Cháu rể ông Đặng Tiểu Bình bị đưa đi, Bắc Kinh muốn gì khi nói đến sự "man rợ và xấu xa"?
Giới "con ông cháu cha" Trung Quốc bị sờ gáy
Trong thông cáo mới nhất ngày 14/6, được đăng tải trên hàng loạt kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, tập đoàn An Bang cho biết Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngô Tiểu Huy "không thể giữ chức vì lý do cá nhân và đã ủy quyền cho các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn". An Bang khẳng định "tất cả tình hình kinh doanh của tập đoàn đều bình thường".
Thông tin đầu tiên về việc Ngô Tiểu Huy bị nhà chức trách Trung Quốc "đưa đi để phục vụ điều tra" được tờ Caijing đăng tải hôm 13/6, dẫn các nguồn tin ẩn danh, và bị xóa bỏ chỉ vài giờ sau đó.
Ngô là "ông lớn" mới nhất trong lĩnh vực công nghiệp tài chính Trung Quốc được cho là "bị tạm giữ để điều tra" trong chiến dịch của Bắc Kinh, mở màn sau vụ biến động thị trường chứng khoán nước này vào mùa hè năm 2015, quét sạch hàng nghìn tỉ nhân dân tệ khỏi túi tiền các nhà đầu tư nhỏ và chính phủ phải chi hàng trăm tỉ để cứu trợ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động cuộc điều tra quy mô lớn, sau này trở thành chiến dịch mở rộng nhằm "khui ra" âm mưu thông đồng giữa các nhà quản lý cấp cao, các thành viên gia đình của các tập đoàn khổng lồ và giới cầm quyền.
"Các nhà quản lý cấp cao trong ngành tài chính Trung Quốc thường có chỗ dựa [chính trị] quyền lực. Chiến dịch chống tham nhũng ở lĩnh vực này không đơn thuần là về tham ô, mà mục tiêu là giảm sự can thiệp của những kẻ đứng sau," ông Trang Đức Thủy - Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu xây dựng chính phủ trong sạch, thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc - nhận định.
"Nếu những 'chỗ dựa' này vẫn còn nhúng tay thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải tổ ngành tài chính cũng sẽ thất bại. Mối liên hệ với những nhân vật đó cần phải bị cắt bỏ để có thể sửa đổi lĩnh vực tài chính."
An Bang, tập đoàn bảo hiểm toàn cầu, là một trong những nhà đầu tư hùng mạnh nhất của Trung Quốc tại thị trường quốc tế.
Ông Ngô Tiểu Huy dự Diễn đàn phát triển Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, ngày 18/3/2017 (Ảnh: REUTERS/Thomas Peter)
Giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đấu, thuộc Viện công nghệ Bắc Kinh, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 14/6: "Vụ điều tra Ngô Tiểu Huy cho thấy chiến dịch chống tham nhũng không chỉ nhằm vào những đối tượng đi lên từ tầng lớp cơ bản, mà cả giới hậu duệ tinh hoa."
"Đây là cột mốc chứng minh chiến dịch 'đả hổ', đặc biệt là ở khu vực tài chính, đã bước vào giai đoạn mới," ông Hồ Tinh Đấu nói.
Tỉ phú Ngô Tiểu Huy đã kết hôn với cháu gái của cố lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người được gọi là "lãnh đạo hạt nhân" thế hệ thứ hai của nước này.
Giáo sư Hồ Tinh Đấu cho rằng chiến dịch sẽ tiếp tục nhằm vào "khu vực biến chất nhất" trong xã hội Trung Quốc.
Nhà chức trách bất mãn
Các tập đoàn khổng lồ trong ngành bảo hiểm Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi khi thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và tài sản ở nước ngoài bằng tiền của khách hàng.
Ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch, Bí thư đảng ủy Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC), đã chỉ trích đầu tư trên thị trường chứng khoán theo cách này. Ông Lưu lên án các công ty bảo hiểm hoạt động như vậy là "man rợ" và "xấu xa".
Một trong những thương vụ gây chú ý nhất chính là các tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc "xâu xé" quyền kiểm soát một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất, China Vanke. An Bang, Qianhai Life Insurance và Evergrande Life Insurance đã cùng tham gia cuộc đua vào cuối năm 2015.
Đầu năm 2017, Chủ tịch Diêu Chấn Hoa của Qianhai bị Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) cáo buộc vi phạm 6 quy định, cách chức và cấm kinh doanh bảo hiểm trong 10 năm.
