Biến chứng kinh hoàng của làm đẹp chui là tắc mạch, mù lòa, suy đa tạng và "sở hữu" tính mạng
Mới đây trên mạng xã hội xôn xao về việc nhiều người phụ nữ tiêm filler làm đầy khuôn mặt tại các thẩm mỹ viện (TMV), spa... bị sưng phồng, nổi đầy mụn, phải đi chạy chữa khắp nơi không khỏi. Điều đó có nghĩa là chất lượng chất đầy "có vấn đề", cơ sở làm đẹp chui...
Cùng nghe bác sỹ thẩm mỹ tiết lộ về sự nguy hiểm khi dùng sai cách, lạm dụng loại chất làm đầy filler này.
Báo Thời đại đã có cuộc trao đổi với bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Thanh Sơn – Bệnh Viện 108 về loại chất làm đầy trẻ hóa đang làm mưa gió trên thị trường làm đẹp này. Chia sẻ với phóng viên bác sỹ Sơn cho biết:
Hiện trên thị trường làm đẹp có rất nhiều loại filler, với chất lượng khó kiểm soát đang được rao bán khắp nơi. Những chế phẩm này tuy có cùng công thức cấu tạo từ Hyaluronic acid nhưng công nghệ chế biến khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm có chất lượng khác nhau, nếu cơ sở sản xuất không uy tín, không đảm bảo sẽ gây mất an an toàn cho người dùng.
"Những biến chứng của Filler kém chất lượng sẽ rất khó điều trị phục hồi. Trên thực tế, hiện nay đã có khá nhiều trường hợp bị vón cục tại chỗ, hoặc chảy nhão khi tiêm filler và một số biến chứng nguy hiểm khác".
Một cô gái bị biến chứng sau khi tiêm chất làm cao sống mũi
Hơn nữa, bác sỹ Sơn cũng cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế bắt buộc người thực hiện tiêm filler phải là bác sỹđược cấp giấy phép nhưng vì thủ thuật tiêm filler khá đơn giản, dễ thực hiện, mức lợi nhuận cao nên nhiều nhân viên spa bình thường hoặc có người chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, thực hiện được một vài ca cũng mở dịch vụ tiêm filler cho khách hàng với nguồn thuốc sử dụng trôi nổi khó kiểm soát chất lượng”.
Qua đây, bác sỹ Sơn cảnh báo người tiêu dùng những tai biến khi tiêm filler sai cách:
Tắc mạch, mù lòa: Tổn thương do chất làm đầy nói chung hay tiêm filler gây ra sẽ cực kỳ nguy hiểm do có thể làm tắc các động mạch nông ở mặt, mà nghiêm trọng nhất là tắc động mạch mắt, khả năng cứu vãn rất khó, dẫn tới mù lòa. Một số trường hợp biến chứng có thể lên tới não bộ rất nguy hiểm.
Các trường hợp tai biến đến điều trị tại bệnh viện thường do người tiêm filler chọc mũi tiêm trúng vào mạch máu gây tắc mạch hoặc tiêm quá liều gây nghẽn mạch máu, dẫn đến hoại tử mô. Những ca tai biến này phải điều trị kéo dài, rất khó khăn, không thể phục hồi khuôn mặt như ban đầu mà sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ cho người phụ nữ.
Nhiễm trùng: Việc tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ không chuyên nghiệp hoặc các cơ sở làm chui có khả năng bị nhiễm trùng do quy trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong.
Vón cục chất làm đầy:Đôi khi chất làm đầy, nhất là các sản phẩm trôi nổi chất lượng kém, có thể gây viêm da kích ứng hay làm vón cục trên mặt tạo thành nhiều nốt cứng dưới da không tan do canxi hóa lượng thuốc bơm vào.
Sốc phản vệ: Ngoài ra, như tất cả các loại dược phẩm khác, chất làm đầy được bơm vào để xóa nếp nhăn cũng có thể có nguy cơ gây phản ứng sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Một cô gái bị biến chứng khi tiêm filler làm đầy khóe mũi.
Vì những lợi bất cập hại trên, bác sỹ Sơn cũng khuyên phụ nữ ngày nay hãy là người tiêu dùng thông minh. Trước khi sử dụng biện pháp làm đẹp bằng filler nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất loại chất làm đầy này, đồng thời lựa chọn những cơ sở có uy tín tránh những hậu quả khôn lường không thể cứu vãn được.