Cho vay tiêu dùng "được lòng" giới trẻ
Nắm bắt cơ hội nhờ vay tiêu dùng
Ngoài việc theo học năm 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyễn Thị Duyên đồng thời là quản trị viên của trang fanpage chính thức cho một cửa hàng đồ ăn nhanh. Do công việc phải tương tác thường xuyên trên facebook nên Duyên cần một chiếc điện thoại thông minh hiện đại và nhiều tính năng.
Sau khi cân nhắc và được bạn bè chia sẻ kinh nghiệm, Duyên quyết định mua một chiếc iPhone 7 với giá gần 20 triệu đồng bằng hình thức trả góp tại một siêu thị điện máy trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Cụ thể, Duyên phải trả trước 30% giá trị chiếc điện thoại (khoảng 6 triệu đồng), số tiền còn lại thanh toán theo hình thức vay trả góp trong vòng 1 năm, mỗi tháng Duyên phải trả hơn 1,4 triệu đồng cả gốc và lãi. Tính ra, số tiền trả góp này chỉ bằng 1/3 thu nhập hàng tháng mà Duyên nhận được từ việc làm thêm kể trên. Số tiền dư ra giúp Duyên trang trải toàn bộ sinh hoạt phí mà không phải phụ thuộc vào gia đình như trước đó.
Cho vay tiêu dùng được coi là "cứu cánh" đối với nhiều người
"Vay tiêu dùng giúp mình không bị bỏ lỡ cơ hội việc làm bởi đây là một công việc tốt, thu nhập ổn định mà thời gian rất linh hoạt, phù hợp với lịch học của mình".
Không riêng gì Duyên mà hàng triệu bạn trẻ khác cũng đang là đối tượng khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính. Cụ thể, theo báo cáo của Viện Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm khách hàng mục tiêu có quy mô khoảng 30 triệu người trong độ tuổi 20 - 50.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thủ tục cho vay linh hoạt, hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thậm chí chỉ mất chưa tới 15 phút là các nguyên nhân chính khiến loại hình cho vay này hấp dẫn khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, xu hướng tự lập sớm hơn, kết hợp với sự năng động trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác biệt trên thế giới... là động lực giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng hơn bao giờ hết.
Giới trẻ thường tìm đến cho vay tiêu dùng với nhu cầu tài chính nhỏ
Quả thực vậy, giới trẻ giờ đây mua điện thoại, máy tính, trang thiết bị điện tử,... không chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà còn sử dụng các sản phẩm này để hỗ trợ công việc và học tập. Nhiều sinh viên vay mua xe máy chạy thêm Uber, Grab... nhằm chủ động trang trải học phí, giảm lệ thuộc vào gia đình và từng bước chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau này.
"Cứu cánh" cho nhu cầu tài chính nhỏ
Thực tế cho thấy, nhu cầu tài chính "nhỏ" dưới 20 triệu đồng phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong đời sống và công việc không phải chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã có từ rất lâu.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, mỗi khi có nhu cầu vay vốn tín dụng với giá trị thấp, người dân sẽ tìm đến các kênh cung cấp vốn phi chính thức như vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí là tìm đến "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ" thì bây giờ, khi hành lang pháp lý cho hoạt động này đã tương đối đầy đủ, họ có thể mạnh dạn đến các công ty tài chính để ký kết các hợp đồng vay vốn hợp pháp với điều khoản rõ ràng và mức lãi suất hợp lý hơn.
Nhiều ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất rất thấp
"Nhiều người lo ngại lãi suất vay tiêu dùng cao nhưng nếu trả lãi và gốc đúng hạn, tìm hiểu kĩ các điều khoản trong hợp đồng và lựa chọn một công ty tài chính uy tín thì hoàn toàn có thể trút bỏ nỗi lo này. Thậm chí, chịu khó tìm hiểu hơn một chút thì có thể thấy hiện lãi suất cho vay còn rất hấp dẫn, chỉ khoảng 1,4-1,6% mỗi tháng, có nơi còn cho vay 0%"- một khách hàng đã tất toán khoản vay tiêu dùng cho hay.
Đặc biệt, sau khi Thông tư 43/2016 quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước ban hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 thì việc tiếp cận các loại hình dịch vụ này càng trở nên dễ dàng hơn nhờ các quy định bắt buộc công ty tài chính phải công khai các điều khoản, lãi suất cho vay, thậm chí cả quy định về nhắc nợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng ở mức cao nhất.
Đánh giá về xu hướng phát triển của thị trường này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, các công ty tài chính vẫn còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khi "chưa có các quy định cụ thể phân định ranh giới giữa các tổ chức tín dụng và công ty tài chính dưới dạng chuỗi hệ thống cầm đồ trong khi thủ tục thành lập và hoạt động của các công ty này khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều".
Khi các vấn đề pháp lý trên được giải quyết triệt để thì các công ty tài chính sẽ có cơ hội bước vào giai đoạn "bùng nổ" và thực sự trở thành kênh phân phối tín dụng tin dùng của đại bộ phận người dân, Luật sư Đức cho hay.
Theo Tiền Phong