Bỏ nghề luật sư, thầy hiệu trưởng giúp 190 học sinh nghèo đỗ các trường danh tiếng nhất nước Anh ngay trong năm đầu tiên
Ngài hiệu trưởng 38 tuổi chia sẻ: "Tôi vô cùng tự hào về thành tựu mà các học sinh của mình đạt được."
Luật sư Mouhssin Ismail đã rời khỏi hãng luật quốc tế Norton Rose Fulbright để đảm nhận chức Hiệu trưởng Học viện Newham, phía đông London, một trong những khu vực khó khăn nhất nước Anh.
Trong năm đầu tiên ông đảm nhận chức vụ, 190 trong 200 học sinh đã giành được tấm vé vào các trường Đại học nổi tiếng hàng đầu trong Nhóm Russell (nhóm 20 trường đại học nổi tiếng hàng đầu của nước Anh về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu). Trong đó, 9 học sinh nhận được thư mời nhập học từ Đại học Oxford hoặc Đại học Cambridge nổi tiếng, và 1 học sinh tên Tafsia Shikdar đã nhận được thư mời từ Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ.
Học viện Newham phía Đông London đã giúp cho 190 trong 200 học sinh nhận được thư mời nhập học tại các trường Đại học danh tiếng hàng đầu Nhóm Russell
Vị hiệu trưởng này cho biết, khoảng 2 năm về trước, mong muốn đưa học sinh đến ngưỡng cửa các trường Đại học danh giá gần như là điều không tưởng. Với ngôi trường này, ông quyết tâm mang đến cho học sinh của mình những cơ hội ngang với những học sinh trường tư thục.
Những học sinh quan tâm sẽ có cơ hội trải nghiệm công việc tại hãng luật Abu Dhabi hoặc công ty luật White & Case ở Mỹ. Bên cạnh đó, các học sinh khác cũng được tham gia những buổi hướng dẫn hàng tuần với các sinh viên đã tốt nghiệp hoặc các chuyên gia ở đa dạng ngành nghề từ trường Đại học Oxford đến Cambridge.
Hiệu trưởng Ismail khẳng định "Nếu các học viên liệt kê kinh nghiệm làm việc tại công ty luật White & Case trong hồ sơ của mình thì chắc chắn các em sẽ trở thành những ứng viên sáng giá."
Tafsia cảm thấy may mắn khi ngài hiệu trưởng luôn ủng hộ cô trên con đường phấn đấu đến các trường đại học danh giá.
Một tấm gương sáng điển hình cho thành công trong phương pháp giảng dạy của ngài Ismail chính là cô học viên Tafsia Shikdar.
Tafsia đã giành được học bổng của Học viện công nghệ Massachusetts danh tiếng tại Mỹ, trị giá 200 ngàn bảng Anh (khoảng 5 tỷ đồng). Tại đây, cô sẽ được học tập với những sinh viên thông minh nhất thế giới để lấy bằng kỹ sư.
Cô học viên Tafsia Shikdar đã giành được học bổng nhập học tại Học viện Công nghệ Massachusetts nổi tiếng (MIT).
Thành công này đã đến với Tafsia sau khi Học viện Newham tổ chức buổi hướng dẫn phỏng vấn và cách chuẩn bị đơn dự tuyển với một sinh viên đã tốt nghiệp từ trường Đại học Harvard.
Tafsia chia sẻ: "Viện Công nghệ Massachusetts mong muốn đào tạo ra những người tài giỏi nhất, họ không quan tâm bạn đến từ đâu. Tôi không muốn mọi người cứ giữ suy nghĩ chỉ cần giàu là có thể vào đây."
Phi hành gia Buzz Aldrin từng học tại Viện Công nghệ Massachusetts và Tafsia sẽ nối tiếp bước chân của những người đi trước.
"Chính những suy nghĩ đó đã khiến nhiều người từ bỏ ước mơ đến học tại những ngôi trường có chất lượng giảng dạy đứng đầu thế giới. Và tôi ở đây để nói với mọi người rằng, họ có thể làm được. Tại sao một người từ phía Đông London lại không thể vào học ở Viện Công nghệ Massachusetts, tại sao chúng ta không dám thực hiện những hoài bão lớn? Đừng nghĩ về điểm xuất phát của mình mà hãy nghĩ về nơi mình có thể đạt đến.", Tafsia nói thêm.
Tại sao một cô học trò nghèo miền Đông London thì không thể bước chân vào MIT?
Ngài hiệu trưởng Mouhssin Ismail chia sẻ: "Tôi đã nói với các học sinh của mình rằng, các em có thể trở thành Thủ tướng của đất nước này vào một ngày nào đó. Hầu hết các em nghĩ tôi đang đùa, nhưng tôi thực sự rất nghiêm túc.
Nếu bạn nói điều tương tự với một học sinh ở Eton hoặc Harrow thì chúng sẽ suy nghĩ khác. Chúng sẽ nhìn những người đã từng đảm nhiệm vị trí đó và tự nhủ mình có thể làm được.
Những học viên như Tafsia là một tấm gương sáng cho những đứa trẻ khác ở Newham và những nơi tương tự. Tafsia đến từ một gia đình bình dân. Người cha gần 50 tuổi là nhân viên kĩ thuật và mẹ là người trông nom bữa trưa tại trường học.
Nếu mọi người chứng kiến Tafsia nhập học tại Viện Công nghệ Massachusetts và 9 học sinh khác của chúng tôi đến học tại Đại học Oxford và Cambridge, họ sẽ tin tưởng vào bản thân họ và con cái họ. Mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra như thế.
Tôi đã rời bỏ công việc với mức thu nhập cao ở thành phố vì tôi cảm thấy mình không có ích gì cho xã hội, tôi muốn tạo ra sự khác biệt. Tôi muốn mang lại cơ hội cho những người thực sự tài năng nhưng hoàn cảnh lại không may mắn."
Phương Giấy Spiderum