“Cần xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng”
-Thưa ông, sau hơn 1 năm thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ) của Lào Cai, xin ông cho biết những kết quả hoạt động nổi bật?
-Ngay sau khi có chủ trương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, và BCĐ đã sớm đi vào hoạt động nền nếp, bài bản và hiệu quả.
BCĐ luôn duy trì thực hiện nghiêm túc các phiên họp, cuộc họp của BCĐ (Ban Chỉ đạo họp 5 phiên, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp 10 cuộc) để thảo luận, cho ý kiến và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh.
BCĐ đã chủ động triển khai, tổ chức kịp thời thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác PCTNTC, nhất là các kết luận chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương; các thông báo triển khai, chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương.
Rất nhiều người dân tập trung quanh khu nhà riêng cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh khi ông bị bắt tạm giam vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". |
Bên cạnh đó BCĐ cũng khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được hạn chế mà lâu nay ta vẫn nói là "trên nóng, dưới lạnh."
Sau 1 năm, toàn tỉnh đã phát hiện mới 5 vụ việc có dấu hiệu hình sự về tham nhũng. Qua xác minh, điều tra đã chuyển cơ quan chức năng khởi tố 2 vụ/3 bị can, nâng tổng số vụ án, vụ việc về tham nhũng trên địa bàn tỉnh lên 11 vụ, trong đó BCĐ tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý 4 vụ án, 2 vụ việc.
Song song với đó, BCĐ cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Các cấp đã thực hiện kiểm tra, giám sát đối với 1.747 tổ chức đảng, với 6532 đảng viên; Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện kiểm tra, giám sát đối với 1892 tổ chức đảng, với 797 đảng viên; các cấp xử lý kỷ luật 3 tổ chức đảng (cảnh cáo 2, khiển trách 1); xử lý kỷ luật 275 đảng viên, trong đó khiển trách 180 đảng viên, cảnh cáo 67 đảng viên, cách chức 4 đảng viên, khai trừ 24 đảng viên, tạm đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 6 đảng viên để phục vụ công tác điều tra hình sự.
BCĐ cũng chú trọng tăng cường sự phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
-Là cơ quan chưa từng có trong tiền lệ, sau khi thành lập, đâu là những nội dung khiến ông thấy lo lắng và dành sự quan tâm nhiều nhất để qua đó đảm bảo BCĐ đạt được hiệu quả thực chất trong hoạt động?
-Trên thực tế, nhiệm vụ của công tác PCTNTC rất nặng nề, và lực lượng lòng cốt được đặt trên vai các cơ quan có chức năng PCTNTC. Còn tại địa phương, thì trực tiếp là Ban Chỉ đạo PCTNTC.
Theo tôi thấy thì về cơ chế hoạt động của BCĐ cấp tỉnh, Trung ương đã có quy định và hướng dẫn rất cụ thể để địa phương căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của BCĐ, nhất là đạt được kỳ vọng, mong mỏi của người dân thì còn cần thêm nhiều yếu tố, nhưng quan trọng và căn bản nhất là yếu tố con người, bộ máy tham mưu, giúp việc cho BCĐ. Con người ở đây phải làm sao bảo đảm tinh thông, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả, liêm chính…để có thể đi trước và trấn áp được hành vi tham nhũng, tiêu cực.
-Vậy thưa ông, nhìn từ kinh nghiệm của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Lào Cai kế thừa và học hỏi được những gì?
-Trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác PCTNTC để từ đó có quyết tâm chính trị cao, biện pháp đúng đắn, hành động quyết liệt.
BCĐ cấp tỉnh phải có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch sát với thực tế; lề lối, cách thức làm việc khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Tập thể BCĐ phải là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao. Từng thành viên BCĐ phải thực sự gương mẫu, liêm chính, có bản lĩnh, quyết tâm cao, nói đi đôi với làm.
-Khi mô hình này ra đời, trong dư luận cũng có một số băn khoăn rằng ở trong phạm vi một địa phương thì có thể BCĐ sẽ khó hoạt động vì vướng nhiều mối quan hệ chằng chịt, thực tế ở Lào Cai thì thế nào, thưa ông?
-Trước khi có BCĐ, tỉnh cũng thường xuyên phải xử lý, giải quyết nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp, có nhiều mối quan hệ đan xen, nhiều đối tượng có liên quan, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt của tỉnh, của huyện. Do vậy, tuy dư luận băn khoăn, nhưng thực tế đây không phải là vấn đề thật sự quan ngại.
Từ kinh nghiệm thực tế, BCĐ đã hết sức chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, và mới đây, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đã ghi nhận những kết quả đạt được của BCĐ Lào Cai.
-Một trong những kỳ vọng của xã hội khi BCĐ cấp tỉnh được thành lập là cơ quan này sẽ xử lý những khâu yếu, việc khó, dư luận bức xúc… Tại Lào Cai, thưa ông, vấn đề này được quán triệt và triển khai thế nào?
-Chúng tôi rất quan tâm việc xây dựng chương trình công tác, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là với những lĩnh vực còn tiềm ẩn nguy cơ cao, được dư luận quan tâm như quản lý đất đai; xây dựng cơ bản; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng…
BCĐ cũng sát sao chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự.
Không chỉ có vậy, chúng tôi cũng luôn đảm bảo việc thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính; tăng cường chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức đảng viên…với tinh thần bảo đảm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, hiệu quả.
-Công việc có lẽ là khó nhìn thấy kết quả ngay trong hoạt động của BCĐ là việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Lào Cai, các cơ quan liên quan thực hiện công việc này thế nào, thưa ông?
-Việc đổi mới về công tác công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTNTC tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được làm rất bài bản. Lào Cai đã xây dựng chuyên mục tuyên truyền về công tác PCTNTC trên đài phát thanh - truyền hình của tỉnh 1 số/tháng; Hằng năm đều tổ chức Cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ” theo hình thức gameshow truyền hình; tổ chức Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
Tỉnh cũng triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, quy định của Trung ương tại hội nghị báo cáo viên tại cấp ủy, tổ chức đảng; tổ chức tuyên truyền dưới hình thức trực tuyến đến các điểm cầu tại xã, phường...
BCĐ cũng đã tổ chức các Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến cấp tỉnh về tập huấn nghiệp vụ công tác Nội chính, PCTNTC và Cải cách tư pháp đối với 164 điểm cầu, cho 3.987 đại biểu dự. Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng, xuất bản 2.000 cuốn sách về tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác Đảng về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và PCTNTC cấp phát đến các chi, đảng bộ cơ sở; mở 4 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho hơn 400 cán bộ, đảng viên tại 4 huyện; tổ chức 1 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN cho 80 cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ thanh tra tại các sở, ngành, địa phương...Nói chung về lĩnh vực này chúng tôi là rất tích cực.
-Một năm tuy chưa dài nhưng cũng đủ thời gian để đúc rút những bài học kinh nghiệm, thưa ông, để BCĐ cấp tỉnh phát huy hiệu quả hơn nữa trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông có thấy có những vấn đề nào, khía cạnh nào về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện và bổ sung?
Theo tôi thì cần tập trung chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Cùng với việc này thì cần tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém là chủ động xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...
-Trân trọng cảm ơn ông!