Chuyện chưa kể về người mẹ già nuôi 6 người con dại - Tuổi thơ dữ dội, ám ảnh chuyện anh, chị em chết đói
Mỗi con người, mỗi số phận. Trong xã hội này, hình như không biết thế nào mới là tận cùng của sự khó khăn, éo le. Bởi vì mỗi lúc chúng ta nhìn thấy một hoàn cảnh bi thương, đâu đó lại có những con người mà định mệnh đã ban cho họ một số phận còn cay đắng, nghiệt ngã hơn thế nhiều lần.
Hẳn độc giả vẫn chưa quên câu chuyện về gia đình bà Nguyễn Thị Lực - người mẹ già, năm nay đã 70 tuổi vẫn phải vất vả nuôi tất cả 6 người con bị bệnh tâm thần mà chúng tôi có dịp đề cập trong bài viết lần trước.
Đã có lúc, vì cuộc sống rơi vào tận đáy khổ cực, cay đắng, bà Lực thậm chí đã phải nghĩ đến phương án xấu nhất là liệu có nên cho các con ăn một bữa no rồi ru chúng ngủ một giấc mãi mãi. Bởi bà cho rằng, dù đớn đau nhưng đó có lẽ là lối thoát tốt nhất cho cuộc sống cơ cực hiện tại của họ.
Bà Nguyễn Thị Lực - người mẹ trong câu chuyện rơi nước mắt với ước nguyện cho các con ăn một bữa thật no rồi cùng chết.
Suy nghĩ xót xa ấy, chắc chắn đã đủ giúp người khác hình dung về bao nỗi khổ cực mà gia đình bà đang phải trải qua. Thế nhưng có lẽ khi đến tận nơi, trực tiếp trò chuyện với bà Lực, người ta mới hiểu rằng, hóa ra trên đời này, có những người phụ nữ mệnh khổ tới vậy. Họ vất vả từ khi sinh ra cho đến lúc xế chiều, một đời lao lực nhưng không thể kiếm ra tiền, cả đời vất vả vì con nhưng chúng không thể hiểu. 60 năm nuôi dưỡng, chăm sóc từng ngày... để rồi cuối cùng chỉ biết đau xót nhận ra rằng, 6 người con ấy, tất cả chỉ như những "cục thịt" di động, không biết bộc lộ cảm xúc.
"Tuổi thơ dữ dội" - Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, lớn lên ám ảnh vì anh chị em chết đói
Gia đình bà Lực vốn có 6 anh chị em. Bà là con gái út và là người thiếu thốn tình thương của cha nhiều nhất. Năm mẹ bà mang thai, bố bà vì mải miết đi làm dân công đắp đê mà bị cảm qua đời. Bà Lực sinh ra không được thấy mặt cha.
Có lẽ vì hiểu hoàn cảnh thực tại và hy vọng cô con gái nhỏ luôn mạnh mẽ, kiên cường, mẹ đã chọn cho bà một cái tên thật mạnh mẽ - Nguyễn Thị Lực.
6 người con của bà Lực - tất cả đều chỉ có lớn mà không có khôn.
Khi mới sinh ra, ai nấy đều khỏe mạnh, trắng trẻo.
Nhưng càng lớn, họ lại càng trở nên ngây dại.
Đến nỗi có người, bà Lực phải trói chân lại vì sợ con đi mất.
"Nhà tôi nghèo lắm, tôi mới lên 7 tuổi đã phải đi mò cua, bắt ốc. Có lần vì say nắng, ngất xỉu tưởng chết rồi. Thế mà vừa khỏe lại thì hết cấy gặt lại lội ao, mò cua cá để cải thiện bữa ăn gia đình", bà Lực kể.
Vất vả là thế nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đối với bà là chuyện các anh chị em khác trong nhà đã chết vì đói ăn. Gia đình có tất cả 6 người con, cuối cùng, chỉ có bà và một người anh trai đi qua nạn đói.
"Mẹ tôi vẫn kể mãi chuyện chị gái tôi đi mót mạ cùng mẹ, đến khi về nhà không có cơm ăn nên chị ấy ngất đi rồi không tỉnh lại được nữa. Mẹ tôi ân hận lắm, bà vẫn hay bảo, giá lúc ấy có bát cơm cho con ăn thì chắc nó đã không chết".
Bà Lực kể lại ký ức tuổi thơ cay đắng của mình.
Bố mất, anh chị em cũng còn lại ít người, vừa tròn 18 tuổi, chưa kịp cảm nhận quãng thời gian vui vẻ của tuổi xuân, mẹ bà Lực vội vã giục bà đi lấy chồng. Bà nói sức khỏe mình đã rất yếu, lo sợ nếu con gái không sớm yên bề gia thất, sẽ trở thành một đứa không cha, không mẹ, không ai dám cưới hỏi.
Nghe lời mẹ, bà Lực cũng sớm định ngày vu quy. Chồng bà cũng mồ côi mẹ từ năm lên 3 và phải sống chung với mẹ kế, chịu nhiều đắng cay, khổ cực.
Một người mất cha, một người mất mẹ, hai trái tim cùng có những nỗi đau đã thấu hiểu, yêu thương nhau. Có điều cuộc sống nghèo khó, chuyện miếng cơm, manh áo, một lần nữa tiếp tục đẩy họ rơi vào nỗi cay đắng cùng cực.
Bà Lực thắp nhang bên mộ chồng. Bà kể hồi ông mất, bà bị suy sụp đến nỗi phải nhập viện cấp cứu.
