Cần đảm bảo tính độc lập, khách quan khi hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh
Vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Trưởng ban công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản chủ trì Hội nghị.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đây là một trong những đề án có tầm ảnh hưởng rộng liên quan đến cơ quan dân cử và chính quyền địa phương cấp tỉnh trong cả nước, lãnh đạo, cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan này.
Mục đích của đề án là thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh. Ảnh: Tienphong.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng gồm Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cần thiết nhằm tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần cẩn trọng khi cơ cấu tổ chức các phòng và biên chế. Trước mắt, cần thí điểm việc hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tại một số địa phương để rút kinh nghiệm trong việc bố trí cơ cấu tổ chức hợp lý.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng nên thiết kế theo hướng phân định mang tính tương đối trong đó có tổ chức một bộ phận giúp cho đoàn đại biểu Quốc hội, một bộ phận giúp cho HĐND, một bộ phận giúp cho UBND thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp. Nhưng 3 cơ quan có những bộ phận giống nhau thì đó là phòng quản trị hành chính phục vụ và phòng tiếp công dân nên thiết kế phục vụ chung.
Một số đại biểu cho rằng một trong những chức năng của văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND là cơ quan quyết định và giám sát, còn chức năng của UBND là cơ quan tổ chức thực hiện chấp hành…Vì vậy, cần xem xét tránh tình trạng một văn phòng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa là cơ quan thực thi, vừa giám sát.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, đối với một số tỉnh, thành phố lớn, công việc của 3 văn phòng nhiều hoạt động, có thể chỉ hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng HĐND với chức năng giống nhau là giám sát.
Cụ thể, ông Nam đề xuất, một mặt vẫn có thể thí điểm hợp nhất 3 cơ quan ở những tỉnh thành phố nhỏ, với số lượng bộ máy biên chế gọn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở mức độ phù hợp làm thí điểm trước. Đối với mô hình thứ 2, đơn vị, tỉnh nào có đủ điều kiện thì hợp nhất 2 trong 1. Sau này đánh giá, tổng kết để làm căn cứ sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương, sẽ có nhiều điều kiện để đánh giá ở góc độ khác nhau.
Cần đảm bảo tính độc lập, khách quan
Tại hội nghị, đa số ý kiến phát biểu thống nhất với việc hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Việc hợp nhất được coi là sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành địa phương về công tác tại văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, việc hợp nhất 3 văn phòng không thể làm một cách cơ học, mà cần xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung, tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ cho HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH cấp tỉnh.
Đặc biệt, phải có sự nghiên cứu để thay đổi quy trình công việc, trong đó phân định rạch ròi chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định các nội dung và chức năng tham mưu cho HĐND cấp tỉnh xem xét, giám sát các vấn đề đối với UBND cùng cấp để tránh sự mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ. Do đó, có ý kiến đề nghị, văn phòng chung nên là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND, nhưng không phải là cơ quan chuyên môn của UBND. Chánh Văn phòng chung sẽ là người điều hòa, chỉ đạo việc phối hợp các phòng, đơn vị để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc chung, tránh chồng chéo hay đùn đẩy nhiệm vụ...
V.H (t/h)