ChildFund Pass It Back: Thay đổi nhận thức về giới từ sân bóng đến xã hội
Giải đấu bóng bầu dục lần này là sự kiện thể thao thường niên được tổ chức giữa mỗi mùa giải của chương trình ChildFund Pass It Back, thể thao vì sự phát triển sáng tạo do tổ chức ChildFund, Liên đoàn Bóng bầu dục Thế giới, Liên đoàn Bóng bầu dục Châu Á và tổ chức Women Win triển khai.
Các nữ vận động viên tham gia ChildFund Pass It Back ngày 28/10. Ảnh ChildFund Vietnam.
Giải bóng là một hoạt động bổ ích nhằm tạo ra một sân chơi thể thao có chất lượng, thúc đẩy việc thực hiện quyền vui chơi của trẻ em và thanh thiếu niên trong khu vực. Chương trình tập trung lồng ghép môn bóng bầu dục và kĩ năng sống dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại các cộng đồng chịu thiệt thòi tại Châu Á.
Tại Việt Nam, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương được ChildFund lựa chọn để triển khai ChildFund Pass It Back.
Trong mùa giải 2018, tổng cộng đã có 108 trận vòng bảng, 24 trận bán kết và chung kết được tổ chức với 70 đội tham gia đến từ 10 xã thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Các vận động viên là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 16 với 59% là nữ.
Bên cạnh các chương trình luyện tập chơi bóng Bầu dục, một phần quan trọng của ChildFund Pass It Back là các chương trình xây dựng kỹ năng.
Mùa giải năm nay hiện có 1.000 em đang được tiếp cận kiến thức về Sống lành mạnh (Sức khỏe sinh sản) và 500 em đang được học các bài học liên quan đến vấn đề Giới.
Khởi động tại Việt Nam từ năm 2015, ChildFund Pass It Back là chương trình thể thao vì sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương. Tại tỉnh Hòa Bình, trung bình mỗi năm có hơn 3.200 trẻ em và thanh thiếu niên được hưởng lợi từ chương trình.
Song song với các buổi tập, thi đấu bóng bầu dục, 2.100 bài học về kỹ năng sống đã được triển khai trong 8.400 giờ học, trang bị cho thanh thiếu niên kỹ năng lãnh đạo và kiến thức về nhiều lĩnh vực trong đó có bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, và phòng chống bạo lực.
Đặc biệt, tổng kết mùa giải 2017, chương trình ChildFund Pass It Back đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, có thể kể đến như sự cân bằng giữa tỉ lệ nam và nữ tham gia 50-50 (589 vận động viên nữ và 585 vận động viên nam).
Về mặt nhận thức, cũng đã có những cải thiện đáng kể: Hơn 80% vận động viên nam tham gia khảo sát đồng ý rằng tất cả mọi người đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng như nhau bất kể giới tính, tăng 12% so với kết quả khảo sát trước mùa giải.
ChildFund Pass It Back giúp thay đổi nhận thức của 80% nam thanh thiếu niên về bình đẳng giới. Ảnh ChildFund Vietnam.
Trong khi đó, các vận động viên nữ nhận ra mình sở hữu năng lực và thế mạnh để giải quyết các vấn đề cá nhân cũng như các vấn đề mà họ cảm thấy quan trọng. 60% số vận động viên nữ tham gia khảo sát không đồng tình với ý kiến “Khi tôi gặp phải một vấn đề, cách tốt nhất là chờ người khác tìm ra cách giải quyết”.
Các cá nhân trải nghiệm chương trình ChildFund Pass It Back cũng bộc lộ sự thay đổi thái độ đối với vấn đề vai trò giới trong cộng đồng, đặc biệt họ hiểu rõ hơn về việc mặc dù xã hội có thể gán cho họ những vai trò dựa trên giới tính, họ không nhất thiết phải đồng ý với những vai trò đó.
Liên minh ChildFund là một liên minh toàn cầu bao gồm các tổ chức phát triển quốc tế lấy trẻ em làm trọng tâm, đang hỗ trợ cho hơn 14 triệu trẻ em và gia đình tại hơn 60 quốc gia. ChildFund làm việc cùng trẻ em, gia đình và các tổ chức địa phương để mang đến sự thay đổi dài hạn, ứng phó với các trường hợp nhân đạo khẩn cấp và thúc đẩy quyền trẻ em. ChildFund triển khai các chương trình với mục tiêu cải thiện giáo dục, chăm sóc y tế và bảo vệ trẻ em.
ChildFund bắt đầu làm việc tại Việt Nam năm 1995, với các dự án được thực hiện ở các tỉnh miền núi phía bắc bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng và Hòa Bình, nơi người dân đa số thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, thường là nhóm yếu thế và bị xao lãng trong xã hội.
Phi Yến