"Lấy chồng rồi tôi còn khổ hơn lúc còn ở với mẹ và anh trai. Có những ngày chồng đi công tác về, tôi phải quỳ xuống chân ông mà khóc rằng không thể vay nổi ở đâu 1 bát gạo. Thế là ông ấy tức tốc đạp xe từ Hà Nam về khu khai hoang ở Hạ Hòa, Phú Thọ, đào 1kg sắn non, chưa đến độ thu hoạch, đem về luộc cho các con ăn", bà Lực kể.
Biết bao lần chồng đi công tác xa, đi vài tiếng đồng hồ mới về tới nhà nhưng bà cũng chỉ biết đưa cho chồng bát cháo loãng mà an ủi "anh ăn đi cho mát", chứ không dám khóc rằng vì nhà hết gạo rồi và lo sợ mình cùng các con có khả năng chết đói.
61 năm nuôi con - bao đêm không ngủ vì những tiếng hú hét giữa đêm
Cay đắng lớn nhất trong đời bà Lực, có lẽ là sinh ra 6 người con bị bệnh tâm thần. Mỗi người con bị bệnh, khi sinh ra đều hồng hào, khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi, ít sài bẹn, quấy rức. Thậm chí có đứa, học đến cấp 2 vẫn thông minh nhanh nhẹn... nhưng rồi cũng trở nên ngây dại.
Những đứa con có vẻ ngoài của người lớn khỏe mạnh
Nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ.
Họ cả ngày cười nhưng lại không biết nói.
Và không biết tự chăm sóc cho bản thân.
Họ đều không thể nói được, nếu có đói hay khó chịu trong người thì chỉ biết quấy khóc như những đứa trẻ dù thực tế mỗi người, hầu hết đã qua ngũ tuần. Họ không thể tự làm bất cứ một công việc gì, kể cả mặc quần áo hay tắm gội, vệ sinh cá nhân. Sở thích của mỗi người rất khác nhau, có người hay đi lang thang, người lại ngủ li bì, tè dầm, ăn vụng thậm chí đập phá đồ đạc, nghịch bẩn, không phân biệt được đâu là đất đá, đâu là đồ chơi...
Vất vả nhất cho bà là những cô con gái đến ngày "đèn đỏ", việc chăm sóc vô cùng cực khổ. Đã vậy, nhiều lần tắm cho các con, bà Lực cũng mệt đến bở hơi tai vì phải vật lộn với chúng. Có lần, những người con còn xô ngã bà vì cảm thấy khó chịu.
Cậu con trai út là người khiến bà Lực phải lo lắng nhiều nhất.
"Con trai út là đứa làm tôi khổ tâm nhất. Đêm nào hầu như nó cũng tè dầm rồi cởi bỏ quần, áo, chạy lung tung khắp vườn nhà, vừa chạy vừa hú hét. Trời lạnh căm căm, tôi nghe tiếng nó là phải vội choàng dậy, vớ ngay bộ quần áo khô ráo, chạy ra mặc cho nó, kêu nó về nhà. Có hôm nó không nghe, hai mẹ con rượt nhau đến nỗi hàng xóm cũng biết".
Gia đình đông con, chồng lại hay đi công tác xa nên một mình bà Lực phải gồng gánh, cáng đáng toàn bộ chuyện gia đình. Bà làm gấp 5, gấp 10 người khác nhưng vẫn không thể kiếm nổi đồng ra đồng vào vì có bao nhiêu, chẳng đủ chi tiền thức ăn, thuốc men cho các con.
Tuổi cao như vậy nhưng tính ra, bà Lực mới chỉ mới ngưng việc đồng áng được 2-3 năm nay.
Khổ cực như vậy nhưng không phải ai cũng thương bà. Có lần bà vất vả nuôi được con lợn 40kg, đi làm đồng chưa đầy 1 tiếng đã có người đến bắt trộm. Nhà tuy đông người nhưng các con đều bị bệnh nên chẳng thể có bất cứ phản ứng gì. "Buối tối tôi nghe người ta mách nhóm bắt trộm lợn ấy đang mổ xẻ, chia nhau. Mình biết vậy nhưng không có bằng chứng nên chẳng thể làm gì, chỉ biết nhìn các con mà khóc thầm".
Bà nói mình tuy nghèo nhưng luôn ý thức về lòng tự trọng. Dù có lúc túng quẫn tới nỗi tưởng như sắp chết đói, bà cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ăn trộm, ăn cắp. "Cuộc đời có nhân quả mà, ai sống trái lương tâm thì trời phật sẽ tự khắc trừng phạt họ".
Trước khi mất, chồng bà dặn rằng hãy để những người con bị bệnh uống thuốc ngủ rồi đi theo ông. Vậy mà trải qua bao lần khó khăn đến điên dại, bà Lực vẫn không thể làm theo lời dặn ấy. "Ông ấy mất, tôi bị suy kiệt tới mức nhập viện. Tỉnh rồi, tôi đem lọ thuốc ngủ vứt đi". Bà tự hứa với bản thân sẽ nuôi các con tử tế, ngày nào mình còn sống, chúng nhất định còn sống.
"Có điều tôi giờ đã yếu quá, chẳng thể chăm lo cho chúng mãi được. Đôi khi nghĩ đến tương lai mà thấy lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng cuộc sống vẫn luôn tiếp tục, thôi thì sức tôi yếu, chỉ biết cố đến ngày nào, hay ngày đó", bà Lực nói thêm.
Tuyết Hạ