Canh tân nước Việt - Kỳ 1: Nguyễn Trường Tộ mở lối canh tân
Về con người Nguyễn Trường Tộ, chỉ xin điểm qua vài dòng, còn quan trọng hơn cả là con người ông cùng những đề xuất canh tân, đổi mới, vị trí của ông với lịch sử nước nhà.
Giữa thời nước Việt bị Tây xâm
Ghi chép về Nguyễn Trường Tộ, trong "Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954)" đã xếp ông vào thế hệ trí thức đầu tiên, tức thế hệ 1862 (so với hai thế hệ sau của năm 1907, 1925) và có ghi chép tóm lược: "Họ và tên: Nguyễn Trường Tộ. Năm sinh, mất: 1828 - 1871. Nơi sinh: Hưng Nguyên, Nghệ An. Nguồn gốc xuất thân: Sĩ phu, Công giáo. Trình độ học vấn: Học chữ Hán, không thi. Nghề nghiệp, chức vụ: Dạy học; cố vấn xu hướng cải cách".
Nguyễn Trường Tộ.
Xem qua tạp chí "Văn đàn" số 4, ra tháng 11/1961, số đặc biệt "Nguyễn Trường Tộ: Kỷ niệm cửu thập chu niên húy nhật của tiên sinh", Nguyễn Bá Thế đã có bài "Tiểu sử chí sĩ Nguyễn Trường Tộ". Theo đó, làngười thôn Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên(Nghệ An)Nguyễn Trường Tộ được sinh ra trong gia đình Công giáo, cha là nhà Đông y Nguyễn Quốc Thư và là người khai tâm học chữ Hán cho Tộ. Sau chú bé còn được theo học với những thầy giỏi trong vùng như cống sinh Hựu, thầy huyện Địa Linh,...
Điểm đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ chỉ một lần dự kỳ thi khảo, còn lại suốt cuộc đời, gánh nặng thi cử không bao giờ bị đặt lên vai. Nên nhớ dạo ấy, khoa cử Nho học vừa là áp lực, cũng là hấp lực đối với mọi Nho sĩ nước Việt. Đậu là đổi phận, nhưng với Nguyễn Trường Tộ lại không hề màng tới con đường công danh theo lối từ chương ấy. Có lẽ bởi thế mà sau này, đời mới có một nhà canh tân tiên phong.
Nguyễn Trường Tộ làm nghề gõ đầu trẻ, dạy học cho một trường dòng gần nhà thờ Tân Ấp thời gian năm Mậu Ngọ (1858). Theo GS. Trịnh Văn Thảo, trong thời gian đó, thầy Tộ đã đưa Pháp ngữ và chữ Quốc ngữ mà giảng dạy cho học trò. Quan điểm này của GS. Thảo không biết được lấy từ tài liệu nàonhưng có sự thực là, cơ duyên hướng đến trời Tây lại từ chính nơi đây.
Du Tây học hỏi
Ở nhà thờ Tân Ấp, Giám mục người Pháp là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) thấy ông thông minh, bèn dạy Pháp ngữ cùng khoa học phổ thông cho ông và chỉ hai năm sau, kiến thức chàng trai tiếp thu được cũng đã tương đối. Lúc ấy, Nguyễn Trường Tộ 31 xuân xanh, ở cái tuổi lập thân, lập nghiệp.Qua cầu nối Giám mục Gauthier, khi vị giám mục này về Tây, năm 1860, Nguyễn Trường Tộ đã sang châu Âu du học. Còn TS. Trương Bá Cần trong "Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo" cho rằng Nguyễn Trường Tộ lưu lại ở trời Tây là ở lần đi thứ hai vào năm 1867.
Vua Tự Đức tiếp nhận điều trần của Nguyễn Trường Tộ với thái độ dè dặt.
Với những điều mắt thấy tai nghe, những trải nghiệm thực tế ở vùng đất xa lạ, khác toàn diện từ ngôn ngữ tới văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật so với cố quốc lạc hậu, bó mình cả nghìn năm trong tư tưởng Khổng Mạnh trọng đạo lý mà xa rời thực tế,Nguyễn Trường Tộ đã không ngừng học hỏi những điều mới lạ, phát triển của nước người.
Vốn từ một nước phương Đông xa xôi, lạc hậu so với phương Tây dạo ấy đã tiến hành cách mạng công nghiệp, như miêu tả của Từ Ngọc Nguyễn Lân trong tác phẩm "Nguyễn Trường Tộ" viết gần như sớm nhất và hệ thống về danh nhân họ Nguyễn, chàng thanh niên làng Bùi Chu qua Vatican yết kiến Giáo hoàng, rồi đến đất Paris hoa lệ vàlưu ngụ nơi đây mà học tập. Sự phát triển của người Tây làm cho Nguyễn Trường Tộ choáng váng lúc ban đầu, rồi như lời ông tâm sự:"Về học vấn thì món gì tôi cũng để ý đến: trên là thiên văn cao xa, dưới là địa lý sâu sắc, giữa là nhân sự phiền phức, cho đến luật lịch binh thư, bách nghệ, cách trí, thuật số, đều là nghiên cứu đến nơi cả". Không chỉ học nơi sách vở, chàng thanh niên da vàng còn đi vào thực tế, nào xem xưởng máy, nào ưa thực dụng,...
