Cậu bé bán rong người Campuchia nói 16 thứ tiếng và câu chuyện đổi đời nhờ mạng xã hội
Salik (trái) cùng mẹ và em trai hàng ngày bán rong đồ lưu niệm cho khách du lịch quanh đền Ta Prohm. |
Theo Channel News Asia, "cậu bé bán rong nói 16 thứ tiếng" là cách mọi người gọi Thuch Salik (14 tuổi, đến từ Campuchia).
Đúng như biệt danh, cậu bé có khả năng nói 16 ngôn ngữ gồm Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Khmer, Anh, Tagalog, Mã Lai, 3 thứ tiếng địa phương của Trung Quốc (Quan Thoại, Quảng Đông, Hải Nam), Nga, Thái, Việt, Hàn, Nhật.
Tài năng của Salik có lẽ vẫn sẽ chỉ giúp cậu bán được thêm vài món đồ lưu niệm cho du khách quanh ngôi đền Ta Prohm (Siem Reap, Campuchia), nếu như không được blogger du lịch Venus Goon phát hiện và quay clip đưa lên mạng xã hội vào tháng 11/2018.
Sức mạnh của mạng xã hội đã giúp Salik và gia đình "đổi đời sau một đêm", và cũng mở những trang tươi sáng tới bất ngờ, như câu chuyện của các bạn trẻ dưới đây.
Đổi đời nhờ bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội
Mạng xã hội luôn nhanh chóng và thức thời. Buổi sáng, dư luận còn xôn xao về mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ trong thang máy, buổi chiều, hình ảnh ngôi chùa Ba Vàng và những phát ngôn của "cô Yến" đã gây tranh cãi.
Sở dĩ mạng xã hội "quyền lực" đến thế nhờ là những nút like, tag, share có ở mỗi bài đăng. Chủ nhân của các nút đó, không ai khác là cư dân mạng.
Internet mang tới phiền toái cho nhiều người, nhưng cũng giúp cuộc đời của nhiều "hiện tượng" trở nên hạnh phúc hơn.
Chỉ sau một đêm, Salik từ cậu bé bán rong nghèo khó bỗng "nổi như cồn" trong cộng đồng mạng châu Á với biệt danh "thần đồng ngôn ngữ".
Gia đình Salik được mời xuất hiện trên sóng truyền hình Campuchia, sang Trung Quốc du lịch và thử giọng để có cơ hội tham gia khóa đào tạo ca sĩ.
Nhiều doanh nhân và tổ chức trao tặng gia đình nam sinh hàng nghìn USD, xe đạp, đồ chơi mới, cũng như cam kết hỗ trợ giáo dục cho cậu bé và em trai đến khi tốt nghiệp đại học.
Trước Thuch Salik, nhiều bạn trẻ cũng bước từ nghèo khó sang cuộc đời tươi sáng nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội.
Vương Phú Mãn (9 tuổi ở Vân Nam, Trung Quốc). |
Cậu bé nghèo hiếu học Vương Phú Mãn (9 tuổi ở Vân Nam, Trung Quốc) từng nổi tiếng trên mạng với bức ảnh mái tóc đóng băng trắng xóa do đi bộ 5 km dưới thời tiết lạnh âm 9 độ C để đến trường làm bài thi vào đầu năm 2018.
Trong vòng chưa đến một tuần, hơn 17 triệu nhân dân tệ được các nhà hảo tâm quyên góp, gửi đến Vương Phú Mãn và ngôi trường em theo học. Bên cạnh đó, trường em được lắp hệ thống sưởi, học sinh nhận quần áo, tiền trợ cấp.
Trải qua biến động khi chuyển đến trường mới rồi lại phải trở về trường cũ, Phú Mãn cuối cùng được yên tâm học tập khi gia đình em được hỗ trợ để xây nhà cạnh trường. Một công ty địa phương cũng tạo công ăn việc làm cho cha Mãn để ông có thể lo cho các con cuộc sống tốt hơn.
