Chùm ảnh: Những công nhân miệt mài dưới lòng đất khi Sài Gòn chìm vào giấc ngủ
Đường Gò Dầu (quận Tân Phú) đang được thi công làm lại hệ thống cống nước để đảm bảo cho mùa mưa lũ sắp tới. Công nhân ở đây làm việc từ 20h. Đến khoảng 4h sáng hôm sau, tất cả phải được dọn dẹp chỉn chu để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Anh Đức (38 tuổi, quê ở Chợ Mới – An Giang) và đồng nghiệp đang tiến hành đào đường để lắp đặt các ống dẫn cáp ngầm. Anh Đức cho biết đã làm công nhân xây dựng được 10 năm. Ngày trước anh thi đỗ trường Cao Đẳng Sư Phạm An Giang nhưng do gia đình khó khăn nên không thể theo học, vì vậy anh đi làm mướn cho đến tận bây giờ.
Do làm đêm nên khối lượng công việc lớn, đến sáng lại phải dọn dẹp để trả lại mặt bằng sinh hoạt nên ai cũng tất bật làm để hoàn thành. Anh Đức cho biết thu nhập bình quân một ngày của anh vào khoảng 400 nghìn đồng nhưng không phải lúc nào công việc cũng có để làm. Có những khi ít việc ở nhà đến cả tháng.
Giống như anh Đức, Nhí (23 tuổi, quê Hậu Giang) đang đào vỉa hè để lắp đặt đường xuống cho hệ thống cáp ngầm. Nhí làm công nhân xây dựng đã gần 6 năm nay. "Ngày nào cũng thế này anh ạ, thu nhập cũng được mà đợt có đợt không. Khi nào không có làm thì đói" – Nhí chia sẻ.
Công cụ làm việc chỉ bao gồm một chiếc xẻng xúc, xà beng và một máy búa điện để phá đá, bê tông. Ngoài ra do điều kiện làm việc thường là buổi tối nên một đội sẽ được trang bị đèn pin để ưu tiên cho người đào ở dưới.
Với độ cao của hố khoảng 1m40 trở lên, những người thợ phải dùng búa điện phá lớp bê tông mặt xung quanh và dùng xẻng để đào sâu xuống dưới. Do hoạt động nặng và làm việc trong môi trường hố rất bí nên thường người thợ sẽ bị mất sức rất nhanh.
Đội của Nhí gồm 2 người, thay phiên nhau làm công việc vất vả nhất là đào, xúc đất. Ngoài ra cả hai cũng hỗ trợ nhau để đảm bảo về mặt kỹ thuật công trình cũng như xử lý các vấn đề phát sinh.
Anh Tâm (quê Kiên Giang) và nhóm thợ đang lắp đặt đường cống cho khu vực hẻm đường Ba Vân. Hàng ngày công việc của nhóm anh sẽ bắt đầu từ lúc 19h30 và kết thúc vào khoảng 3h sáng hôm sau. Do đang trong giai đoạn mùa mưa nên việc xử lý lắp đặt đường cống ngầm gặp nhiều khó khăn.
Vì là thợ chính nên anh Tâm phải trực tiếp làm việc dưới đường cống. Anh đóng vai trò là người đảm bảo cho việc lắp đặt, ghép nối các đoạn cống được hoàn tất. Vì đây là việc làm thủ công nên anh Tâm thường phải xuống dưới các đầu nối để kiểm tra cũng như căn chỉnh cho phù hợp để ghép nối.
Việc thực hiện ghép nối này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho anh Tâm. Khi thì đất hai bên sạt lở làm anh em bị trượt ngã hoặc không tránh kịp để đất vùi lên người, phải điều máy xúc để đổ đất thừa. Anh thường xuyên phải hoạt động ngay dưới hàm xúc nên chỉ với một sơ suất nhỏ thôi cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi anh Tâm đang lắp đặt cống thì ở trên, các anh em trong đội đang chuẩn bị trộn bê tông để đổ giữ cống, và san lấp trả lại mặt bằng để buổi sáng người dân sinh hoạt. Công việc này thường được các thành viên nhỏ tuổi trong đội thực hiện.
Khang (18 tuổi) đang dùng đèn pin kiểm tra bê tông trộn trong máy. Mới đi làm công nhân xây dựng được hơn 1 năm nay do hoàn cảnh gia đình, nhưng Khang cũng rất cố gắng và là một trong những người hỗ trợ rất tốt cho các anh em trong đội.
Chiếc bình giữ nhiệt đựng nước đá là một phần không thể thiếu của đội công nhân xây dựng. Nó gắn bó với đội cũng như chiếc xẻng hay máy khoan, máy xúc. Đến giờ nghỉ ngơi, tất cả anh em trong đội lại tụ tập để giải khát cũng như lấy lại sức tiếp tục cho công việc sắp tới.
Bữa cơm vội trên công trường vào lúc 12h đêm. Đây cũng là thời điểm mọi người nghỉ giữa giờ để lấy sức tiếp tục công việc đến sáng hôm sau. "Ngủ ngày làm đêm" nên giờ giấc sinh hoạt của những người công nhân xây dựng cũng bị đảo lộn khác với bình thường.
Một người công nhân đang tranh thủ ngủ trên chiếc thùng phuy đặt sẵn. Với họ, từng giây, từng phút có thể được nghỉ ngơi là vô cùng đáng quý. Vì vậy những người công nhân này tận dụng hết những cơ hội nhỏ bé như vậy. Đến sáng, cả đội giải tán và trở về phòng trọ để nghỉ ngơi rồi sẽ quay lại vào lúc 19h tối.
Huy Nguyễn