Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang: Đấu tranh quyết liệt với buôn lậu, gian lận thương mại
Đối tượng có trăm phương, ngàn kế
Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: “Năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới tỉnh An Giang vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thay đổi nhanh theo tình hình.
Phía ngoại biên đối diện vẫn tồn tại 26 kho hàng chứa hàng hóa để buôn bán, vận chuyển vào Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu là: đường cát, thuốc lá; rượu, bia; đồ điện tử, mỹ phẩm …
Thời gian gần đây (từ 01/10/2018 đến nay) xuất hiện tình trạng vận chuyển phế liệu nhập lậu trái phép từ Campuchia vào Việt Nam qua địa bàn biên giới tỉnh An Giang”.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang phòng chống có hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại
Các đối tượng buôn lậu có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh. Chúng cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây, tổ chức trong địa bàn khu vực biên giới và nội địa; tổ chức các đầu nậu, đường dây vận chuyển chuyên nghiệp, khép kín gồm nhiều bộ phận: các đối tượng vận chuyển, đai vác; canh coi đường...
Hàng hóa được tập kết sát biên giới, khi có thời cơ các đối tượng dùng phương tiện vỏ lãi, xuồng cao tốc hoặc xé lẻ thuê người đai vác vận chuyển hàng lậu qua biên giới vào mọi thời điểm ở mọi nơi gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong công tác ngăn chặn, đánh bắt.
Các đối tượng buôn lậu không hoạt động ồ ạt mà chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ và ngụy trang, cất giấu rất tinh vi, vận chuyển hàng với số lượng vừa phải, khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố để khởi tố. Chúng tổ chức người theo dõi, giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay tại Đồn, Trạm, chốt Biên phòng để thông báo cho đối tượng buôn lậu đối phó, né tránh; thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng.
Đặc biệt quá trình hoạt động các đối tượng chủ đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu đối với người đai vác, vận chuyển thuê; nên khi bị bắt giữ hàng hóa các đối tượng thường lôi kéo người thân, phụ nữ, thanh niên, trẻ em để cướp giật lại hàng, chống người thi hành công vụ... Đối tượng chủ đầu nậu không trực tiếp thực hiện mà chỉ đạo các đối tượng từ xa bằng điện thoại di động nên rất khó bị bắt giữ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Vĩnh Ngươn kiểm đếm tang vật vụ buôn lậu thuốc lá
Ngoài các thủ đoạn nêu trên, đối tượng buôn lậu còn lợi dụng quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu; các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi, để hợp thức hóa đường cát nhập lậu. Ngoài ra, tại một số địa bàn trên tuyến biên giới hình thành cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường phèn; các đối tượng vận chuyển từ biên giới đưa thẳng vào các cơ sở sản xuất đường phèn sơ chế, sau đó thay đổi bao bì vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Đối với các đối tượng buôn lậu thuốc lá điếu, khi đã vận chuyển qua biên giới các đầu nậu tổ chức nhiều đường dây theo từng tuyến đường, mỗi tốp vận chuyển từ 05 – 07 xe, chạy với tốc độ cao vận chuyển sâu vào nội địa hoặc lợi dụng cất giấu trong xe khách; xe tải; xe du lịch, xe Honda; xuồng ghe chở hàng hóa đưa vào nội địa tiêu thụ.
Đối với các đối tượng buôn lậu các mặt hàng mỹ phẩm; dược phẩm; rượu ngoại; đồ điện tử, điện lạnh; gỗ; vàng; ngoại tệ…Các đối tượng chủ đầu nậu thuê người đai vác, vận chuyển, tổ chức theo dõi lực lượng của ta và coi đường rất chặt chẽ.
Thời gian gần đây, trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang xuất hiện tình trạng vận chuyển trái phép phế liệu nhập lậu; do các lực lượng tập trung đấu tranh ngăn chặn quyết liệt nên chúng chuyển qua vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, đưa vào các cơ sở thu mua phế liệu để hợp thức hóa hàng lậu.
"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn"
Theo Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, BĐBP tỉnh An Giang: “Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới “nóng” lên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tăng cường lực lượng cho Đồn để tổ chức chốt chặn, phát hiện, đánh bắt buôn lậu. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị xác định rõ tinh thần, trách nhiệm, độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng kiên quyết ngăn chặn, đánh bắt, bắt không được thì phải ngăn chặn cho được”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Long Bình vận chuyển đường cát nhập lậu vào kho tạm giữ
Những vấn đề khó khăn đặt ra trong công tác phòng chống các loại tội phạm của BĐBP tỉnh An Giang là tuyến biên giới dài, địa hình đồng bằng bằng phẳng có nhiều đường mòn, kênh rạch và sông biên giới (trên 13 km), trong khi lực lượng còn mỏng, thiếu so với biên chế nên có lúc, có nơi chưa kiểm soát chặt chẽ hết địa bàn; tội phạm và các đối tượng lợi dụng tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật. Một số trang bị kỹ thuật đã cũ không phát huy được hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trình độ nhận thức của một số người dân ở khu vực biên giới còn thấp, chưa tự giác tham gia tố giác tội phạm, dễ bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia, tiếp tay cho hoạt động của các loại tội phạm. Đa số đối tượng vi phạm là người dân hai bên biên giới, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, đối tượng vi phạm là người nội địa được các chủ đầu nậu thuê vận chuyển, khi bị bắt giữ, xử lý, phần lớn không có tiền nộp phạt, không chấp hành được quyết định xử phạt, không thực hiện được biện pháp cưỡng chế.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn phải đối mặt với nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh của các đối tượng phạm tội… Tuy nhiên, trong năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các tụ điểm, đường dây tội phạm trên tuyến biên giới của tỉnh, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, tạo môi trường ổn định để tỉnh phát triển kinh tế,văn hóa, xã hội… mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế Quốc tế.
Đối với tội phạm ma túy, BĐBP tỉnh An Giang đã đấu tranh kết thúc 01 chuyên án và 02 vụ án bắt 03 đối tượng, tang vật thu giữ 26,18 kg cần sa; 0,06g Hêrôin; 3,7597 gram ma túy đá; 01 xe máy (đã qua sử dụng). Hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố 01 vụ/ 01 đối tượng; bàn giao Công an địa phương xử lý 01 vụ/ 01 đối tượng. Đơn vị phối hợp với các lực lượng khác bắt 03 vụ/ 04 đối tượng, tang vật thu giữ 33,2 kg hoa, lá, quả, cây cần sa; 150 gram ma túy đá; 350 USD; 27.370.000 đồng; 01 xe ô tô; 01 xe máy (đã qua sử dụng).
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, BĐBP tỉnh An Giang phối hợp với Công an, Hải quan và chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình hình buôn lậu qua biên giới. Trong năm 2018, BĐBP tỉnh độc lập bắt 179 vụ/ 35 đối tượng, trị giá hàng hóa hơn 4,5 tỷ đồng. Đơn vị phối hợp với các lực lượng khác bắt 08 vụ/14 đối tượng, trị giá hàng hóa khoảng 2,6 tỷ đồng.
Đạt được thành tích đó là nhờ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, thực tế địa bàn, xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Thành quả đó còn nhờ sự đoàn kết trong nội bộ đơn vị, tình đoàn kết quân dân, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên khu vực biên giới.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, tập trung thực hiện toàn diện, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trong mọi tình huống.
Chiến Khu