Các động thái trung hòa lực bán chốt lời đã được triển khai
Định vị thị trường
Sức đề kháng của chứng khoán Mỹ đã được thể hiện trong đêm qua khi các chỉ số NASDAQ, Dow Jones, S&P 500 đồng loạt có nỗ lực phản kháng để tăng điểm. Như vậy, sau 3 phiên liên tiếp, cho đến lúc này, trạng thái của chứng khoán Mỹ vẫn chưa hề đánh mất xu hướng tích cực.
Nhờ đó, các chỉ số tiên phong tại châu Á như KOSPI (+1,27%), TWSE (+0,16%) cũng hồi phục ngay ở phiên hôm nay và tiếp tục neo tại vùng cao. Điều này sẽ giúp cho việc điều chỉnh giảm của VN-Index có thể trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chất xúc tác
Dòng tiền từ Đài Loan đại diện qua FUBON ETF thực tế vẫn vào thị trường Việt Nam dù khối ngoại chủ yếu bán ròng trong tuần giao dịch này. Nếu tính cả phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng gần 740 tỷ đồng trên HOSE và hơn 780 tỷ đồng trên toàn thị trường Việt Nam.
Theo thống kê, FUBON vẫn nhận được 11,1 triệu USD trong vòng 1 tuần trở lại đây. Tuy nhiên, một số ETFs khác như FUEVFVND (-9,9 triệu USD), FUESSVFL (-2,5 triệu USD), E1VFVN30 (-2,4 triệu USD) lại bị rút tiền khiến tác động của ETF Đài Loan đã bị triệt tiêu hoàn toàn.
Dòng tiền trong nước sẽ cần tiếp tục giữ thế chủ động dựa trên những kỳ vọng riêng. Tại thời điểm hiện tại cũng bước vào giai đoạn cao điểm của mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023. Các biến động khác lạ của các cổ phiếu sẽ hàm ý về kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh cho cả năm 2023.
Vận động nhóm ngành
Việc điều chỉnh đồng loạt của nhiều nhóm ngành trong chiều qua được hậu thuẫn từ tác động của một số trụ cột như VCB, VIC, VHM. Sang đến phiên hôm nay, VCB (-1,3%), VHM (-1%), VIC (-0,2%) cũng chưa cho phép nhà đầu tư từ bỏ sự cảnh giác.
Thực tế, tại rổ VN30, số mã giảm vẫn chiếm ưu thế với tỷ lệ 14 mã giảm so với 12 mã tăng và 4 mã đứng giá tham chiếu. Các mã tăng giá như SSI (+3%), GVR (+1,9%) dù đều là những cổ phiếu đầu ngành nhưng thực tế chưa phải những cổ phiếu có trọng lượng trong rổ.
Chỉ số VN30 cuối phiên quay đầu tăng 0,02 điểm là nhờ hoàn toàn vào việc VIC và VCB đồng loạt thu hẹp biên độ giảm trong phiên ATC. Có thể xem đây là những động thái điều tiết thị trường của tiền lớn và sẽ không dễ cho nhà đầu tư có thể phán đoán được chuyển động của thị trường.
Giá trị thanh khoản của HOSE ngay sau phiên giao dịch gần 16.000 tỷ đồng đã sụt xuống 10.782 tỷ đồng, là sự phản ứng của số đông nhà đầu tư.
Các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ có thể đã tránh việc bị tháo chạy nhưng kết phiên cũng không có nhiều gương mặt nổi trội. Một số trường hợp cá biệt có thể kể đến là DIG (+6,92%), FTS (+6,81%), BSI (+7%) vẫn tăng trần nhưng có sự rời rạc với xu hướng nhóm ngành.
Phần lớn các cổ phiếu chủ yếu dao động trong biên độ hẹp dưới 2% như KBC (-0,2%), VCG (-0,48%), DCM (-0,2%), ACB (+0,6%), HCM (+1,75%), NLG (+0,34%), TCM (+0,6%)…
VN-Index chốt phiên giảm 0,11% xuống 1.069,71 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,08% và UPCoM-Index giảm 0,23%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn HNX và UPCoM đạt hơn 2.200 tỷ đồng.