Bùng nổ chiêu trò phát livestream clip cháy nổ, hỏa hoạn cũ... để câu view
Bùng nổ chiêu trò phát livestream clip cháy nổ/hỏa hoạn cũ để câu view
Xuất hiện đã lâu nhưng ứng dụng livestream trên facebook dường như chưa bao giờ hết "hot". Cho đến hiện tại, đây vẫn là công cụ hiệu quả nhất để truyền đạt hình ảnh trực tiếp từ sự việc đang xảy ra. Nhờ thuật toán ưu tiên của facebook, các clip livestream sẽ được thông báo ngay lập tức đến những thành viên của fanpage. Vì vậy, số lượng người xem loại clip này thường đông hơn hẳn so với các clip đăng tải dạng bình thường.
Từ sức hấp dẫn này, livestream cũng bị không ít người lợi dụng như một công cụ hiệu quả để câu like và view. Chán quay cảnh khoe thân, gần đây, một số trang fanpage lại nghĩ ra trò sử dụng loại clip mang tính thời sự, ghi lại diễn biến các vụ việc được số đông người quan tâm như tai nạn hay cháy nổ.
Thế nhưng, những vụ việc như vậy không phải lúc nào cũng xảy ra. Vì thế các fanpage này thường phát lại những clip cũ dưới dạng livestream để thu hút sự quan tâm của người dùng facebook.
Sau 25 phút phát live, clip được fanpage này "đào mộ" đã thu hút gần 70.000 lượt view.
Và đây là kết quả sau 9 tiếng.
Điển hình như sáng ngày 17/4, một fanapage có tên là "Triệu like" đã đăng tải một clip cháy lớn trên đường Âu Cơ khiến nhà 5 khung thép đổ sập. Đây là một clip cũ đã xuất hiện trên mạng, quay lại sự kiện xảy ra từ năm 2013. Fanpage này đã phát liên tục suốt 4h với một clip ngắn khoảng hơn 30 phút được lặp lại nhiều lần.
Tính từ thời điểm bắt đầu phát clip đến 9 tiếng sau, nó đã nhận được hơn 600.000 lượt view, 12.000 lượt like và gần 6.000 lượt chia sẻ cùng hơn 8.000 bình luận.
Bên cạnh thái độ lo lắng, sợ hãi.
Không ít người đã nhận ra đây chỉ là "trò đùa quá trớn".
Rất nhiều người không theo dõi từ đầu đến cuối, thấy đám cháy kéo dài cả tiếng đồng hồ đã vô cùng hoang mang, sợ hãi. Những dòng bình luận như "cháy ở đâu thế", "cháy lớn quá", "mong không thiệt hại về người"... được rất nhiều người để lại phía dưới. Đáng nói, một số người không tìm hiểu kỹ sự tình còn lên tiếng trách cứ các đơn vị PCCC không làm việc hết mình.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại nhận ra đây chỉ là một trò "bịp bợm" để câu view. "Clip cháy gì quay đi quay lại cả 4 tiếng vậy hả page", một nickname bình luận. Thậm chí, một số người cẩn thận tìm kiếm thông tin và chỉ ra đích danh đây là clip lấy lại trên youtube về vụ cháy trên đường Âu Cơ năm 2013.
Chúng tôi đã liên hệ với Đại tá Tô Mạnh Thắng (Trưởng Phòng cảnh sát PCCC số 6, đơn vị phụ trách khu vực Tây Hồ) để tìm hiểu thực hư vụ việc. Ông Thắng cho biết, trong cả ngày 17/4, đơn vị này không hề nhận được tin báo cháy trên phố Âu Cơ. "Địa bàn do đơn vị tôi chịu trách nhiệm chính vẫn bình yên và không có cháy nổ xảy ra".
Đại tá Thắng cũng cho biết thêm, hiện nay quy trình báo cháy được xác minh khá nhanh nên việc xảy ra báo cháy giả cũng đã hạn chế hơn trước kia. Thông thường các đơn vị PCCC cấp cơ sở sẽ tiếp nhận thông tin báo cháy từ tổng đài gọi xuống. "Sau đó chúng tôi sẽ gọi lại số điện thoại của người dân báo cháy để xác minh một số thông tin trước khi điều quân. Mấy năm nay, người dân đã hiểu rằng báo cháy giả sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên hiện tượng này đã giảm đi nhiều", ông Thắng nói thêm.
Vị Trưởng phòng này cũng cho biết, thông thường, các đơn vị PCCC sẽ tiếp nhận thông tin báo cháy qua tổng đài hoặc đường dây nóng, trường hợp tiếp nhận thông tin trên mạng, đơn vị sẽ tiến hành xác minh nên chưa từng có vụ việc nào bị đánh lừa bởi những chiêu trò câu view như fanpage kể trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Tuân (Đội trưởng Đội Chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC số 8) cũng chia sẻ: "Đây thường là những trò câu like trên facebook. Ở đội cảnh sát PCCC số 8, chúng tôi cũng chưa từng phải điều động xe cứu hỏa vì những vụ việc như vậy".
Giả livestream clip cháy nổ có thể nhận án phạt 30 triệu đồng
Hành vi của fanpage trên tuy chỉ nhằm mục đích câu like nhưng ở góc độ pháp lý, nó lại vi phạm luật pháp và có thể vướng phải mức án dân sự lên tới 30 triệu đồng, thậm chí còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phân tích về vụ việc cụ thể nêu trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh (VP Luật Giang Thanh) cho biết, nếu việc livestream vụ cháy cũ xảy ra trên đường Âu Cơ nhằm mục đích cố tình cung cấp thông tin sai sự thật để gây hoang mang, lo lắng cho người khác, thì hành vi này đã phạm vào điều cấm của pháp luật và có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013, cụ thể như sau:
"Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Luật sư Giang Hồng Thanh.
Ngoài ra, nếu việc làm này nhằm mục đích hạ thấp uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó thì còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Có thể thấy trong trường hợp này, clip livestream giả trên dễ gây ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị PCCC trên địa bàn TP Hà Nội.
"Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc người cung cấp thông tin không đúng sự thật với các mục đích khác nhau đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm minh, bởi lẽ việc này làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo", luật sư Thanh phân tích. "Lưu ý rằng việc bị xử phạt hành chính không đơn giản chỉ nộp tiền là xong, mà nó còn bị xem xét để đánh giá nhân thân đối với các việc làm khác sau này".
T.Hường