Cảnh báo bệnh sởi bùng phát bất thường tại TP.HCM và Hà Nội
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có 15/25 trẻ đang theo dõi được xác định dương tính với bệnh sởi. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 3 trường hợp bệnh phải nhập viện điều trị đều dưới 9 tháng tuổi. Dịch sởi đang có dấu hiệu tăng đột biến tại TPHCM.
Theo thông tin tổng hợp từ Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong tháng 8, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) phát hiện và theo dõi 25 bệnh nhi có dấu hiệu nghi mắc bệnh sởi, kết quả xét nghiệm cho biết 15 trẻ đã dương tính với virus sởi. Trong đó chỉ có 1 ca ở TPHCM, còn lại ở rải rác các tỉnh miền Nam, chủ yếu là ở miền Đông Nam Bộ. Hầu hết các bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.
Còn tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) hiện BV đang theo dõi và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh sởi, cả 3 bé đều dưới dưới 9 tháng tuổi. “Một bé đang có dấu hiệu chuyển biến nặng, phải thở máy và theo dõi liên tục.”, BS Khanh thông tin.
Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, tiêu chảy kèm sốt liên tục 38-39 độ C. Bên cạnh đó,có những chấm nhỏ khoảng 1 mm nổi lên trên niêm mạc má, có thể là những dấu hiệu của bệnh sởi
Ảnh minh họa
Cũng theo BS Khanh, hai bệnh nhi còn lại đang được theo dõi tích cực vì đều bị sưng phổi, viêm phổi nặng. Đáng lưu ý, theo BS Khanh, đối với 2 ca này, một bé lây nhiễm từ ba, một bé lây từ mẹ của mình. Không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con.
Qua việc phát hiện các ca bệnh sởi tại các BV, Sở Y tế đã đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phải chú ý từng ca bệnh đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị. Đối với dịch bệnh sởi đang lưu hành, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý trong công tác phòng chống .
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 242 ca mắc sởi trong khi cả năm 2017 mới có 60 trường hợp. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TT Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, dù số mắc tăng gấp nhiều lần 2017 nhưng đến nay chưa có trường hợp mắc sởi nào tử vong.
Trong đó bệnh có xu hướng tăng nhiều trong tháng 5-6, rải rác tại 30/30 quận huyện, tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Liêm, Nam Từ Liêm...
Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó nhóm dưới 1 tuổi tỉ lệ cao nhất. Hầu hết trẻ nhiễm bệnh do chưa được tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Đáng lưu ý, hàng năm dịch bệnh chủ yếu bùng phát mạnh vào mùa đông-xuân nhưng năm nay lại lây lan mạnh vào mùa hè.
Theo ông Cảm, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan mạnh thành dịch. Đến nay tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng sởi với khả năng bảo vệ lên tới 90-95%. Ông cũng khuyến cáo, việc sử dụng điều hoà cũng là một trong những nguyên do tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi phát tán, lây lan.
Dịch sởi ở trẻ em bùng phát bất thường tại Hà Nội vào mùa hè.
Khi mắc sởi, cha mẹ dễ nhầm lấn triệu chứng với bệnh Rubella (sởi Đức). Hơn nữa, các phát ban của sởi có thể nhầm với các phát ban dạng dị ứng, do vậy bệnh nhân thường chủ quan.
Theo đó, lãnh đạo Sở yêu cầu các đơn vị triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh; Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi, báo cáo theo quy định và báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hay là có số mắc bệnh đông…
Các chuyên gia cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Do đó Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Đặc biệt hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Để phân biệt bệnh sởi và bệnh Rubella cần lưu ý: Giai đoạn ủ bệnh: Ở bệnh Rubella từ 1-2 ngày, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ. Ở bệnh sởi từ 2-4 ngày, sốt và triệu chứng hô hấp trung bình đến nặng. Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn bệnh lý khác. Đồng thời khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tuỷ cấp. Ngoài ra các trường hợp nhập viện muộn cũng có thể gây ra biến chứng, hay gặp nhất là viêm phế quản, viêm phế quản – phổi do bội nhiễm. Tại Việt Nam, bài học đau xót về nhiễm khuẩn bệnh viện chính là vụ dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác do công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. |
N.H (t/h)