Các nước châu Âu mới chỉ tiếp nhận 15.000 người tị nạn
Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu về Phương án di dời và tái định cư cho biết: số người tị nạn được tái định cư từ Hy Lạp, Italia và một số nước châu Âu đã đạt 11.966 người.
Ngoài ra, khoảng 3.000 người thuộc diện "cần được cộng đồng quốc tế bảo vệ", từ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã được các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận theo thỏa thuận mà 2 bên ký kết hồi tháng 3 năm ngoái.
Báo cáo hôm 8/2 nhấn mạnh "những chuyển biến tích cực" và nói rằng tháng 12/2016 ghi nhận số người tị nạn được tái định cư nhiều nhất. Tuy vậy, các quốc gia EU vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC): tiếp nhận 1.000 di dân từ Italia và 2.000 người từ Hy Lạp trong mỗi tháng.
"Di dời tất cả những người đủ điều kiện ở Italia và Hy Lạp là việc khả thi, nhưng nó cần tới ý chí chính trị, quyết tâm và sự kiên trì của tất cả các nước thành viên" - ông Dimitris Avramopoulos, một quan chức EU, phát biểu.
Dòng người tị nạn tiến vào lãnh thổ châu Âu. (Ảnh: RT)
Phó chủ tịch EC, ông Frans Timmermans, đã lên tiếng hối thúc các nước thành viên EU tuân thủ cam kết, nỗ lực hơn nữa nhằm tái định cư người tị nạn. Đồng thời, ông cũng kêu gọi gây sức ép buộc các nước còn lại đóng góp cho chương trình này.
Theo kế hoạch ban đầu, EU dự kiến sẽ tái định cư cho khoảng 160.000 người tị nạn tại Italia và Hy Lạp tới các quốc gia thành viên khác trong khối. Tuy nhiên, sau khi ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, con số này đã giảm xuống còn 98.000 người.
Việc áp đặt hạn ngạch tị nạn bắt buộc đã gây tranh cãi trong nội bộ khối, khi một số nước Đông Âu từ chối tiếp nhận người tị nạn, phản đối kế hoạch của EU.
Báo cáo mới nhất của EU nêu rõ: Hungary, Áo và Ba Lan vẫn chưa chấp nhận bất cứ người tị nạn nào theo hệ thống hạn ngạch bắt buộc của khối, trong khi Slovakia chỉ tiếp nhận 9 trong số 902 người được phân bổ theo kế hoạch.
Hồng Anh