Sự nổi tiếng trên mạng xã hội còn mang đến điều tốt đẹp cho nhiều bạn trẻ khác. Ví như hiện tượng ảnh chế "cậu bé thành công" hay Success Kid (tên thật là Sammy Griner) đã kêu gọi được gần 100.000 USD cho ca ghép thận của cha mình vào năm 2016.
Jake Amo (8 tuổi, đến từ Ghana). |
Hay Jake Amo (8 tuổi, đến từ Ghana) - cậu bé "gây bão mạng" năm 2016 với khoảnh khắc chăm chú học bài - được nhiều cá nhân, tổ chức quyên góp tiền cho quỹ học bổng mang tên cậu bé, sau khi thầy giáo em đăng lời kêu gọi giúp đỡ trên mạng.
Số tiền quyên góp không chỉ giúp Amo, mà còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Ghana được đến trường.
"Cậu bé chăm chỉ" Jake Amo (Ghana), "cậu bé tóc băng" Vương Phú Mãn (Vân Nam, Trung Quốc), "Success Kid" Sammy Griner (Mỹ) đều là những "hiện tượng" nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. |
Share để lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp
Những người như Thuch Salik, Vương Phú Mãn, Success Kid, Jake Amo được gọi chung là "hiện tượng mạng" (Internet phenomenon) - có nghĩa chỉ nhân vật bình thường bỗng nổi lên trong cộng đồng nhờ sức lan truyền mạnh mẽ của truyền thông.
"Hiện tượng mạng" không chỉ là những con người có câu chuyện đặc biệt và cần giúp đỡ như họ, mà cũng có thể là những cá nhân không xinh đẹp, không tài năng, đôi khi có hành động kỳ dị hay phát ngôn gây "sốc" để thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Những nút like, tag và share có thể giúp các trường hợp khó khăn đổi đời, thì cũng có thể giúp ai chỉ cần "câu view", "kiếm fame" đạt được mục đích.
Theo nghiên cứu của New York Times Consumer Insight Group, những động lực để con người chia sẻ thông tin trên mạng xã hội gồm mong muốn lan tỏa nội dung có giá trị cho người khác, khẳng định bản thân, phát triển và nuôi dưỡng các mối quan hệ, thu nạp thông tin về các thương hiệu, chỉ ra những điều họ thích và ủng hộ.
Trong đó, đến 94% trong số lựa chọn của người tham gia khảo sát chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nhằm lan tỏa thông tin giá trị cho người khác.
Nút share sẽ rất có ích và tạo ra sức mạnh to lớn, giúp đổi thay cuộc đời của nhiều số phận khốn khổ nếu được sử dụng đúng, không để cổ xúy cho những "hot face" lắm tài nhiều tật luôn cố tình làm lố để được nổi tiếng hay những câu chuyện tiêu cực.
Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời với nhiều người. Chúng ta không chỉ nên tỉnh táo và cẩn trọng khi bước vào "thế giới ảo" vốn luôn tồn tại nhiều điều thật giả lẫn lộn này, mà còn cần cân bằng nó với cuộc sống hàng ngày.
Nhà tâm lý học Stephanie Lau đưa ra 5 lời khuyên về cách sử dụng mạng xã hội. Đầu tiên là ngừng tiếp xúc với thiết bị công nghệ ít nhất một tiếng trước khi đi ngủ. Thử hạn chế sử dụng mạng xã hội trong suốt cả ngày.
Nếu có con, hãy theo dõi nội dung chúng truy cập trên mạng xã hội. Giới hạn số lượng mạng xã hội cần sử dụng đến mức thấp nhất. Và cuối cùng, nếu không biết rõ về ai đó, không bắt buộc phải theo dõi họ trên mạng.
Vẫn chiếc smartphone (điện thoại thông minh) nhỏ bé trên tay, vẫn đưa lên mạng xã hội hình ảnh và câu chuyện, biết đâu một ngày bạn sẽ khiến một đứa trẻ được đến trường, giúp đỡ một số phận, hoặc tạo ra những điều kỳ diệu, mà chính bạn, hay bất cứ ai, cũng không thể đoán trước được./.