Binh chủng "đồ sộ", dũng mãnh nhất của QĐ nhà Nguyễn: Nỗi khiếp đảm của kẻ thù
Vậy tượng binh của nhà Nguyễn được tổ chức thế nào?
Theo sử sách triều Nguyễn, tượng binh đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn. Từ khi vua Gia Long lên ngôi thì lực lượng này cũng đã được tổ chức quy củ. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1829, nhà vua cho định lại cơ cấu tổ chức cũng như đặt lại tên cho các đơn vị của binh chủng này.
Biên chế
Dưới các triểu vua Gia Long, Minh Mạng (cho đến năm 1831), thì đất nước vẫn đặt hai cơ cấu hành chính là Bắc Thành, có nhiệm vụ trông coi tất cả các tỉnh miền Bắc, và Gia Định Thành, cai quản các tỉnh miền Nam. Mỗi thành do một viên Tổng trấn cai quản.
Sách Đại Nam thực lục ghi lại lời tâu của Bộ Binh lên vua Minh Mạng năm 1829 rằng:
"Nhà nước có tượng binh dùng về việc quân, thật là đắc lực, mà từ trước đến nay ở Kinh và các thành trấn đạo, có nơi số binh nhiều, số voi ít, có nơi số binh ít, số voi nhiều.
Lại có nơi binh và voi đều chưa từng có. Nếu không tuỳ nghi định lại, cứ nhân tuần như thế, thì sự chăn nuôi ngày thường đã lo khó đủ, mà khi có việc sai khiến lại sợ có chỗ làm không nổi. Xin lượng theo địa phương lớn nhỏ và công việc nhiều ít để định số binh số tượng khác nhau cho có định ngạch".
Các đề xuất trong bản tâu này đều được vua Minh Mạng chuẩn y.
Tượng binh. Ảnh minh họa.
Theo tấu trình của Bộ Binh, thì bộ này xin đặt ở Kinh thành 3 vệ tượng binh, mỗi vệ 10 đội, biền binh 1.500 người, voi 150 thớt.
Lực lượng tượng binh đặt ở Bắc Thành là 3 cơ, mỗi cơ 5 đội, biền binh 750 người, voi 110 thớt.
Với Thành Gia Định, Bộ Binh đề xuất có 10 đội, biền binh 500 người, voi 75 thớt.
Số lượng quân và voi thuộc binh chủng này ở các trấn lần lượt như sau: Quảng Nam 5 đội, biền binh 250 người, voi 35 thớt. Nghệ An 3 đội, biền binh 150 người, voi 21 thớt. Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hoa đều 2 đội, biền binh đều 100 người, voi đều 15 thớt.
Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Ninh Bình đều 1 đội, biền binh đều 50 người, voi đều 7 thớt.
Như vậy, lực lượng tượng binh dưới thời vua Minh Mạng, nếu được biên chế đầy đủ cơ số, có số voi tối đa là 471 con.
Bản tấu trình của Bộ Binh cũng ghi rõ, theo đề xuất này, thì các thành, trấn sẽ tùy quân số đang thừa thiếu mà bớt hay thêm. Nếu chưa đủ số, binh thì mộ sung vào, voi thì bổ tiếp.
Về vũ khí cấp cho voi chiến, tài liệu nhà Nguyễn ghi rõ, mỗi thớt voi chiến, theo lệ lĩnh 1 lá cờ đỏ thêu, 1 cây cờ có mũi giáo bằng sắt, cuộn dây thu kết thúc đằng trước bằng sắt; 30 cây lao phi mũi bằng sắt, 20 cây lao phóng bằng sắt, 1 câu liêm sắt, 2 quả chuông đồng.
Như vậy, không thấy voi chiến thời Nguyễn có súng hay đại bác như các mô tả về voi chiến của quân đội nhà Tây Sơn.
Danh hiệu và chỉ huy
Theo bản tấu trình của Bộ Binh năm 1829, thì Bộ cũng đề xuất danh hiệu vệ, cơ thuộc tượng binh đều xin dùng một chữ tên Kinh, thành, trấn, đạo mà gọi.
Như lực lượng tượng binh ở Kinh thì gọi là 3 vệ Kinh tượng nhất, nhị, tam.
