Bùng phát dịch sốt xuất huyết ở nhiều địa phương
12 trường hợp tử vong
Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 12 ca tử vong. Nhiều địa phương có số mắc SXH lũy tích tăng cao so với cùng kỳ 2014 như TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Ngành y tế khuyến cáo, dịch SXH đang vào mùa và tăng mạnh.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 693 ca SXH rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện, trong đó không có ca tử vong. Đặc biệt, từ tháng 6, số bệnh nhân đã tăng gấp gần 3 lần ca mắc trong tháng 5 với 168 ca và đỉnh điểm là tháng 7 là với 357. Số mắc giảm so với cùng kỳ năm có dịch (năm 2009), chỉ chiếm 38% nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2014.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chỉ trong 1 tuần, TP.HCM ghi nhận 307 trường hợp nhập viện vì SXH. So với trung bình 4 tuần trước đó thì con số này tăng 34%. Số trường hợp SXH đang có xu hướng tăng dần với mức độ tăng nhanh hơn so với cùng thời điểm năm trước. Từ đầu năm đến nay, số ca SXH của TP.HCM đã lên đến 6.432 ca, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014.
Điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Phạm Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH cho biết, từ đầu tháng 8, trung bình mỗi ngày có từ 80 đến 90 trường hợp điều trị SXH. Số trẻ nhập viện tăng cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các tháng trước là từ 30 đến 40 ca. Đặc biệt, Khoa cũng đang điều trị cho 10 trường hợp bị sốc SXH Dengue với các triệu chứng như trụy tim mạch, huyết áp khó đo, mạch nhanh…
Thống kê của Sở Y tế Cà Mau cho thấy, trong hơn 7 tháng qua, bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 40%, có 1 ca tử vong. Tại TP. Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm, toàn TP này đã xuất hiện 60 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng 3,15 lần so với cùng kỳ (19 ổ dịch) - với tổng số ca mắc bệnh là 280, tăng 77 ca so với cùng kỳ, và đứng thứ 13 trong 20 tỉnh thành khu vực phía Nam về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, bệnh xuất hiện chủ yếu vào nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống với tỉ lệ hơn 84%.
Chủ động phòng chống dịch
“Qua theo dõi tình hình dịch SXH nhiều năm tại Hà Nội, ngành Y tế Hà Nội đã dự báo năm 2014, 2015 có thể gia tăng số mắc bệnh, vì là chu kì dịch (sau 4 - 5 năm tính từ năm 2009 là năm có dịch lớn tại Hà Nội)”, TS Cảm nói.
Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và Cục Y tế dự phòng kiểm tra phòng chống SXH tại Thanh Trì, Hà Nội.
Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy, biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có.
Vì thế, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho chính bản thân và cho những người xung quanh, mỗi gia đình cần chủ động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà. Cần thay đổi thói quen như không trữ nước trong nhà; không để mảnh vỡ, vỏ chai lọ chứa nước trong vườn; đổ lọ nước bình hoa, cây cảnh; dọn quang vườn tược... Vì đó là đều là nơi trú ngụ của bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh. Khi đi ngủ cần mắc màn. Khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch cần hợp tác với cán bộ y tế để ngăn chặn, chữa trị kịp thời. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời tránh tử vong.
Bình An
Tổng hợp