Chủ tịch EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng: Chúng tôi luôn cố gắng truyền tải điện ở mức tốt nhất
-Thưa ông, trước nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc năm 2023, trong khi các nguồn phát ở khu vực này chưa kịp bổ sung thì mọi hy vọng đều đổ dồn về hoạt động truyền tải nhằm giải tỏa công suất, vậy khả năng đáp ứng nhu cầu hiện ra sao?
-Thực tế thì công tác truyền tải là phải làm trước từ 2 đến 3 năm, chứ không thể rút ngắn thời gian được. Năm 2023 theo đánh giá là có nguy cơ thiếu điện, nhất là khi thời tiết rơi vào trạng thái cực đoan. Vì vậy EVNNPT cũng đang cố gắng thúc đẩy nhanh tiến độ một số dự án với mục đích có thể giảm tải phần nào áp lực cho miền Bắc, nếu xảy ra tình trạng thiếu điện.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng |
-Cụ thể là dự án nào, thưa ông?
-Với dự án lưới điện truyền tải giải toả công suất các công trình nguồn điện, ở miền Bắc là đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương – TBA 500kV Phố Nối; Dự án truyền tải công suất các nguồn thuỷ điện nhỏ, năng lượng tái tạo và mua điện từ Lào, tại miền Bắc là đường dây đấu nối TBA 220kV Bắc Quang; TBA 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì; đường dây 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ; đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum – Nông Cống. Tiếp theo là các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện như đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín. Tháng 2/2023 NPT cũng đã khởi công 1 số dự án khác…nói chung chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đóng điện các dự án có kế hoạch hoàn thành trong quý 1 và đầu quý 2 năm 2023 để đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng năm nay.
Áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia rất lớn khi bước vào mùa nắng nóng |
Năm 2023 này theo kế hoạch thì chỉ tiêu vốn đầu tư xây dựng của EVNNPT là 19.237 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng thuần là hơn 13.000 tỷ đồng. EVNNPT sẽ cố gắng thực hiện ở mức tốt nhất.
-Việc triển khai có khó khăn gì không, thưa ông?
-Có một số vướng mắc ví dụ như trong công tác giải phóng mặt bằng, thay đổi hướng tuyến đường dây, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên…mỗi một khía cạnh lại có khó khăn đặc thù khác nhau. Ví dụ như tuyến Nậm Sum – Nông Cống do vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với phần đường thi công. Hiện tại thì EVNNPT đang chờ Nghệ An và Thanh Hoá phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích đường tạm/thi công thuộc đất rừng tự nhiên.
Hay như TBA 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì thì còn 2 hộ dân không đồng ý đơn giá bồi thường, hay có dự án chỉ với phần móng cột cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng còn đường vào thì không cho…Kể ra thì nhiều nhưng cơ bản những khó khăn này đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
-Dự án đường dây 500kV thì sao, thưa ông?
-Đây là dự án trọng điểm mà EVNNPT đang triển khai để nâng cao năng lực truyền tải Bắc-Nam, cụ thể là các đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu – Thanh Hoá – Nam Định 1 – Phố Nối. Với đoạn Nam Định 1 - Phố Nối thì hiện đang trong giai đoạn lập và trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT). Đoạn tuyến 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu – Thanh Hoá thì đang trong giai đoạn trình duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Với đường dây 500kV Nam Định 1 – Thanh Hoá thì cũng đang lập và trình duyệt BCNCKT điều chỉnh cùng thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên theo đề nghị của Thanh Hoá thì mới đây chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát để lên phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến khi đường dây đi qua huyện Nga Sơn. Như tôi đã chia sẻ, mỗi lần điều chỉnh hướng tuyến là không chỉ ảnh hưởng về thời gian mà còn cả chi phí. Như ở dự án này khi thay đổi thì tổng đầu tư cũng đội lên khoảng 10 tỷ đồng.
-Để công tác truyền tải đáp ứng nhu cầu tốt hơn nữa, theo ông, cần hoàn thiện những điều kiện nào?
-Công việc của truyền tải về bản chất là xây dựng rồi vận hành lưới, đảm bảo an toàn, hạn chế sự cố và chống tổn thất điện năng ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép. Vì vậy, để các dự án truyền tải được đóng điện kịp thời, đảm bảo giải toả công suất và đưa điện đến các khu vực có phụ tải tăng trưởng cao đúng thời điểm căng thẳng thì rất cần sự thông suốt từ các bên liên quan. Ở đây là tiến độ phê duyệt của các cơ quan chức năng với các dự án, tiếp đến là sự vào cuộc của địa phương đối với những vấn đề như GPMB và những phát sinh khác…Khi tất cả được thông suốt, những vướng mắc được hạn chế thì tốc độ triển khai và hiệu quả các dự án truyền tải sẽ được nâng lên rất nhiều.
-Xin được hỏi ông thêm về một khía cạnh khác, việc số hoá hoạt động của EVNNPT dưới sự chỉ đạo của ông hiện đạt kết quả thế nào?
-Ở EVNNPT tôi có quan điểm rất rõ ràng, đã ứng dụng công nghệ thì phải hiệu quả và định lượng được, các đơn vị chức năng khi trình lên là phải rõ về lợi ích ra sao, giảm thiểu được bao nhiêu người làm…Còn việc định tính là của Hội đồng Thành viên. Vì vậy nhìn chung sau khi ứng dụng công nghệ thì mọi việc đều cho hiệu quả rất cụ thể.
-Trân trọng cảm ơn ông!