Ở Quảng Trị thì gọi cơ Trị tượng; Quảng Bình gọi cơ Quảng tượng; Quảng Nam gọi cơ Nam tượng; Quảng Ngãi gọi cơ Ngãi tượng; Bình Định gọi cơ Bình tượng; Phú Yên gọi cơ Phú tượng; Bình Hòa gọi cơ Hòa tượng; Bình Thuận gọi cơ Thuận tượng.
Tiếp đó, ở Nghệ An gọi cơ An tượng; Thanh Hoa gọi cơ Hoa tượng; Ninh Bình gọi cơ Ninh tượng; Gia Định gọi cơ Định tượng; Bắc Thành gọi 3 cơ Bắc tiền, Bắc tả và Bắc hữu.
Năm 1847, vua Minh Mạng ban hành quy định: Từ trước tới nay, cờ voi, bành voi ở các tỉnh, hoặc do Kinh cấp phát, hoặc do ở tỉnh làm lấy, màu cờ xanh, vàng, đỏ, biếc không thống nhất.
Tượng binh. Ảnh minh họa.
Từ nay về sau, về màu sắc, tơ lụa sơn thếp đỏ, xanh, đen, biếc tùy ý, và các kiểu tô vẽ ở bành như: Kỳ lân, long mã, rồng mây, sóng gợn cũng tùy ý, không cứ nhất thiết theo ấn định. Duy bành voi không được vẽ rồng sắc vàng, để có phân biệt màu sắc với bành voi ở Kinh.
Cờ voi ở các tỉnh, trước đó hoặc thuê đính 1 chữ, hoặc 2, 3, 4 chữ, không được thống nhất; từ nay phải theo cách thức, mỗi mặt lá cờ đều đính 2 chữ, như tỉnh Quảng Nam là đội Nam tượng, thì cờ đính hai chữ: "Nam tượng"; tỉnh Gia Định là đội Gia tượng, thì cờ đính chữ "Gia tượng"; tỉnh Bình Định là đội Bình tượng thì cờ đính chữ "Bình tượng".
Về lãnh đạo binh chủng tượng binh, năm 1829, vua Minh Mạng cho đổi bổ Phạm Văn Điển làm Thống chế Kinh tượng, Lê Phục Tấn làm Phó vệ uý vệ Kinh tượng nhất, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Bình.
Trong khi đó, Hồ Văn Đa làm Vệ uý vệ Kinh Tượng nhị, vẫn chuyên quản các tượng cơ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Gia Định, Nguyễn Văn Thị làm Vệ uý Kinh tượng tam, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Nghệ An, Thanh Hoa, Ninh Bình và Bắc Thành.
Thống chế Phạm Văn Điển xuất thân là lính tượng binh từ thời chúa Nguyễn. Ông theo chúa Nguyễn Ánh từ năm 1793, được phong làm Phó Cai cơ. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, Phạm Văn Điển được thăng làm Phó Trưởng chi cai cơ, rồi lần lượt thăng đến chức Thị tượng Vệ úy.
Năm Minh Mạng năm thứ 5 (1824), Phạm Văn Điển được thăng làm Thự Tượng quân Thống chế (như quyền Thống chế, dưới Thống chế một cấp). Đặc biệt, Phạm Văn Điển còn có khả năng lãnh đạo cả thủy quân, khi ông từng cầm thủy quân đi dẹp "giặc biển" ở vùng biển Thanh Hóa.
Phạm Văn Điển sau này được thăng đến Đô thống Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự, tức hàm chánh nhất phẩm ngạch võ quan (chức Thống chế là hàm chánh nhị phẩm), tước Tín Vũ bá.
Ông từng lập công cho nhà Nguyễn khi dẹp được cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng năm 1834, nên được khắc tên trên bia Võ công, đặt trước sân Võ miếu.
Dù là quan võ, ông cũng từng được cử làm quan cai trị ở chức Tổng đốc Thanh Hóa. Những năm cuối đời ông còn được cử vào miền Nam cùng Nguyễn Công Trứ dẹp các cuộc nổi dậy tại đây cũng như đánh đuổi quân Xiêm La xâm lược, rồi mất ở quân thứ Thất Sơn năm 1842, thọ 73 tuổi.
Triều Nguyễn cũng có vị chỉ huy Tượng binh nổi tiếng nữa, là Đô thống chế Tượng binh Lê Văn Hoan, vốn là chỉ huy tượng binh thời Tây Sơn, được vua Gia Long triệu hồi ra cai quản tượng binh. Ông phục vụ triều Nguyễn cho đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828) thì qua đời ở tuổi 70.
Lê Tiên Long