Cảnh báo: Tử vong nghi do nhiễm virus dại từ thú cưng
Câu chuyện thương tâm trên xảy đến với bé Nguyễn Quốc Vinh (3 tuổi, Hải Phòng). Theo lời gia đình, ngày 31/5 thấy bé Vinh bỗng nhiên lên cơn sốt, gia đình đưa con đi khám tại phòng khám tư và sau đó là Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Khi nhập viện, tuy sốt cao nhưng bé Vinh vẫn còn tỉnh táo.
Bác sĩ đang tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhi. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 7 - 8 giờ đồng hồ điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của cháu diễn biến xấu đi rất nhanh: cháu xuất hiện 7 - 8 cơn giật mình sau đó tiến đến suy thở. Cháu bé được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải phòng chẩn đoán mắc viêm não và cấp tốc chuyển lên Bệnh viện Nhi TW trong tình trạng nguy kịch: sốt cao, có suy thở, li bì, hôn mê.
TS. BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi TW cho biết, cháu bé khi vào viện được điều trị theo phác đồ viêm não - màng não. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường như xuất tiết nhiều đờm dãi, dương vật cương cứng.
Điều này khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng cháu nhiễm virus bệnh dại. Khi hỏi thăm gia đình, các bác sĩ được biết trong nhà bé Vinh có nuôi chó mèo và bé thường xuyên chơi đùa với chúng. Cháu bé được tiến hành chọc dịch não tủy. Mẫu bệnh phẩm gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ làm xét nghiệm đặc hiệu tìm virus dại đã cho kết quả dương tính. Chẩn đoán nhiễm virus bệnh dại được xác nhận. Chỉ một ngày sau khi nhập viện, bé Vinh đã rơi vào tình trạng sốc, suy đa tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và lọc máu liên tục. Sau 4 ngày, dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng tình trạng của bé Vinh không cải thiện. Ngày 5/6, gia đình đã xin cho con về khi không còn hy vọng cứu chữa.
Theo TS. BS Tạ Anh Tuấn, đã từ hơn 10 năm nay, đây là trường hợp mắc bệnh dại thứ 2 mà khoa tiếp nhận. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng này một phần do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc, trông nom trẻ nhỏ.
Bệnh dại là một bệnh do virus từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Virus dại xâm nhập vào cơ thể người từ động vật bị dại như chó, mèo qua vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương. Theo bác sĩ Tuấn, việc gia đình có nuôi con vật trong nhà (nhất là vật khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh dại khá dài ( từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm) nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.
Nếu bị cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày. Tiếp đến là tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt. Co thắt hô hấp và co thắt thanh quản gây khó thở. Sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển đến liệt, bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới, rồi lan lên trên. Trẻ có thể kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, trở nên hung bạo. Vì vậy, trẻ thường có những hành vi không bình thường như chống lại những người xung quanh. Thể trạng bệnh nhân suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và tử vong.
Để phòng tránh những kết cục đau lòng có thể xảy đến với con trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo các vật nuôi trong gia đình như chó mèo nhất định phải được tiêm vắc xin phòng dại, đồng thời hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc quá gần gũi với chúng.
Khi chẳng may bị chó, mèo dại tấn công, nạn nhân cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%; sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Sát khuẩn vết thương cũng có tác dụng chống bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể người. Sau khi xử lý xong vết thương, người bị chó dại cắn cần đến ngay trung tâm y tế dự phòng quận/huyện để khám và điều trị dự phòng bằng vac-xin phòng dại.
Những trường hợp sau cần phải tiêm đồng thời cả vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại:
- Khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại.
- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.
- Có vết cắn (dù là nhẹ) tại bộ phận sinh dục và những nơi có nhiều dây thần như đầu, mặt, cổ, đầu chi.
Phương Nguyên (t/h)