Bộ Đội Biên phòng Tây Ninh thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại biên giới
Thực hiện tốt công tác ngoại giao biên giới
Tỉnh Tây Ninh có khoảng 240 km đường biên giới quốc gia, địa bàn hoạt động thuộc 20 xã, phường, thị trấn của 5 huyện biên giới. Những năm qua, ở tỉnh Tây Ninh, các địa phương, đơn vị, cùng với các lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tổ chức giáo dục truyền thống; tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về Luật Biên phòng Việt Nam.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế, Bộ đội Biên phòng tỉnh là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc tuyên truyền, thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Xuất - nhập cảnh; tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập biên tại các cửa khẩu, lối mở; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân bên kia biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn; xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị.
Các buổi hội đàm định kỳ, đột xuất và quan hệ thăm hỏi nhân dịp các ngày lễ, ngày tết với các địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn được duy trì thường xuyên; đặc biệt, đã thống nhất tổ chức lực lượng tuần tra song phương với lực lượng biên phòng phía bạn; kịp thời thông báo, trao đổi tình hình và cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và phòng ngừa dịch bệnh.
Bộ đội Biên phòng Tây Ninh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh vùng biên giới |
Tăng cường đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã thiết lập quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của bạn tại các tỉnh như: Kông-pông Chàm, Prây-veng và Svai-riêng. Các đồn biên phòng thực hiện quan hệ ngoại giao thường xuyên, đột xuất trao đổi với các đồn cảnh sát bảo vệ biên giới, đồn công an hành chính xã biên giới, cảnh sát biên phòng và bộ đội biên phòng nước bạn.
Đặc biệt, các đồn biên phòng đã tham mưu cho chính quyền xã, thôn biên giới hai bên hình thành và tổ chức có hiệu quả ngoại giao nhân dân; trao đổi, giải quyết tại chỗ, kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới như: việc xâm canh, xâm cư, chăn thả gia súc, khai thác lâm thổ sản... trên tinh thần hợp tác, hữu nghị...
7 nhiệm vụ trọng tâm giữ an ninh biên giới
Phát huy những kết quả đã đạt được, Bội đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh biên giới trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, trong đó nhấn mạnh vào thực thi Luật Biên phòng Việt Nam.
Thứ hai, tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”.
Các lực lượng, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ.
Thứ ba, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng giải quyết tốt các yêu cầu trong công tác nghiệp vụ cơ bản như điều tra xử lý tội phạm, mở rộng vụ án; bổ trợ, hỗ trợ tư pháp, giám định… ở địa bàn biên giới, cửa khẩu.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp để duy trì, củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, nhất là trong việc tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, phối hợp hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của mỗi lực lượng.
Thứ tư, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm.
Tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm.
Thứ năm, làm tốt công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bảo vệ nội bộ, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, bị tội phạm lôi kéo, “bảo kê” cho các loại tội phạm…
Xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong toàn quốc nói chung và khu vực biên giới, cửa khẩu.
Thứ sáu, thường xuyên phối hợp sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm tuyến biên giới để rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót nhằm hoàn thiện nâng cao hiệu quả công tác.
Cuối cùng, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của Campuchia trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững…