Cải cách hành chính là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế
Chi Dân 09/11/2021 08:17 | Chính trị - Xã hội
![]() |
Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ cấp thiết (ảnh minh hoạ). |
Thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Quốc hội đã có nhiều đề xuất, “hiến kế” nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, giải pháp quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đó chính là cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Ông Hà đưa ra 7 lý do để giải thích cho sự quan trọng của việc cần thiết phải cải cách hành chính với phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Đồng thời, đây cũng là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp, cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy, thì việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Thứ ba, thông qua cải cách thủ tục hành chính, có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, qua đó xây dựng bộ máy phù hợp và có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đáp ứng tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, phân cấp, phân quyền, phân công, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số.
Thứ năm, thông qua cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ rào cản với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro; đồng thời, tăng thu, giảm chi, nhất là giảm chi cho bộ máy hành chính và giảm chi chính thức, phi chính thức.
![]() |
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà- Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội |
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính góp phần ngăn chặn bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về văn hóa xã hội, tham nhũng, lãng phí về nguồn lực; nâng cao hình ảnh của Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương trước cộng đồng trong nước và quốc tế.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, yếu kém. Đó là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, DN còn xảy ra. Còn hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ không được quy định trong bộ hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị gây bức xúc cho người dân, DN. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và chờ kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến tại một số lĩnh vực.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính hiện nay, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Chính phủ bổ sung thêm và nhấn mạnh những giải pháp đột phá để phát huy vai trò quan trọng của cải cách thủ tục hành chính trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch.



Truyền hình

Ngắm hoa kèn hồng đẹp rạng ngời những con đường thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý
Khi cờ búa liềm tung bay cùng công tác đối ngoại

Bài viết mới
Khi cờ búa liềm tung bay cùng công tác đối ngoại

Phản ánh rõ nét, sâu sắc công tác xây dựng Đảng

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.