Cải tổ ngành điện: Hãy làm sớm trước khi quá muộn
Ngành điện đã thật sự đi trước?
Theo Quy hoạch điện VIII vừa mới được ban hành, thì “phát triển điện lực phải đi trước một bước…”. Đây là quan điểm chủ đạo trong phát triển tổng thể kinh tế dài hạn, cũng như một thông điệp rõ ràng được gửi đến các nhà đầu tư trên toàn cầu về thứ tự ưu tiên trong tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, sự ổn định kinh tế - xã hội và các thứ bậc ưu tiên không chỉ dựa trên văn bản mà phụ thuộc vào kết quả thực tế triển khai. Nếu căn cứ vào tình hình hiện tại thì đây là vấn đề tạo nên nhiều âu lo nhất. Với một quốc gia đang phát triển thì nhu cầu về năng lượng cho nền kinh tế luôn “đói”, vì vậy quan trọng nhất là sự đi trước một bước của các nhà máy phát điện để tạo nguồn dự phòng. Đây là bài toán sơ đẳng khi nói về chủ đề năng lượng, nhưng dù sơ đẳng thì hiện nay riêng vấn đề này đang để lại quá nhiều nỗi lo.
Năm 2023 này, theo EVN miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu khoảng 4900 MW |
Chỉ cần so sánh với khoảng hơn 20 năm về trước thì nguồn dự phòng của điện lực cũng ước khoảng trên dưới 20%. Chính vì vậy, nếu trong tương lai nhu cầu phụ tải của nền kinh tế có tăng đột ngột thì vẫn còn không gian để cân đối nguồn. Thế nhưng hiện nay câu chuyện dự phòng rất đáng lo ngại. Chỉ cần nhìn vào ước tính năm 2023 này miền Bắc thiếu khoảng 4900 MW là đủ để hiểu tình hình căng thẳng đến mức nào. Nhưng đâu là gốc của vấn đề, và cần nhìn nhận thế nào cho chính xác từ đó còn bốc thuốc cho đúng bệnh?
Thiếu nguồn do đâu?
Không khó để tìm các dự án của ngành điện chậm triển khai với thời gian tính bằng năm. Theo Bộ Công thương thì miền Bắc chậm khoảng 3000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam chậm khoảng 3600 MW. Tất nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao chậm? Chậm do thủ tục pháp lý, do thu xếp vốn, do năng lực thiết kế, thi công hay còn bởi lý do nào khác?
Nhìn vào Quy hoạch điện VIII thì có thể hình dung một phần câu trả lời. Tính từ lúc bắt đầu xây dựng đến khi được thông qua mất gần 4 năm, và khi chưa có quy hoạch thì gần như không có cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan triển khai. Nhưng quy hoạch cũng chỉ là một phần, bởi xây dựng 1 nhà máy thì thời gian tổng cộng phải từ 5 đến 7 năm (đó là rất nhanh), mà nhu cầu điện không đứng lại chờ thủ tục hay tiến độ hoặc ý chí của một ai cả.
Thực tế thời gian qua các dự án vẫn chậm đều dù hàng năm EVN vẫn ra rả khuyến cáo đến tội nghiệp về nguy cơ thiếu điện. Vậy vì sao những khuyến cáo này không có kết quả, và trách nhiệm thuộc về ai, EVN hay cơ quan quản lý?
Mới đây Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan thì sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc xử lý trách nhiệm là cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh nguy cơ thiếu điện thường trực như hiện nay. Thế nhưng, đó chưa phải là gốc rễ của vấn đề bởi thực trạng này chỉ là quả của nhân từ nhiều năm trước. Nếu muốn tránh việc chỉ xử lý phần ngọn thì cần có 1 tư duy tổng thể khác biệt về phát triển và quản lý ngành điện.
Kỳ vọng về sự thay đổi
Hãy bắt đầu từ việc giá điện mới được tăng 3%. Thế nhưng ngay sau đó, EVN đã phải đề nghị TKV và TCT Đông Bắc cho giãn thời gian thanh toán tiền mua than vì tình hình tài chính không thuận lợi. Sự việc trên cho thấy điều gì? Trước hết là việc EVN không được chủ động quyết định bài toán chi phí. Nếu đầu vào nguyên, nhiên liệu biến động thì EVN vẫn phải chấp nhận chứ không được điều chỉnh giá bán ra ở mức tương thích. Tiếp theo nữa là thực tế này phản ánh những tồn tại của bản thân EVN, xin nhấn mạnh là có yếu tố kế thừa từ quá khứ. Vì vậy điều cần thiết ở đây là cần thay đổi quan điểm về mô hình hoạt động của EVN, hay nói chi tiết hơn là thay đổi về mục tiêu, trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp này.
EVN là một doanh nghiệp, vậy hãy để EVN hoạt động như một doanh nghiệp thuần tuý. Việc cần làm của cơ quan quản lý là thiết lập một hành lang pháp lý ngăn ngừa sự lạm dụng thị phần để trở thành độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư để các doanh nghiệp khác nếu có nhu cầu cùng tham gia cung ứng, phân phối điện. Lúc này, những khoản đầu tư mang ý nghĩa xã hội chứ không có lợi ích tài chính như đưa điện về vùng xa và sâu, hải đảo…cần được hạch toán, phân bổ ở những nội dung công ích khác.
Những điều này không mới, nhưng vẫn luôn có tính thời sự nhất là trước sức ép về phát triển nguồn điện như hiện nay. Đương nhiên việc tăng giá điện, loại chi phí nhạy cảm bậc nhất hiện giờ, là câu chuyện không đơn thuần của EVN mà còn của cả nền kinh tế khi nó có thể gây thêm sức ép về chi phí sản xuất, sinh hoạt, và ảnh hưởng đến vĩ mô mà Chính phủ phải tính đến. Nhưng dù vậy, thì cũng không thể coi đó là lý do để chậm trễ thay đổi quan niệm về mô hình cũng như cách thức vận hành của ngành điện và EVN.
Những câu chuyện về tăng giá điện bao nhiêu phần trăm là phù hợp, vì sao các dự án quá chậm triển khai, rồi những ồn ào quanh việc mua bán điện năng lượng tái tạo hiện nay..v.v.. suy cho cùng cũng chỉ là hệ quả của của một phương thức quản lý. Vì vậy, để hy vọng sau này không còn đối mặt với những vấn đề tương tự thì bên cạnh quyết tâm của các cấp thẩm quyền, điều thật sự cần thiết lúc này là nghiêm túc lo lắng cho tương lai để rút ra những bài học ngay từ nguyên nhân của những rủi ro này để khắc phục triệt để, không nửa vời.
Thực tế, đây là những việc làm thực sự cấp thiết, bởi chúng ta hãy hình dung những cảnh báo về nguy cơ thiếu điện sẽ tác động tiêu cực thế nào đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đang cân nhắc có bỏ vốn vào kinh doanh ở Việt Nam hay không? Và muốn không có những sự phân vân như vậy sau này, mọi việc phải bắt đầu từ bây giờ.