Giáo sư tài chính Trần Chí Vũ từ Đại học Hồng Kông cho rằng các nhà quản lý đã bị choáng ngợp bởi sự bành trướng hung hăng của An Bang trong vài năm gần đây.
"Nhà chức trách bối rối giữa lựa chọn xử lý những vụ mua lại căn cứ vào các điều luật sẵn có hay [nhắm mắt cho qua] bởi bối cảnh đặc biệt của công ty này," ông Trần nói, đề cập mối liên hệ giữa Ngô Tiểu Huy và gia tộc Đặng Tiểu Bình.
Dưới sự lãnh đạo và bối cảnh lớn của Ngô Tiểu Huy, An Bang đã tăng trưởng hơn 100 lần trong vòng một thập kỷ qua, với tổng tài sản ước định khoảng 2.200 tỉ tệ (323.59 tỉ USD) tính đến cuối năm 2016.
Công ty đã theo đuổi nhiều thương vụ mua lại ở cả trong và ngoài nước, như Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc, Ngân hàng Delta Lloyd ở Bỉ hay khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria ở New York.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bloomberg ghi nhận đề xuất góp vốn sẽ đưa An Bang và Kushner Cos, công ty của gia đình Jared Kushner - con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump, trở thành đối tác đầu tư vào tòa nhà văn phòng ở số 666 Fifth Avenue, New York.
Ông Vương Kỳ Sơn (thứ hai từ trái) đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng, là người có thời gian dài công tác trong ngành tài chính và phụ trách lĩnh vực này khi làm Phó thủ tướng (Ảnh: Xinhua)
Mở đường cho chiến dịch lớn hơn
Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng có thời gian dài công tác trong ngành tài chính và dẫn dắt xử lý nhiều vấn đề tài chính khi ông làm Phó thủ tướng từ năm 2008 đến 2013.
Nhưng ngay cả với bề dày kinh nghiệm như thế, ông cũng chỉ có thể "đụng" tới khu vực tài chính sau khi chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" đã xử lý hàng loạt quan chức cấp cao và các chóp bu quân đội, kể cả 1 cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc là Chu Vĩnh Khang.
"Sẽ mất nhiều thời gian để dẹp bỏ nạn tham nhũng trong ngành tài chính bởi các lợi ích trong đó quá lớn," ông Trang Đức Thủy nói. "Không dễ động vào lợi ích thâm căn cố đế của giới hậu duệ tinh hoa."
SCMP cho hay, hơn 40 quan chức quản lý giám sát tài chính đã bị điều tra trong hành động gần đây nhất của Bắc Kinh, bao gồm một số lãnh đạo ngân hàng, các nhà giám sát bảo hiểm và chứng khoán. Phó chủ tịch CSRC Diêu Cương cùng trợ lý chủ tịch Trương Dục Quân bị buộc tội tham nhũng vào năm 2015.
Dương Gia Tài, trợ lý chủ tịch của Ủy ban quản lý giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cũng bị điều tra tham nhũng vào tháng 5 vừa qua. Trước đó 1 tháng, Hạng Tuấn Ba - người đứng đầu CIRC - đã bị tạm giữ để điều tra, cơ quan này đến nay vẫn chưa có người mới ngồi vào "ghế nóng".
Bên cạnh chiến dịch trấn áp quy mô lớn và ngăn chặn làm trái quy định trong ngành tài chính, giáo sư Trần Chí Vũ cho rằng Bắc Kinh còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục hệ thống quản lý giám sát ở Trung Quốc.
"Vẫn còn rất nhiều khoảng trống để cải thiện các quy định về tài chính, bao gồm chất lượng của doanh nghiệp niêm yết và hệ thống hủy bỏ niêm yết," ông Trần nói.
Học giả Trang Đức Thủy gọi trường hợp An Bang là một lời cảnh báo đối với toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Ông kỳ vọng chính phủ tiến hành một cuộc đại tu trong ngành sau khi bộ máy chính trị được ổn định tại Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ, tổ chức vào mùa thu năm nay.
"[Nhà chức trách] cần phải bảo đảm ổn định trước Đại hội 19. Xử lý trường hợp An Bang có thể mở đường cho nhiều vụ tương tự sau Đại hội," ông Trang nói.
"Sẽ có tái cơ cấu quyền lực ở Đại hội theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc chống tham nhũng trong ngành tài chính."
Hải Võ