Chiêm ngưỡng các hệ thống "pháo phòng không tự hành nội địa" của Việt Nam
Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng mẫu pháo tự hành bánh lốp nội địa, được tạo ra bằng cách tích hợp pháo xe kéo M101 cỡ 105 mm do Mỹ sản xuất lên thùng xe tải Ural-375D của Liên Xô.
Sang đến đầu năm nay, thế hệ tiếp theo của mẫu pháo này chính thức ra mắt. Thay đổi lớn nhất nằm ở việc khung cơ sở được sử dụng là loại Ural-432007-10 có tải trọng lớn hơn, nhờ vậy mà thùng xe bổ sung được giáp bảo vệ kíp chiến đấu, cũng như tăng cường súng máy NSV 12,7 mm để tự vệ trước máy bay cũng như bộ binh địch.
Thế hệ tiếp theo của pháo tự hành bánh lốp 105 mm do Việt Nam chế tạo
Sau thành công bước đầu, đã xuất hiện ý tưởng cho rằng Việt Nam có thể tận dụng thêm khung gầm xe kéo pháo bánh xích như ATS-59G hay xe tăng T-54/55 dư thừa để đưa lên đó các loại pháo cỡ nòng lớn hơn như M46 130 mm hay thậm chí là D20 152 mm.
Tuy vậy thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng từ hàng chục năm trước, các cán bộ kỹ thuật quân sự của Việt Nam đã hiện thực hóa đề xuất trên theo cách khác.
Tấm ảnh trưng bày trong Bảo tàng Binh chủng Tăng - Thiết giáp
Tại Bảo tàng Binh chủng Tăng - Thiết giáp có một bức ảnh rất đặc biệt, trong đó là 3 tổ hợp pháo phòng không tự hành đủ cỡ, được tạo ra bằng cách đưa pháo phòng không S-60 AZP cỡ 57 mm, 61-K cỡ 37 mm và ZU-23-2 cỡ 23 mm lên khung xe bánh xích (nhiều khả năng là khung gầm xe tăng T-34).
Việc tích hợp trên rõ ràng đã mang lại sức cơ động vượt trội cho các loại pháo phòng không xe kéo này, điều đặc biệt quan trọng khi phải đối đầu với lực lượng không quân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Đáng tiếc là thành tích chiến đấu của các tổ hợp pháo phòng không tự hành trên chưa thấy công bố.
Sau này khi được Liên Xô viện trợ thêm các hệ thống pháo phòng không tự hành chuyên nghiệp như ZSU-57-2 hay ZSU-23-4 mạnh hơn nhiều lần, có lẽ các tổ hợp pháo hoán cải trên đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sao Đỏ