chưa thể chơi hoàn chỉnh một bản nhạc, hay nói cách khác, bạn chưa chạm tới đích đến cuối cùng, bạn cũng không cần phải phiền lòng bởi bạn vẫn có thể tận hưởng cảm giác thư thái xuất phát từ những dấu X tiến độ ngày một nhiều”.
Nhưng, đây mới là vấn đề.
“Bây giờ, thách thức với chúng ta là Định luật Goodhart: Một kế hoạch sẽ không còn hiệu quả nếu nó trở thành mục tiêu. Nói theo cách khác, kế hoạch chỉ hữu dụng nếu nó cung cấp thông tin cần thiết hay chỉ đơn thuần là một cú hích giúp bạn tiến về mục tiêu lớn sau cùng của mình”, Clear chia sẻ.
Ông nói tiếp: “Nếu bạn chỉ chăm chăm tập trung vào kế hoạch, việc kinh doanh sẽ chẳng có gì ngoài những chỉ tiêu khô khan, hay việc giảm cân sẽ chỉ xoay quanh chiếc kim và những con số. Khi đó, bạn bắt đầu đánh mất những thứ thực sự có giá trị, ví dụ như sức khỏe bởi tất cả những gì bạn quan tâm đến lúc này chỉ là giảm cân điên cuồng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn quá tập trung vào tiểu tiết thay vì đại cục”.
“Tôi cho rằng đây là mặt trái của việc quá tâm huyết. Đôi khi quá tập trung vào kế hoạch đặt ra cũng khiến bạn lệch khỏi quỹ đạo đến với thành quả sau cùng”. Clear cũng đưa ra một minh chứng cụ thể: nếu bạn thường xuyên đo các chỉ số cân nặng và trở nên ám ảnh về nó, bạn sẽ đánh mất tính hiệu quả và các lợi ích mà kế hoạch giảm cân mang lại. Hơn nữa, nếu chỉ tập trung vào những ước toán ban đầu, bạn làm sao biết được còn có những phương pháp hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu?
Ví dụ như liệu pháp “giảm cân mà không thực sự giảm cân”, một phương pháp không lượng hóa hiệu quả bằng số cân nặng mà chỉ đơn giản bằng những thành tựu nhỏ như mặc vừa một chiếc quần đã chật hay da trở nên đẹp hơn”.
“Mục đích của việc lập kế hoạch là để theo dõi, để nhận được những tín hiệu cảm xúc báo rằng bạn đang đi đúng hướng, chỉ vậy thôi, không hơn không kém”.
“Đôi khi bạn theo sát tiến trình công việc của mình. Khi đó, hãy tự tìm những dấu hiệu cảm xúc cho thấy bạn đang tiến bộ từng ngày và đang đi trên đúng lộ trình đã vạch ra. Điểm mấu chốt là bạn cần phải cảm thấy hài lòng với hành động của mình và muốn lặp lại nó", Clear chia sẻ.
Minh Ngọc