Chuyên gia Nga sẽ đến Việt Nam phối hợp bàn giải pháp sửa cầu Thăng Long
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt năm 2007 và thi công năm 2009. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi sửa chữa, mặt bê tông nhựa cầu Thăng Long tiếp tục bị nứt.
Tại cuộc họp bàn phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu công trình sau khi tu sửa phải đảm bảo độ bền.
Phải đảm bảo độ bền trên 10 năm
Yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được đưa ra trong bối cảnh việc sửa chữa cầu Thăng Long đang gặp nhiều khó khăn, cầu có tuổi thọ lâu đời. Những đợt sửa chữa trong nhiều năm qua không khắc phục được triệt để các vết lún nứt.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc sửa chữa cầu lần này phải triệt để, bền vững, độ bền trên 10 năm. Những giải pháp đề xuất phải đảm bảo mục tiêu này mới được xem xét. Các đề xuất mang tính chất thử nghiệm sẽ không thực hiện.
Sau nhiều đợt tu sửa, mặt cầu Thăng Long vẫn bị trồi lún và nứt xẻ rãnh gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ảnh: Zing.
Để thực hiện yêu cầu trên, Bộ trưởng lưu ý các cơ quan tham mưu phải lựa chọn đơn vị thi công có uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép, đã có công trình, dự án chứng minh tính hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia Nga để nhờ tư vấn sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Dự kiến đoàn công tác của Nga sẽ sang Việt Nam làm việc từ ngày 17 đến 21/9/2019.
Bộ trưởng đồng ý chủ trương lập Dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và nhóm công tác của Bộ GTVT (gồm một thứ trưởng phụ trách, vụ trưởng các Vụ Khoa học công nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Cục trưởng Cục Đường sắt và một số chuyên gia) để chuẩn bị các nội dung trao đổi, làm việc với đối tác nước ngoài.
Theo TS Tô Giang Lam (Đại học GTVT), nếu không có giải pháp sửa chữa tổng thể thì hàng năm việc duy tu bảo dưỡng cầu Thăng Long rất khó khăn. Mặt khác, nếu sửa chữa mà không lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp cũng khó đảm bảo chất lượng, tuổi thọ và độ bền.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị phải nghiên cứu đánh giá tổng thể để đưa ra phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu. Sau khi có đánh giá, đề xuất sẽ đồng ý cho nghiên cứu, lập dự án theo hướng áp dụng công nghệ - chuyển giao công nghệ.
Tháng 1/2013, Bộ GTVT có quyết định chỉ dẫn kỹ thuật thi công khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của Mỹ (hãng HallBrother) và sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường Polyme.
Thế nhưng sau một thời gian, nhiều vị trí mặt cầu lại xuất hiện hư hỏng tương tự như lần trước.
Đến năm 2016, Đại học GTVT thí điểm sửa chữa bằng cách tưới lớp keo Epoxy dính bám trên bề mặt thép, sau đó cài đá dăm trên mặt lớp keo tạo nhám chống trượt. Đây là giải pháp gần giống thiết kế của Liên Xô. Sau đó, một lớp dính bám bằng nhựa nóng được tưới lên và thảm bê tông nhựa lên trên cùng.
Sau hơn một năm theo dõi, hiện tượng trượt, xô dồn bê tông nhựa đã không xuất hiện, song vết nứt nhỏ chạy song song dọc cầu vẫn xuất hiện.
Ông Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Báo giao thông.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, cầu Thăng Long được Liên Xô làm với công nghệ rất đặc biệt. Chẳng hạn như, công thức pha chế vật liệu dính bám hết sức cầu kỳ. Sau khi lắp ráp bản mặt cầu xong, các công nhân được yêu cầu phải về tận vùng Lập Thạch, Vĩnh Phú để lấy cát sạch trải xuống mặt dầm, rồi lại phải quét kỹ mới trải lớp nhựa keo epoxy. Tiếp theo là, trải lớp đá nhọn sắc cạnh để tạo độ dính bám, sau đó mới trải lớp bê tông nhựa dính bám, tạo lớp dính phía trên. Cuối cùng, công đoạn vô cùng quan trọng là kiểm tra lớp nhựa này kỹ lưỡng bằng cách bóc thử, khi nào không thể bóc được thì lúc đó mới cho trải lớp bê tông nhựa nóng.
Các chuyên gia cũng nhận định, tuổi thọ của lớp phủ mặt cầu khi Liên Xô xây dựng tối đa là 18 năm nhưng chính sự cầu kỳ đến từng chi tiết nên lớp nhựa mặt cầu mới có độ bền đến 24 năm mới bắt đầu sửa chữa.
Mời chuyên gia Nga phối hợp sửa chữa
Mới đây, tại cuộc họp diễn ra ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, cầu Thăng Long là cây cầu có tuổi thọ trên 30 năm, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước. Mặc dù đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Do vậy, việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa căn cơ cầu Thăng Long nói chung và mặt cầu nói riêng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành giao thông.
“Giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất là từ 10 năm trở lên. Những giải pháp đề xuất mang tính chất thử nghiệm sẽ không thực hiện. Các giải pháp không đáp ứng được yêu cầu trên, các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GTVT) phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam mời các chuyên gia, doanh nghiệp đã xây cầu của Nga sang trao đổi kinh nghiệm sửa chữa.
Trên cơ sở làm việc với chuyên gia Nga, Bộ GTVT sẽ xin Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư sửa chữa cầu Thăng Long tổng thể để đảm bảo mục tiêu sửa chữa xong bền vững trên 10 năm. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ đưa vào chương trình hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trao đổi về việc thực hiện chỉ đạo này của Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, các đơn vị phụ trách đã liên hệ với chuyên gia Nga và phía bạn cho biết sẽ cử đại diện đến Việt Nam làm việc từ ngày 17-21/9 để đưa ra giải pháp. Phía Nga cũng nêu vấn đề, nếu Việt Nam ứng dụng đề xuất của Nga, Việt Nam có thể tự thực hiện hoặc nhờ công ty của Nga.
Cây cầu lịch sử xuống cấp nghiêm trọng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh rằng cầu Thăng Long là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với thủ đô mà đối với cả đất nước. Khánh thành từ năm 1985, cầu Thăng Long suốt 33 năm qua là công trìnhgiao thông huyết mạch nối trung tâmHà Nộivới vùng ngoại thành và các tỉnh phía Bắc. Từ năm 2009, cầu trải qua cuộc đại tu đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng. |
N.H (t/h)