Bức tranh kinh doanh BĐS Quý 2: Trong khi hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ lớn thì nhiều đại gia tiếp tục lãi to
Sau khi trải qua thời khủng hoảng, thị trường BĐS phân hóa khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trong làng địa ốc ngã ngựa nhưng đó cũng là cơ hội của nhiều tập đoàn BĐS lớn, có tiềm lực phất lên mạnh mẽ. Quá trình thị trường phục hồi đã giúp nhiều đại gia địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán đạt được kết quả kinh doanh khả quan, ngược lại một số doanh nghiệp lại lún sâu vào khó khăn với những khoản lỗ lớn.
Điển hình như công ty CP Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC) trong quý 2 này ghi nhận con số lỗ nặng nhất trong hơn 7 năm qua, với hơn 62 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần TDC gần 184 tỷ đồng, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là lãi gộp giảm 17%, còn hơn 34 tỷ đồng.
Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, TDC phải gánh chi phí lãi vay đột biến lên đến gần 68 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó chi phí bán hàng cũng tăng 35%, ở mức gần 21 tỷ đồng. Do đó, công ty này ghi nhận lỗ gần 62,5 tỷ đồng trong quý 2/2017, số lỗ lớn nhất kể từ quý 4/2009. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, TDC đạt doanh thu 362 tỷ đồng và lỗ hơn 77 tỷ đồng.
Cũng trong quý 2/2017, công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) báo lỗ gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 623,8 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, PVL đạt doanh thu 135 triệu đồng và thua lỗ hơn 4 tỷ đồng. Về hoạt động đầu tư dự án, PVL cho biết năm 2017 Công ty sẽ hoàn thành, bàn giao và hạch toán doanh thu cùng lợi nhuận tại dự án Linh Tây Tower.
Đồng thời, PVL cũng sẽ đôn đốc triển khai đầu tư tại dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thể thao và văn phòng tại một phần lô đất CV4.4. Dự kiến năm 2017 Công ty sẽ hoàn thành công tác xin phép phê duyệt cũng như xin cấp giấy phép đầu tư dự án. Giá trị đầu tư năm 2017 dự kiến đạt gần 12 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu thuần tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng tăng đột biến gấp 45 lần cùng kỳ khiến tập đoàn Hà Đô (HDG) lỗ ròng hơn 27 tỷ đồng trong quý 2 này. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, HDG lỗ 26,7 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 4 tỷ của cùng kỳ 2016. Riêng công ty mẹ HDG cũng chịu lỗ tới hơn 100 tỷ đồng trong quý 2/2017.
Được biết, năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 244,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 2016. So với tình hình thực tại, 6 tháng đầu năm đã qua nhưng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm của doanh nghiệp này vẫn còn khá xa.
Một trường hợp khác, kết thúc quý 2/2017, Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) ghi nhận doanh thu tăng 41% lên mức 55 tỷ đồng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, do phải trích lập dự phòng 248 tỷ khiến công ty phải báo lỗ đến 296 tỷ đồng, trong khi quý 2/2016 có lãi 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo lý giải của NVT, khoản lỗ trên còn xuất phát từ các nguyên nhân như: Chi phí tài chính tăng do công ty thanh lý khoản góp vốn và cho vay tại công ty liên kết là Công ty Danh Việt lỗ gần 19 tỷ đồng; Lập dự phòng cho khoản đầu tư khác vào Công ty Tân Phú 10 tỷ đồng; Chi phí lãi vay tăng khoảng 2 tỷ do lãi suất tăng; Ngừng trích lãi cho vay các khoản phải thu Công ty Tân Phú do ước tính không thu hồi đủ nợ gốc dẫn đến giảm doanh thu tài chính khoảng 9 tỷ đồng...
Cũng nằm trong danh sách báo lỗ thời điểm này, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 của công ty CP Bất động sản Exim (Eximland) cho thấy doanh thu đạt được là 36 tỷ đồng, nhưng khoản lỗ lại lên đến 4,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay Eximland đã lỗ đến 8,3 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này không thuyết minh nguyên nhân vì sao có các khoản lỗ trên! Trong khi đó, trong năm 2017, Eximland đặt kế hoạch doanh thu 75 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,4 tỷ đồng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh bết bát của những doanh nghiệp trên, nhiều "ông lớn" và đại gia địa ốc vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khả quan và đà tăng trưởng tốt, mặc dù theo nhiều nhận định cho thấy thị trường địa ốc trong nước còn nhiều khó khăn, tốc độ bán hàng đang chững lại.
Chẳng hạn kết thúc quý 2/2017, Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận 19.538 tỷ đồng doanh thu và 1.891 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.017 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của "ông lớn" Novaland (NVL) cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.442 tỷ đồng giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tập đoàn này vẫn báo lãi hơn 432 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 841 tỷ đồng lợi nhuận.
Một công ty khác là Công ty Nhà Khang Điền (KDH) quý 2/2017 đạt gần 1.150 tỷ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu từ bất động sản chiếm đến 98%, đạt 1.132 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý 2/2017 của KDH đạt hơn 28%, giảm đáng kể so với con số 37% trong quý 2/2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, KDH đạt doanh thu 1.790 tỷ đồng, tăng 43% so cùng kỳ, lãi ròng đạt 233 tỷ đồng, tăng 16% và thực hiện 47% chỉ tiêu kế hoạch lãi cả năm 2017.
Báo cáo tài chính hợp nhất của CEO Group, cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 116,5 tỷ, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 42% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam, các doanh nghiệp đang phải thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc chuyển hướng vào phân khúc nhà ở có nhu cầu thật, cộng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng tiện ích cho từng cư dân... nên gia tăng tính thanh khoản, giảm lượng hàng tồn kho hiện tại.
Nguyên Minh