Cần khẩn trương xây dựng lá chắn pháp lý chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Nhan nhản video clip thiếu tính giáo dục
Thanh Lương Vlog, con gái nuôi của Bà Tân Vlog là cái tên mới xuất hiện và nổi lên trong làng Youtuber (người dùng Youtube) trong thời gian gần đây. Do là nhân vật mới nên để thu hút người xem, Youtuber này giới thiệu kênh của Thanh Lương chuyên để troll (chọc, chơi khăm) anh trai, troll mẹ và mọi người.
Ngay ở video clip đầu tiên, Thanh Lương làm clip “Troll thằng anh trai. Mình đã mua được nước và dầu ăn, hôm nay mình sẽ troll thằng anh trai của mình là Hưng Vlog, cho anh mình uống nước pha dầu ăn”. Tiếp đó, Thanh Lương đổ nước Sting màu vàng trong chai còn mới nguyên đi, đổ dầu ăn vào và nói: “Hôm nay mình sẽ cho anh mình v. đ luôn”. Sau đó, nhân vật mang chai nước đã pha trộn cho anh trai là Hưng Vlog uống.
Clip trộn dầu ăn với nước uống Sting rất nhảm nhí, dễ để trẻ em bắt chước. |
Bình luận về video clip này, chị Thảo Nguyễn (Hà Đông- Hà Nội) cho hay: “Có hôm tôi vô tình thấy con gái mới 6 tuổi xem, cháu tỏ ra rất thích thú với màn chơi khăm này của Thanh Lương. Hai anh em cháu còn bàn nhau hôm nào sẽ thử làm, thử pha dầu ăn với nước Sting xem mùi vị ra sao. Clip này quá vô bổ, tôi không hiểu Youtuber làm với mục đích gì. Tôi phải thuyết phục các cháu không xem và bắt chước các clip có nội dung như vậy, nhưng cháu còn nhỏ, vẫn rất tò mò”.
Phương Hữu Dưỡng cũng là cái tên không xa lạ với những người thường xuyên xem Youtube. Ngoài những video clip không có nội dung lành mạnh, giáo dục, Youtuber này còn có nhiều clip về nội dung dùng tiền giả (chủ yếu là tiền âm phủ) để chơi khăm ai đó. Chẳng hạn như clip vứt cọc tiền âm phủ mệnh giá 500.000 đồng trên đường quê để đánh lừa người đi đường, hoặc mang 350 triệu đồng tiền giả đi mua điện thoại Iphone.
Một số kênh Youtube khác cũng như M.K Tivi chuyên làm clip dành cho trẻ em nhưng dường như đang bị cạnh kiệt ý tưởng và thường xuyên làm clip về hoàn cảnh của người giàu, người nghèo. Mặc dù cuối video, Youtuber đều có nội dung giáo dục là không nên khinh thường người nghèo, song với nhiều đối tượng người xem là em nhỏ 4-5 tuổi, nội dung này không được chú ý.
Chị Thúy Hà (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho hay: “Hai con tôi sau khi xem xong các clip tương tự thì dường như chỉ nhận thức được thế nào là giàu, thế nào là nghèo, rồi nhận xét các bạn xung quanh ai giàu, ai nghèo, hoàn toàn không để ý tới điều gì khác. Do đó, theo tôi nên hạn chế làm các video clip kiểu này”.
Gia tăng nguy cơ mất kiểm soát an ninh
Với tốc độ phát triển chóng mặt, không ít người đã phong cho internet, các trang mạng xã hội là "quyền lực thứ 5", sau 4 “quyền lực" lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. "Quyền lực thứ 5" này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt lên trên, ra bên ngoài các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Với bản chất không biên giới, bên cạnh lợi thế vốn có thì những mặt trái, mặt tiêu cực của internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý.
Nhiều kênh Youtube với những video, clip “rác” |
Chỉ khảo sát ở góc độ chính trị - xã hội, 10 năm gần đây, mạng xã hội đã khiến nhiều quốc gia phải điêu đứng. Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết những biến động chính trị lớn dẫn tới sự sụp đổ chính quyền ở một loạt quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Libya... đều có sự tham gia đắc lực của mạng xã hội. Phong trào biểu tình của người mặc áo vàng khiến nước Pháp sục sôi suốt nửa năm qua cũng bắt nguồn từ video của nghệ sĩ đàn accordion có tên Jacline Mouraud gửi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính quyền vào cuối năm ngoái.Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT), tính đến tháng 1-2019, đã có hơn 4,3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được với internet, chiếm 57% dân số toàn cầu; hơn 3,4 tỷ người đăng ký tham gia vào các mạng xã hội, chiếm 45% dân số thế giới; hơn 5,1 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 67% dân số thế giới; hơn 3,2 tỷ người tham gia mạng xã hội qua thiết bị di động. Ngoài ra, mỗi phút trên internet có khoảng 7 triệu tin nhắn được gửi qua Snapchat; hơn 200 triệu ảnh được bấm nút like trên Facebook; 2,4 triệu ảnh được like trên Instagram; 400 giờ tải video trên YouTube...
Ngoài các phong trào biểu tình, những năm gần đây, mạng xã hội cũng được cho là công cụ tiếp tay cho khủng bố lan rộng. Nhiều cuộc tấn công khủng bố bắt nguồn từ lời kêu gọi của các nhóm cực đoan trên các kênh internet khiến lực lượng an ninh đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn.
Cần khẩn trương xây dựng lá chắn pháp lý
Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh về internet và tính đến nay đã có hơn 60 triệu người sử dụng Facebook, chưa kể các mạng xã hội khác, đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới.
Vì vậy, việc chủ động đẩy lùi hiểm họa từ mặt tiêu cực của mạng xã hội cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kết hợp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng.
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên... cần xác định trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt, tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu, độc, tạo thành phong trào rộng khắp cùng hướng tới một văn hóa internet, trong đó có mạng xã hội, ngày càng tích cực, lành mạnh.