Chánh án Tòa tối cao: Chỉnh đốn oan sai ‘rải rác nhiệm kỳ trước’
Tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm của TAND được tổ chức tại Đà Nẵng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình (ảnh) nhấn mạnh: “Nhiều vấn đề đặt ra phải giải quyết và thậm chí phải giải quyết đến nhiều năm sau. Trong đó tập trung vấn đề trọng tâm là đạt được các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đặc biệt là vấn đề oan sai, đã có nghị quyết chuyên về chống oan sai mà chúng ta là khâu quyết định cuối cùng. Chúng ta chỉnh đốn oan sai rải rác nhiệm kỳ trước nhưng đến bây giờ chúng ta phải xử lý”.
Ông Bình dẫn dụ: “Tôi nói vụ quán cà phê Xin Chào; may mà mình phát hiện sớm và chỉ đạo quyết liệt trả lại chứ không anh em (TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM) còn hai ngày nữa là mở phiên tòa; ngày hôm sau tuyên cái là dính chưởng ngay. Tôi đã yêu cầu phải kiểm tra lại hồ sơ vụ Xin Chào chứ không là mình không thoát ra được”.
Nhắc tới oan sai, ông Bình nói tiếp vụ ông Huỳnh Văn Nén: “Vừa rồi tôi cũng đi giải quyết vụ việc ông Huỳnh Văn Nén. Vụ việc đã xảy ra mười mấy năm rồi, không liên quan gì đến chúng ta lắm nhưng vẫn phải làm, rất nhiều việc mà phải giải quyết, ê chề lắm… Có những vụ việc có trong luật rồi mà anh em vẫn lúng túng. Trách nhiệm lãnh đạo TAND tối cao trong vụ ông Nén là rất cao và chỉ đạo rất quyết liệt vụ này. Mong đồng chí chánh án mới của TAND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm trong việc này”.
“Và chúng ta cũng đặc biệt chú ý không nên để xảy ra oan sai nữa”, Chánh án TAND tối cao nói với toàn ngành.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc xử lý đền bù cho ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Trong vụ ông Nén rất nhiều vấn đề và chúng tôi đã chỉ đạo giải quyết triệt để, đúng luật và rất khẩn trương, rất trách nhiệm nhưng không thể vượt qua luật được; đặc biệt là đối với cơ quan pháp luật như tòa án. Nhưng cái gì có thể vận dụng có lợi cho dân thì vận dụng, nguyên tắc là thế”.
Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó chánh án Thường trực TAND tối cao cho biết thêm: “Vụ ông Nén TAND tối cao đã có cuộc họp chỉ đạo xử lý với TAND tỉnh Bình Thuận vào ngày 1.5 do đồng chí Trương Hòa Bình chủ trì. Về nguyên tắc là phải làm theo luật. Tuy nhiên trong thực tiễn không hoàn toàn máy móc. Ví dụ bồi thường về mức thu nhập hay tổn thất tinh thần thì đã có quy định của pháp luật và đã có hướng dẫn. Còn các chi phí thực tế khác như tiền thuê luật sư, tiền khám chữa bệnh, tiền thăm nuôi… phải căn cứ thực tế họ chứng minh. Nếu không chứng minh được thì tòa án phải đi xác minh ví dụ đến trại tra sổ thăm nuôi, qua các xác minh ở xã để chứng tỏ người ta khai có cơ sở. Nếu không có cơ sở thì không thể lấy tiền nhà nước được”.
Trả lời câu hỏi về thời hạn bao lâu sẽ tiến hành xong các thủ tục để tiến hành đền bù cho ông Nén, Phó chánh án Thường trực TAND tối cao cho biết: “Chúng tôi yêu cầu làm trong thời gian sớm nhất”.
Nhấn mạnh trong hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm của TAND, Chánh án TAND tối cao lưu ý toàn ngành: “Cái mới bao trùm của hiến pháp và các đạo luật về tư pháp là gì? Một là đề cao và tôn trọng quyền công dân. Thứ hai là tăng cường việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và trong nội bộ hệ thống. Thứ ba là phân định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng rất rõ, các chức danh tiến hành tố tụng. Bây giờ trao thẩm quyền là trao trách nhiệm. Quyền to thì trách nhiệm càng to. Chúng ta nhiều quyền lắm các đồng chí ạ. Thế mà chúng ta không kiểm soát, không làm nghiêm thì hậu quả không tốt sẽ xảy ra”.
Theo MTG