Cách nhận biết rau an toàn, rau sạch và rau trồng đại trà
Trước các thông tin về tình trạng trồng rau phun đủ loại thuốc, hoá chất có hại cho sức khoẻ, người tiêu dùng đã tìm đến rau an toàn nhiều hơn.
Cần có rau an toàn, thế nhưng làm sao để phân biệt rau trồng đại trà, rau an toàn và rau sạch, thì rất ít người tiêu dùng biết. Thậm chí biết, nhưng cũng khó phân biệt được. Một kết quả điều tra ý kiến người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ thực hiện tại sáu tỉnh miền Bắc do hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thực hiện đã cho thấy, có đến hơn 90% không thể phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường.
Ở khía cạnh khác, việc có nhiều tiêu chí đánh giá, cũng như nhiều tổ chức chứng nhận, thì việc kiểm tra giám sát rau an toàn đúng chuẩn càng khó hơn.
Cụ thể hai khâu quan trọng trong quy trình rau sạch là nuôi trồng và sơ chế – chế biến. Nhưng hiện nay có rất nhiều tiêu chí đánh giá về việc này. Trồng theo phương pháp bio; trồng theo phương pháp hữu cơ (organic); trồng theo GAP (VietGAP và GlobalGAP – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); và khâu sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có các tiêu chuẩn như GAP, HACCP, ISO 22000…
Về chứng nhận, cả nước hiện có tới 20 tổ chức được bộ Nông nghiệp chỉ định chứng nhận VietGAP, dẫn đến việc khảo sát quy trình sản xuất tại các đơn vị đăng ký xin cấp giấy chứng nhận không được chặt chẽ. Trong khi khâu quản lý, thanh tra kiểm soát chất lượng sản phẩm do sở nông nghiệp và chi cục bảo vệ thực vật các địa phương đảm nhận. Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm giám sát các cơ sở trồng trọt, cơ sở sơ chế gắn liền với trồng trọt. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản giám sát chợ đầu mối; truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn; kiểm tra tận gốc tại nước xuất khẩu; thẩm tra công nhận nước xuất khẩu.
Ngay cả khi các siêu thị cam kết chất lượng hàng hoá, thì việc kiểm định cũng chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên, áp lực sức mua cũng khiến nhiều đơn vị lỏng lẻo hơn trong quản lý.
Rau đại trà: là các loại rau đang sử dụng truyền thống, được tổ chức sản xuất theo các tập quán khác nhau từng địa phương, không có quy trình thống nhất và chất lượng cũng rất khác nhau. Rau an toàn: có hai quan điểm: – Theo quyết định 106/2007 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, rau an toàn là những sản phẩm rau tươi được sản xuất, thu hoạch, sơ chế phù hợp quy trình sản xuất rau an toàn. Đồng thời, rau an toàn được sản xuất từ đất trồng, nguồn nước, môi trường, dinh dưỡng… tất cả đều phải sạch và đúng quy trình GAP (Good Agricultural Practices). Nguồn nước tưới rau không bị ô nhiễm bởi các sinh vật và hoá chất độc hại, hàm lượng một số hoá chất không vượt quá mức cho phép… Từ đó, rau quả được coi là an toàn khi có dư lượng nitrat, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, mức độ nhiễm vi sinh vật dưới ngưỡng quy định của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành với từng loại rau quả. – Theo các chuyên gia, rau an toàn ngay từ khâu gieo trồng không bị bón phân đạm, hoặc bón rất ít phân đạm để tránh ô nhiễm muối nitrat, thay vào đó phải bón phân vô cơ như phân chuồng, phân bắc ủ hoai. Rau sạch: là rau được trồng trên đất sạch, tưới nước giếng khoan hoặc nước sông lớn không ô nhiễm (chất lượng đất, nước được cơ quan chức năng kiểm tra và công nhận). Không dùng phân tươi hay bón đạm nhiều. Hạn chế tối đa chất kích thích sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và sau một thời gian quy định mới được thu hoạch. |
Theo Thế giới Tiếp thị