Biến khí thải CO2 thành linh kiện ô tô
Theo tạp chí khoa học News Scientist, công nghệ trên là kết quả tìm tòi của nhóm nghiên cứu do GS. Stuart Licht ở Đại học George Washington (Washington DC, Mỹ) đứng đầu.
Theo đó, họ đã tìm ra quy trình lấy carbon từ không khí và biến nó thành sợi nano siêu nhỏ - một loại vật liệu thô được dùng để chế ra các vật liệu tổng hợp bền chắc dùng trong máy bay, thiết bị tập thể dục và ô tô thể thao.
Sợi nano được dùng trong chế tạo linh kiện ôtô, máy bay...
Đáng chú ý là chi phí tạo ra sợi nano carbon từ công nghệ này thấp hơn rất nhiều so với giá trị của nó. Theo GS. Licht, giá bán 1 tấn sợi nano carbon khoảng 25.000 USD, trong khi chi phí chế tạo chỉ mất khoảng 1.000 USD.
"Chúng tôi đang chuyển đổi CO2 thành thứ hữu ích” – GS. Licht nói - Chúng tôi nghĩ nhu cầu sẽ rất lớn".
Ông cũng nói, xét trên quy mô lớn, công nghệ làm ra sợi nano từ carbon về mặt lý thuyết có tác động rất lớn đến công cuộc thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cho biết, nhóm nghiên cứu không có ý định dùng công nghệ này cho mục đích thương mại quy mô lớn.
Theo ông, để mở rộng quy mô của công nghệ này, cộng đồng toàn cầu cần làm việc cùng nhau để tạo ra các nguồn lực cần thiết. "Điều này đòi hỏi phải có rất nhiều tiền", ông nói thêm.
Theo Tuổi Trẻ