Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Báo chí góp phần ngăn chặn người xu nịnh, chạy chọt, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...“
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 9.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm và trao giải báo chí diễn ra tối qua tại Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: Suốt 90 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng và phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là những chiến sĩ với trang giấy, cây bút là vũ khí góp phần đấu tranh và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, báo chí cách mạng đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Tuyên truyền đường lối của Đảng, vận động tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng đứng dậy đập tan ách đô hộ của phong kiến, đế quốc. Các nhà báo có mặt trên khắp chiến trường vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu trên chiến trường.
Vai trò và đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trong thời bình cổ vũ, phát hiện những nhân tố mới, thúc đẩy phong trào thi đua, lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền tổ quốc. Phản ánh những thành tựu, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, những kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Những bài phóng sự điều tra về những mô hình mới, những điển hình tiên tiến về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã làm nức lòng nhân dân cả nước, góp phần tạo nên những thành tựu trong 30 năm đổi mới của đất nước ta vừa qua.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao vai trò cùng những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong 90 năm qua. Nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo và cơ quan báo chí và những thành tựu mà báo chí nước nhà đã đạt được.
Ngày nay, tình hình khu vực và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, sự nghiệp đổi mới hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta cũng đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn thách thức.
Năm 2015, đất nước ta có nhiều ngày kỉ niệm lớn, Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Trong bối cảnh đó, báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Báo chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền góp phẩn củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ động viên toàn Đảng toàn dân thi đua yêu nước, bảo vệ công lý, các giá trị truyền thống tốt đẹp, phê phán lên án cái xấu.
Báo chí cũng là cầu nối của nhân dân với Đảng, cổ vũ nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và xã hội.
Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí năm 2015 là tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12, chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu báo chí "góp phần phát hiện, ngăn chặn những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái với cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người đấu tranh phê bình, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, nói không đi đôi với làm, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, lọt vào cấp ủy các cấp".
Đồng thời báo chí phải tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điều sai trái của các thế lực xấu, thù địch, Chủ tịch nước nhắc nhở.
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam có bề dày lịch sử 90 năm phát triển từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quóc sáng lập và xuất bản số báo Thanh Niên đầu tiên ngày 21.6.1925. Kể từ đó đến nay, báo chí đã không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng, số lượng nhằm tuyên truyền, cổ vũ các đường lối chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí đã khẳng định những truyền thống cách mạng nổi bật. Trước hết, đó là truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc.
Thứ 2, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn tiên phong nơi đầu sóng ngọn gió sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc theo con đường lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường trong khi đang làm nhiệm vụ. Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng, luôn có mặt tại các điểm nóng, các vùng đất xa xôi của Tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa hoặc hoặc lăn xả nơi vùng lũ lụt, nơi biên giới chống buôn lậu để cung cấp cho độc giả những tin tức, hình ảnh nóng hổi và kịp thời nhất.
Thứ 3, báo chí cách mạng VN luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đội ngũ nhà báo nước ta đã nhanh chóng trưởng thành về chính trị, nghiệp vụ, tiếp nối các thế hệ nhà báo đi trước. Thế hệ nhà báo ngày nay được đào tạo hệ thống cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, chủ động nắm bắt xu thế đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới.
Báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí cũng nhận thức rõ yếu kém, khuyết điểm và đang nỗ lực khắc phục để tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng tốt thể hiện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kĩ năng nghề nghiệp của nhà báo. Nhiều tác phẩm xuất sắc trong đó đã được lựa chọn để trao giải trong ngày kỉ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm báo chí luôn phải đề cao tính tư tưởng, chân thật, khoa học nhân văn và thẩm mỹ tạo sự đồng thận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Hội đồng giải BCQG đã làm việc công tâm và chuyên nghiệp. Hội đồng sơ thẩm đã chấm chọn 177 tác phẩm tiêu biểu trong số hàng nghìn tác phẩm gửi về dự giải để trình hội đồng chung khảo.
Hội đồng chung khảo đã chấm và quyết định trao 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích theo 11 loại giải ở cả 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử). Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất có nội dung tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, ứng dụng hiệu quả công nghệ làm báo tiên tiến vào quá trình tác nghiệp.
Triệu Quang-MTG