Chuỗi 3 phiên giảm khiến thị trường thất thoát hơn 20 điểm
Định vị thị trường
Giao dịch của các thị trường chứng khoán châu Á ít có đột biến với các chỉ số biến động trái chiều như NIKKEI 225 (+0,22%), KOSPI (+0,31%), TWSE (-0,39%), KSLE (-0,81%).
VN-Index thực tế cũng biến động không lớn nhưng thị trường đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp và lùi về ngay đường xu hướng tăng ngắn hạn (MA20).
Chất xúc tác
Nhà đầu tư nước ngoài sau 3 phiên liên tiếp giải ngân đã có động thái đảo chiều với quy mô rút trên HOSE đạt hơn 570 tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn như VHM (-230 tỷ đồng), VRE (-62,13 tỷ đồng), VNM (-54,15 tỷ đồng), HDB (-50 tỷ đồng), PLX (-49,25 tỷ đồng) đứng đầu trong danh sách bán.
Chuỗi 3 phiên mua ròng dừng lại. |
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trong giao dịch 2 chiều tại HOSE đã nâng lên 9,04% nhưng nguyên nhân thực tế đến từ việc nhà đầu tư trong nước đã hạn chế mua/bán. Quy mô khớp lệnh theo thống kê đã giảm tới gần 44% so với phiên bùng nổ thanh khoản ngày hôm qua.
Trên kênh tiền tệ, đà hạ nhiệt của lãi suất liên ngân hàng đang phản ánh trạng thái thanh khoản hệ thống đang được nới lỏng hơn. Ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất liên ngân hàng đã xuống còn 3,72%.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục có những phiên hút ròng trở lại. Thống kê trong ngày hôm qua, NHNN hút ròng 7.960,2 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 30.168,36 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Sau một phiên đưa nhà đầu tư lên "tàu lượn", thị trường chứa đựng nhiều hoài nghi hơn từ nhà đầu tư. Điều này được thể hiện trong những vận động lình xình trong phần lớn thời gian của phiên.
Tuy nhiên, vẫn có bất ngờ trong quãng thời gian 15 phút cuối phiên khi có những sức ép mạnh hơn từ các cổ phiếu lớn. Rổ VN30 có tổng cộng 22/30 mã giảm trong đó VNM (-2,6%), CTG (-1,7%), GVR (-1,8%), TCB (-1,2%) gây ra nhiều thất thoát về điểm số nhất.
Chỉ có 5 mã trong VN30 với thành tích không đáng kể bao gồm PLX (+1,6%), POW (+1,2%), GAS (+1,1%), MWG (+0,2%), FPT (+0,1%).
Dù vậy, có những điểm đáng chú ý về diễn biến của nhóm cổ phiếu Midcap và Penny. 2 chỉ số đại diện cho 2 nhóm này là VNMID (-0,41%), VNSML (-0,7%) đều giảm ít hơn so với VN30 (-0,76%) cho thấy số đông nhà đầu tư không bị hoảng loạn từ biến động của cổ phiếu lớn.
Có thể điểm qua một loạt các trường hợp chỉ dao động trong biên độ 1% như HCM (+0,33%), BSI (+0,79%), FPT (+0,07%), NKG (+0,46%), KDH (+0,13%), HDG (+0,18%), PDR (+0,97%), DXG (-0,96%), DGC (-0,96%), VCI (-0,82%), TCH (0%), GEX (0%), NVL (0%)…
Thậm chí, vẫn xuất hiện trường hợp cá biệt như HAG tăng 6,16% cùng với giá trị giao dịch đạt gần 200 tỷ đồng. Mới đây, HAG đã thông báo chậm thanh toán lãi trái phiếu gần 137 tỷ đồng, nâng tổng số gốc và lãi chậm thanh toán lên gần 4.500 tỷ đồng.
Nhìn chung, tâm lý chung vẫn còn khá vững vàng sau khi VN-Index giảm 7,5 điểm xuống 1.270,6 điểm (-0,59%). Thanh khoản toàn sàn đạt 610,7 triệu đơn vị, tương đương 13.734 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index kết phiên cùng với biên độ hẹp hơn chỉ số VN-Index, lần lượt giảm 0,29% và 0,34%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.700 tỷ đồng.