Chùa Tân Thanh - chốn tâm linh nơi cửa ngõ biên giới Việt - Trung
Đến cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự xuất hiện bề thế, uy nghi của chùa Tân Thanh nơi biên giới. Chùa Tân Thanh được xây dựng mới từ năm 2015 với diện tích 21ha từ nguồn kinh phí xã hội hóa do các Phật tử trong và ngoài nước quyên góp. Chùa gồm 3 khu: Điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần và điện thờ Đức Thánh Mẫu. So với các ngôi chùa ở Lạng Sơn, chùa Tân Thanh được xem là ngôi chùa lớn nhất về quy mô cũng như đặc biệt trong kiến trúc của chùa.
Từ xa nhìn lại, cổng chùa sừng sững với tam quan chồng diêm lợp ngói mũi hài, mái đao đầu rồng cong cong như ở các ngôi chùa Việt truyền thống. Chính giữa cổng tam quan là bảng tên của chùa Tân Thanh được viết theo lối viết thư pháp Việt độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa Việt. 4 câu đối cũng được viết bằng chữ Việt chạy dài từ trên xuống dưới hai bên cạnh 3 cánh cổng của tam quan. Từ cổng tam quan chùa nhìn vào, không gian rộng lớn của quần thể chùa chiền khiến người đến đây không khỏi choáng ngợp. Bên phía tay phải là đền thờ Quan Trấn Ải. Bên trong đền nổi bật với bức hoành phi là hai câu thơ bằng chữ Việt: “Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách/ Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” để tưởng nhớ công lao của bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng đất nơi biên ải và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Đi tiếp vào bên trong, đi qua một sảnh rộng lớn hai bên là hàng tùng La Hán. Tiếp đến là hai hàng tượng các vị La Hán, bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, mỗi vị là hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau của mỗi người như vui, buồn, hờn, giận... xếp thành hàng dài hai bên. Điện chính của chùa Tân Thanh được xây dựng tại vị trí đắc địa trên thế đất “long chầu hổ phục”, “sơn thủy hữu tình” với bên trái có núi hình rồng chầu, bên phải có núi hình voi phục, phía sau có thế núi như ngai rồng... Hai bên cửa chùa có hai hồ nước trong mát. Trung tâm sảnh của chùa được bài trí chiếu rồng bằng đá, chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn. Các bậc thang dẫn lên chùa đều được bài trí rồng chầu như trong một số chùa Việt truyền thống. Hai bên của chính điện là hai Điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Ban Tam Bảo của chùa rộng 1.300m2, được làm hoàn toàn từ gỗ lim, đục chạm tinh xảo, tượng Phật sơn son thếp vàng. Đặc biệt, chữ trên câu đối, hoành phi đều hoàn toàn là chữ thư pháp Việt. Có lẽ, đây là cách bài trí ít chùa nào tại Việt Nam có được. Bên cạnh đó, mỗi viên gạch xây chùa Tân Thanh đều khắc dòng chữ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cho thấy niềm tự hào, tự tôn của dân tộc được khẳng định trên từng viên gạch nơi tâm linh cột mốc chủ quyền.
Đến chiêm bái chùa, du khách đều nhận thấy nơi đây có rất nhiều điểm nhấn đặc biệt. Đặc biệt, từ kiến trúc thuần Việt đặc sắc, hài hòa với cảnh quan tổng thể, cách trang trí cảnh quan, cách bố trí các khu thờ tự, bài trí trong các điện thờ... Trong khuôn viên chùa có trên 100 pho tượng và gần 1.000 cây xanh các loại; trong đó khoảng 400 cây hoa đào. Những hình ảnh, màu sắc sống động, tươi sáng mang đến cảm giác thư thái cho du khách phương xa hành hương đến đây.
Được xây dựng trên địa thế cao, đứng ở bất kỳ nơi nào trong chùa đều có thể phóng tầm mắt nhìn sang nước bạn, thu hết cả giang sơn vào trong tầm mắt. Từ trên cao nhìn ngược xuống cổng tam quan, đất trời, núi non và con người dường như hòa làm một. Thoảng trong gió, tiếng chuông chùa vang vọng càng làm cho không gian trong chùa như an yên, mang đến cảm giác thư thái cho Phật tử.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó trưởng Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết: “ Chùa Tân Thanh được xây dựng nơi biên cương của Tổ quốc không chỉ là nơi thờ Phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Sự hiện diện của chùa cũng là thông điệp về sự chân thành, lòng từ bi theo tinh thần phật giáo, tình hữu nghị, cam kết cùng phát triển của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
Đến nay, chùa Tân Thanh đã trở thành một điểm đến tâm linh của Lạng Sơn bên cạnh Đền Mẫu Đồng Đăng. Với vẻ tráng lệ cùng kiến trúc thuần Việt, chùa Tân Thanh khiến cho du khách hành hương luôn muốn được ghé thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa nơi cửa ngõ biên giới Việt - Trung, dâng nén nhang cầu nguyện cho quốc thái dân an, gửi gắm ước nguyện biên cương bình yên, giàu mạnh.
Bộ Ngoại giao tiếng về thông tin căn cứ tên lửa của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng một căn cứ tên lửa đất- đối không ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng tây, gần biên giới Việt Nam.
|
Mùa xuân đặc biệt của người lính biên phòng nơi biên cương
Tết xa nhà, bám biên giới, bảo vệ biên cương vốn là nhiệm vụ, là “chuyện đã quen rồi” của cán bộ, chiến sỹ biên phòng mỗi độ xuân về. Nhưng Xuân Tân Sửu 2021 đối với các anh thực sự là một mùa xuân đặc biệt – cái đặc biệt không mong đợi bởi nó đến do sự hoành hành của đại dịch COVID-19…
|
Tết Hồ Sự Chà của dân tộc Hà Nhì nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào
Là một trong 19 cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, người Hà Nhì (thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ) sinh sống tại hơn 20 bản của 4 xã vùng biên gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Tết cổ truyền Hồ Sự Chà, mang đậm sắc thái không gian văn hóa phong phú, đa dạng, đặc trưng của dân tộc Hà Nhì.
|