Các nước G7 kêu gọi tuân thủ phán quyết của PCA về Biển Đông
G7 bao gồm các thành viên: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên các nước thành viên trong khối ra tuyên bố về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có liên quan tới Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
"Chúng tôi coi phán quyết của PCA dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ngày 12/7/2016 là cơ sở hữu ích cho các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình" - thông cáo chung của G7 được tờ Philstar (Philipines) trích dẫn.
Phán quyết này do PCA, thường trực tại The Hague (Hà Lan) đưa ra, đã bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết diện tích Biển Đông đồng thời khẳng định quyền lợi của Philippines trong khu vực tranh chấp. Bắc Kinh đã tuyên bố bác bỏ quyết định của PCA.
Trong thông cáo chung, ngoại trưởng các nước G7 tái khẳng định cam kết duy trì quy tắc hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trên Biển Đông. Ngoài ra, các vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh: tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp pháp lý, dựa trên xây dựng lòng tin.
Ảnh chụp từ máy bay Mỹ cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Mặt khác, đại diện các nước G7 đã bày tỏ sự quan tâm tới tình hình Biển Đông: "Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng, như việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất ở quy mô lớn, xây dựng tiền đồn cũng như sử dụng chúng cho các mục đích quân sự".
"Chúng tôi hối thúc tất cả các bên theo đuổi phi quân sự hóa những khu vực có tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ của mình dựa trên luật pháp quốc tế" - thông cáo chung của G7 nhấn mạnh thêm.
Cũng trong thông cáo, ngoại trưởng các nước G7 khuyến khích đàm phán, hướng tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả ở Biển Đông. Thông cáo chung có đoạn: "Chúng tôi kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Theo tờ Philstar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespiere Bolivar cho biết: nước này kỳ vọng khuôn khổ COC sẽ được hoàn thành trong thời gian Manila đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay.
"Chúng tôi (Philippines) ngày càng hy vọng rằng có thể trong 1 hoặc 2 năm tới, các nước sẽ đạt được bước tiến đáng kể và sớm có một cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm hoàn thành khuôn khổ COC vào giữa năm nay" - ông Bolivar trả lời họp báo ngày 19/4.
Hồng Anh