Và sau lần "Tây hành" ấy, dù là một giáo dân, mà lúc ấy đạo Công giáo bị triều đình để ý lắm vì cho là thông đồng với Tây, nhưng trên hết là trách nhiệm của kẻ sĩ với vận nước, Nguyễn Trường Tộ vượt lên những định kiến về tôn giáo, tư tưởng, để từ đó, ngày càng nhiều những thỉnh nguyện thư -mà ta quen gọi bản điều trần- được họ Nguyễn viết, gửi lên vua Tự Đức. Bởi,ông thấy rằng trong khi vua quan ta vẫn bo bo với đạo lý Khổng Mạnh mà xa rời thực tế, thì thế giới đã phát triển vượt xa biết bao nhiêu rồi. Thực lực không có, thì nói chi đến thắng được người?
Người khởi xướng canh tân
Về những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ, trong chuyên luận "Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo", TS. Trương Bá Cần đã có nghiên cứu công phu, cũng như sưu tầm khá đầy đủ hơn 60 bản điều trần của ông. Bạn đọc có thể tham khảo, tìm hiểu qua tài liệu giá trị ấy để được tường tận hơn những đề xuất của ông.
Tu Viện Thánh Phaolo, số 4 Tôn Đức Thắng, Quân 1, Sài Gòn do Nguyễn Trường Tộ thiết kế.
Khác với nhiều người cùng thời nhắm mắt chối bỏ sự tiến bộ của phương Tây, Nguyễn Trường Tộ chủ động tiếp nhận tiến bộ của người qua lăng kính của một Nho sĩ, vẫn biện luận lịch sử theo Kinh Dịch. Ông cho rằng Việt Nam thất bại trước Pháp, ấy là theo thuyết địa chính trị âm dương. Ông cũng nhìn sự xoay vần lịch sử, thực lực các nước lớn trên thế giới rất thực tế.
Theo ông, trước sức mạnh của phương Tây, chẳng nên đem sức tàn của mình đối địch như trứng chọi đá, mà phải đổi mới, cơ cấu lại để làm cho mình mạnh lên chứ không nên bảo thủ. Điều ấy thể hiện rõ trong "Tế cấp bát điều",có đoạn: "người sáng suốt không nhìn lại phía sau, mà trước hết cần quan tâm đến tương lai".
Trên hết, trong quan điểm của họ Nguyễn, cần cải tổ sâu sắc nhà nước và các thiết chế; trong đó,phải đổi mới giáo dục, tăng cường các môn khoa học, khích lệ óc phê phán. Những lĩnh vực kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học ứng dụng, nghệ thuật quan sự,... đều được ông quan tâm và có đề xuất lên triều đình qua các bản điều trần.
Nhận định về những đề xuất của vị sĩ phu Công giáo, GS. Trịnh Văn Thảo cho rằng với sự dung hòa Đông- Tây, "Nguyễn Trường Tộ có thể được xem là người khởi xướng thật sự cho trào lưu hiện đại đang dần hé lộ trong nhận thức của nho sĩ ngay cuối thế kỉ XIX và khẳng định chói lọi vào đầu thế kỉ XX". Từ đề xuất mang tính tiên phong của Nguyễn Trường Tộ, đã mở đường để về sau, những Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Võ Duy Thanh,... tiếp bước. Dù những đề xuất mới mẻ được triều đình tiếp nhận với một thái độ dè dặt, nhưng cho thấy tấm lòng, sự kiên trì của Nguyễn Trường Tộ khi ông không ngừng dâng lên vua những đề xuất, kiến giải của mình. Đương thời dù vua quan nhà Nguyễn chưa đánh giá đúng tầm nhìn của ông, nhưng những đóng góp vào công canh tân đất nước mà ông là người đặt viên gạch nền, là không thể phủ nhận.
Ngợi ca công nghiệp với dân với nước của Nguyễn Trường Tộ, Á Nam Trần Tuấn Khải đã có bài "Vịnh ông Nguyễn Trường Tộ" đầy xúc cảm:
Non sông thiêng sáng đúc nên tài,
Những ước ra tâm giúp giống nòi.
Lấy đạo nghĩa xưa làm mực thước,
Đem khoa học mới để trai giồi (dồi).
Bao phen xuất ngoại lòng nuôi mộng,
Mấy độ trần tình lệ nhỏ rơi.
Hôn ám kể chi phường sống tạm,
Nghìn thu huống để tiếc thương ai...
Trần Đình Ba